Biểu điễn văn nghệ của các em học sinh dân tộc Mông ở Lào Cai. Ảnh: Trọng Chính
Từ góc độ chung
Theo Bộ GD&ĐT, trong những năm qua, công tác GD&ĐT vùng đồng bào DTTS, MN đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách đối với đồng bào vùng DTTS, MN được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ngoài chính sách của Nhà nước có tính ổn định, còn có các chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn… Nhờ vậy, nhìn nhận trên phạm vi cả nước, trong thời gian qua, lĩnh vực giáo dục dân tộc đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ. Mạng lưới, quy mô trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi (MN) được củng cố, phát triển. Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi được đầu tư ngày một khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố ngày càng tăng, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục. Hệ thống cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT được củng cố và phát triển. Các xã vùng sâu, vùng xa, vùng mà người DTTS ở phân tán, địa hình cách trở cũng đều có trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS, tất cả các huyện đều có ít nhất từ 2 trường THPT trở lên, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS. Tỷ lệ học sinh (HS) đến trường tăng cao, HS lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Hệ thống giáo dục chuyên biệt cũng ngày càng phát huy hiệu quả tích cực...
Đặc biệt, từ khi có mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú và các chính sách hỗ trợ đi kèm, chất lượng giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được nâng lên rõ rệt, nhất là vấn đề tiếp cận công bằng trong giáo dục và chất lượng giáo dục đại trà. Hằng năm, tỉ lệ học sinh tiểu học được đánh giá hoàn thành về học tập, năng lực và phẩm chất đều đạt trên 90%; tỉ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 95%. 100% học sinh tốt nghiệp THCS; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tại các trường phổ thông dân tộc bán trú vào lớp 10 trong các trường THPT và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên khoảng 70%, số còn lại theo học nghề và tham gia vào thị trường lao động…
Sự quan tâm công tác giáo dục vùng DTTS ở Lào Cai
Ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành Giáo dục của tỉnh Lào Cai đã có những thay đổi tích cực cả về “chất và lượng”.
Ngay sau khi có Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy Lào Cai đã xây dựng chương trình hành động, ban hành văn bản chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 29, triển khai phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ (2020-2025) đến nay, tỉnh Lào Cai đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, kết hợp với tích cực tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung vào đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành 3 đề án, 20 cơ chế, chính sách đặc thù, theo đó mỗi năm có hơn 135 nghìn học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ. Tỉnh cũng đã quy hoạch, rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của Nhân dân. Chú trọng công tác phổ cập giáo dục; đồng thời phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú trở thành nòng cốt của giáo dục vùng cao, vùng đồng bào DTTS…
Từ năm 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách của địa phương hỗ trợ cho học sinh và giáo viên. Qua đó đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng về giáo dục của tỉnh, đặc biệt là ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tiêu biểu là chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Quyết định số 132 của UBND tỉnh vào năm 2016. Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ trên 718 tỷ đồng.
Quan điểm của tỉnh Lào Cai về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là bắt đầu từ đổi mới con người; chú trọng đổi mới cách quản lý giáo dục, đổi mới cách dạy, cách học phù hợp với thực tiễn; đổi mới giáo dục gắn với hội nhập quốc tế, đào tạo những công dân toàn cầu. Cùng với đó, trong đổi mới giáo dục chú trọng dạy thật, học thật, đánh giá thật, đổi mới giáo dục phải hướng tới giúp học sinh phát triển toàn diện từ trí tuệ, nhân cách, kỹ năng, sức khỏe để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại…
Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững, bao gồm cả về giáo dục, đào tạo, tỉnh Lào Cai tổ chức thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS; xây dựng hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Trong những năm qua, hàng chục nghìn học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt là chính sách miễn, giảm học phí. Toàn tỉnh có 45.500 học sinh được miễn học phí. Trên 32 nghìn học sinh được giảm 70% học phí. Số học sinh được giảm 50% học phí 3.750 học sinh. Số học sinh được hỗ trợ chi phí học tập trên 76 nghìn học sinh với kinh phí hỗ trợ trên 138 tỷ đồng. Bên cạnh đó, triển khai Nghị định số 116 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh đã có 32.500 học sinh được hỗ trợ tiền ăn. Hơn 1.700 em được hỗ trợ tiền nhà ở và trên 31 nghìn học sinh được hỗ trợ gạo. Có 232 trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai được hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh, tổng kinh phí trên 195 tỷ đồng.
Tính đến năm học 2023-2024, toàn tỉnh đã có 561 trẻ mầm non và học sinh các cấp thuộc dân tộc ít người được hỗ trợ học tập theo Nghị định số 57 của Chính phủ với kinh phí trên 6 tỷ đồng. Có 226 sinh viên đi học cử tuyển đã tốt nghiệp, trong đó, 134 em được bố trí việc làm trong cơ quan Nhà nước.
Khi chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, ngành Giáo dục Lào Cai đã rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học theo hướng tập trung về trường chính, giảm các điểm trường lẻ. Cùng với đó, các nhà trường cũng thực hiện việc tu sửa, chỉnh trang trường lớp học sẵn sàng cho ngày khai trường. Quy mô, mạng lưới trường lớp học trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục được củng cố, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Đặc biệt, để bảo đảm cơ sở vật chất theo Thông tư số 13 ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, toàn tỉnh cần đầu tư bổ sung 1.926 phòng học, phòng học bộ môn; 52 nhà hiệu bộ, phòng chức năng; 26 nhà văn hóa dân tộc; 27 nhà kho; 1.186 phòng ở học sinh bán trú, phòng ở công vụ giáo viên có nhà vệ sinh khép kín; 77 nhà ăn, nhà bếp; 65 công trình vệ sinh riêng lẻ; 21 nhà đa năng. UBND tỉnh đã ưu tiên nhiều nguồn lực (3.452,56 tỷ đồng, với 255 danh mục công trình) để đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo kế hoạch, Lào Cai đầu tư cơ sở trường lớp học đáp ứng nhu cầu dạy và học, nhưng cũng bảo đảm phù hợp với việc phân bố dân cư, quy hoạch phát triển của tỉnh. Ngành Giáo dục Lào Cai đã rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học theo hướng tập trung về trường chính, giảm các điểm trường lẻ. Vì vậy, năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Lào Cai còn 598 trường, giảm 12 trường so với năm học trước. Mặc dù vậy, số học sinh lại tăng hơn 3.300 em so với năm học trước, nên số lớp học cũng tăng lên 93 lớp. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện, trở thành nòng cốt giáo dục vùng cao, vùng DTTS.
Đến hết tháng 5/2024, tỉnh Lào Cai có 134/152 xã và 4/9 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi. Toàn tỉnh hiện có 403 trường đạt chuẩn, đạt 67,2%. Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, có 63/99 thí sinh đoạt giải, đạt 63,63%; thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, đoạt 2/2 giải (1 giải Nhì và 1 giải Ba). Đặc biệt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Lào Cai đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc; duy trì vị trí thứ nhất trong khối thi đua 7 tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong quá trình đó, đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 157/255 công trình (đạt 61,57% kế hoạch) với 1.053 phòng học, phòng học bộ môn; 24 nhà hiệu bộ, nhà chức năng; 15 nhà văn hóa dân tộc; 6 nhà kho; 567 phòng ở công vụ giáo viên và phòng ở học sinh bán trú; 7 nhà bếp và nhà ăn; 34 công trình vệ sinh; 5 nhà đa năng”…
Với mục tiêu lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo, ngành Giáo dục Lào Cai quyết tâm thực hiện chủ đề năm học 2024 - 2025: “Vì học sinh thân yêu; xây dựng trường học kỷ cương - trách nhiệm - hạnh phúc; đổi mới và hội nhập”. Toàn ngành tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực đột phá. Trong đó, tập trung quy hoạch mạng lưới trường, lớp học theo hướng kiên cố, chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tăng cường đầu tư trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trường trọng điểm chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. Phấn đấu đến năm 2025, Lào Cai là một trong những tỉnh có chất lượng giáo dục vùng cao đứng tốp đầu cả nước. Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động đổi mới giáo dục; nâng cao chất lượng mô hình trường học gắn với thực tiễn, trường phổ thông dân tộc bán trú gắn với giáo dục hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; các mô hình giáo dục STEM, dạy học song ngữ... trong các cơ sở giáo dục có điều kiện.
Với những kết quả đã đạt được cùng sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chúng ta tin rằng, năm học 2024-2025 và các năm tiếp theo ngành Giáo dục Lào Cai sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu cao hơn nữa, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng, của cả nước nói chung./.
Mạnh Hiếu – Thanh Huyền