17/11/2024 lúc 11:39 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách dân tộc thông qua các chương trình, đề án, dự án lớn tập trung đầu tư theo vùng: vùng khó khăn; vùng đặc biệt khó khăn (xã, thôn đặc biệt khó khăn); đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất; giáo dục đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển văn hoá; y tế, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào.

Lào Cai là tỉnh miền núi, vùng cao biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc; trước khi tái lập, Lào Cai thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ). Ngày 12/8/1991, theo Nghị quyết Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9, tỉnh Lào Cai được tái lập với diện tích 7.500km2, dân số 470.000 người, bao gồm 9 đơn vị hành chính là thị xã Lào Cai, và 8 huyện: Bát Xát, Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Than Uyên. Hiện nay, dân số toàn tỉnh hơn 705.600 người; với 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó ĐBDTTS đông nhất gồm: dân tộc Mông, Tày, Dao, Giáy, Nùng, Phù Lá, Hà Nhì, dân tộc Bố Y, Hoa, Sán Chay, Sán Dìu, La Chí, Khơ-mú (chiếm hơn 66% dân số toàn tỉnh).

Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đó, Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh tế, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo theo quy định. Đặc biệt, Lào Cai đã triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình 135, Chương trình 30a; các chính sách theo Quyết định 134, Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn và vùng dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên đầu tư, hằng năm, tỉnh dành trên 70% nguồn ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội, do đó cơ bản giải quyết nhu cầu về điện, đường, trường, trạm, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho đồng bào. Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, diện mạo vùng nông thôn miền núi đã đổi thay căn bản.

Để cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây Lào Cai luôn quan tâm ưu tiên dành nguồn ngân sách lớn để phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực vùng ĐBDTTS và miền núi. Với hơn một trăm chính sách đã và đang được triển khai, Lào Cai tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội vùng cao, vùng ĐBDTTS, từ đó góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo trên địa bàn. Đặc biệt là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (theo Quyết định số 1719/2021/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Riêng trong giai đoạn 1 (2021 – 2025), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai với 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và 36 nội dung bao trùm cơ bản các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục...

Tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực; chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn quyết liệt triển khai đồng bộ các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình. Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương giao, hàng năm tỉnh Lào Cai đã huy động hàng trăm triệu đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Sau 3 năm triển khai Chương trình (2021 – 2024), công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào từng bước được nâng lên; việc thực hiện an sinh, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, giảm nghèo được quan tâm đầu tư.

Cũng nhờ sự đầu tư tích cực đó, hiện nay vùng ĐBDTTS trong tỉnh: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,8%; tỷ lệ hộ trong vùng ĐBDTTS được sử điện, được xem truyền hình đạt 98,3%, được nghe đài phát thanh đạt 99,6%; tỷ lệ thôn bản, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 98%; tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 68%; tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố đạt 81,7%; Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 4 tuổi, 5 tuổi đến trường đạt 99,7%; tỷ lệ người từ 15 đến 60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 94,7%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 95,5%; tỷ lệ ĐBDTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,1%; Tỷ lệ phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y tế đạt 91%; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) còn dưới 26%; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) còn dưới 15%...

Theo báo cáo về kết quả giảm nghèo năm 2023 của tỉnh Lào Cai, số hộ nghèo còn lại 26.791 hộ/179.305 hộ trên địa bàn, chiếm 14,94%; tỷ lệ nghèo giảm 4,43%, tương ứng giảm 7.793 hộ nghèo; Hộ cận nghèo còn lại 18.375 hộ/179.305 hộ chiếm tỷ lệ 10,25% so với tổng số hộ trên địa bàn, giảm 1,92%, tương đương giảm 3.357 hộ so năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 7,43%, tương đương giảm 3.929 hộ nghèo (Bắc Hà giảm 9,17%; Si Ma Cai giảm 7,35%; Mường Khương giảm 6,56%; Bát Xát giảm 6,82%). Năm 2024, tỉnh Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đạt trên 4%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm từ 7,6% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 6% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người (GRDP) toàn tỉnh đến năm 2024 đạt 104 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người của các huyện nghèo đạt trên 44,6 triệu đồng/năm. Trong đó, đặc biệt, tỉnh phấn đấu giảm trên 9.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo so với năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh;…

Đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 25 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 100 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững. Phấn đấu trên 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm đổi mới phương thức và kỹ thuật sản xuất.

Về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Theo kế hoạch đã ban hành, việc duy trì mức độ đạt chuẩn NTM tại 62 xã đã được công nhận và phấn đấu trong năm 2024 - 2025 có thêm 22 xã được công nhận; lũy kế đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 84/127 xã đạt chuẩn NTM. Đây là mục tiêu tỉnh Lào Cai đặt ra tại Kế hoạch số 104/KH-BCĐ ngày 15/02/2024 triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong đó, năm 2024, tỉnh Lào Cai phấn đấu có thêm 10 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn NTM” và 05 xã được công nhận “Xã nông thôn mới nâng cao”, thêm 48 thôn nông thôn mới và 36 thôn kiểu mẫu. Bình quân mỗi xã đạt trên 13 tiêu chí. Toàn tỉnh không còn xã dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm…

Có thể thấy, hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025) của tỉnh Lào Cai đã có đóng góp quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước./.

Mạnh Hiếu

...