Với những ưu thế lớn từ vị trí địa chính trị, nguồn tài nguyên văn hóa và tự nhiên phong phú, đa dạng, Lào Cai đã và đang phát huy, khai thác hiệu quả, gắn kết văn hóa, thể thao, du lịch cùng phát triển.
Lễ hội Đền Thượng.
Sau 30 năm tái lập tỉnh và hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết thực hiện các đề án trọng tâm về văn hóa, thể thao và du lịch, có thể thấy những bước phát triển mạnh mẽ, nhận thức về vai trò của văn hóa, thể thao và du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội đã được nâng cao.
Môi trường văn hóa lành mạnh, tinh thần nhân văn đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp, xây dựng con người Lào Cai. Học sinh của Lào Cai đã chinh phục nhiều trường đại học hàng đầu thế giới, được vinh danh trong những cuộc thi học sinh giỏi, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và quốc tế như Vũ Hoàng Long, Nguyễn Việt Hoàng. Cô gái vàng cử tạ Hoàng Thị Duyên liên tục ghi danh trên các đấu trường châu lục, thế giới và là VĐV đầu tiên của Lào Cai giành vé chính thức tham dự một kỳ Olympic (Tokyo). Lào Cai cùng với các tỉnh, thành khác có nghi lễ kéo co và nghi lễ thực hành then Tày – Nùng - Giáy được UNESCO công nhận là hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước có sự đồng đều giữa nông thôn và thành thị. Ngoại giao văn hóa vùng biên giới cũng đã trở thành một “điểm sáng” trong cả nước. Từ nguồn lực về tài nguyên văn hóa và tự nhiên phong phú và đặc sắc, du lịch Lào Cai đạt được sự phát triển vượt bậc với tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ. Hết năm 2019 đã đạt con số đón 5,5 triệu lượt khách du lịch (năm 1992 đón 8 nghìn lượt khách). Cơ sở vật chất chuyên ngành không ngừng tăng lên, hiện đã có trên 1.300 cơ sở lưu trú, trong đó có 11 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4, 5 sao. Lào Cai - Khu du lịch quốc gia Sa Pa nằm trong top 5 điểm đến thu hút nhiều khách quốc tế nhất miền Bắc. Kết thúc năm 2020 trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch toàn cầu Covid 19, du lịch Lào Cai với những giải pháp kịp thời đảm bảo an toàn, chuyển hướng sang tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa vẫn đạt con số đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch.
Hoạt động văn hóa văn nghệ bản sắc tại các gian hàng chương trình " Chào năm mới 2021".
Từ những thành công trong những năm qua và đặc biệt là sự phát triển mang tính đột phá trong giai đoạn 2015 – 2020, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định “gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch”, “phát triển mạnh dịch vụ, du lịch bảo đảm thực sự là ngành kinh tế đột phá”, với các mục tiêu cơ bản như: phát triển đồng bộ lĩnh vực văn hóa, du lịch, gắn với xây dựng con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững; du lịch là lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu đến năm 2025 đưa Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của khu vực miền núi phía Bắc và là một trong 10 điểm đến được yêu thích nhất của Việt Nam.
Nét đẹp hoạt động văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc.
Để có thể hoàn thành các mục tiêu này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung triển khai thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển văn hóa và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, thực hiện công nghiệp văn hóa, gắn với xây dựng con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, hợp tác về văn hóa, nhất là hợp tác quốc tế (với vùng Nouvelle Aquitaine, tỉnh Vân Nam Trung Quốc), coi đó là một kênh hiệu quả để giới thiệu, quảng bá về vùng đất, văn hóa và du lịch Lào Cai. Công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống sẽ được ưu tiên đầu tư song song với việc đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị để xây dựng thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Lào Cai. Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhất là các di tích có khả năng thu hút du lịch sẽ tiếp tục được đầu tư tôn tạo, quy hoạch, khai thác xây dựng thành các điểm du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn như các di tích danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, Bát Xát, hệ thống di tích lịch sử văn hóa tuyến dọc sông Hồng (đền Bảo Hà, đến Cô Tân An, đền Thượng, đền Mẫu, đền Đôi Cô...). Đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mới như Nhà hát, Công viên văn hóa cùng với việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có như Nhà Bảo tàng tỉnh, Nhà Văn hóa tỉnh, khu liên hợp thể thao theo mô hình khai thác, hoạt động của các điểm du lịch văn hóa...
Dệt thổ cẩm- nét đẹp truyền thống của người Dao đỏ.
Để phát triển du lịch thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trước hết cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch, trong đó ưu tiên ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch; quy hoạch chi tiết và xây dựng cơ chế đặc thù cho Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Với Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đã được ban hành sẽ là cơ sở, tiền đề để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển mạnh hơn. Tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư cho việc nâng cấp, phát triển hạ tầng du lịch. Đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng Khu du lịch quốc gia Sa Pa, mở rộng kết nối Khu du lịch quốc gia sang phân khu Y Tý theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ đạt chuẩn theo tiêu chí ASEAN; phát triển hệ thống Nhà thông tin du lịch và diễn giải văn hóa, trước mắt tập trung tại Sa Pa, TP Lào Cai và Bắc Hà. Tập trung xây dựng và khai thác 8 nhóm sản phẩm du lịch chính trên cơ sở khai thác lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa như du lịch lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa – cộng đồng, du lịch thể thao, du lịch biên giới...Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là xúc tiến tại các thị trường mục tiêu trong và ngoài nước.
Ruộng bậc thang- khu du lịch quốc gia SaPa.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển đột phá trong giai đoạn tới, đòi hỏi ngành du lịch Lào Cai phải thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn kỹ năng nghề của Việt Nam và ASEAN, đặc biệt là nguồn lao động tham gia trực tiếp như đội ngũ quản lý, điều hành cao cấp, nguồn nhân lực địa phương làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa...Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng liên kết vùng, quốc tế để xây dựng các chương trình hợp tác kết nối Lào Cai với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...; kết nối với Luang Prabang (Lào), Chiềng Mai (Thái Lan) để phát triển các sản phẩm du lịch chuyên biệt. Thúc đẩy khai thác hiệu quả tour du lịch kiểu mẫu “2 quốc gia, 6 điểm đến” để kết nối du lịch Lào Cai với các tỉnh trên tuyến Hành lang kinh tế.
Nét đẹp chợ phiên Bắc Hà.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn”. Đây cũng là quan điểm và định hướng của Đảng bộ tỉnh Lào Cai đối với vấn đề phát triển văn hóa, du lịch trong giai đoạn này. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Thời cơ, thuận lợi có nhiều, nhưng đồng thời là không ít khó khăn, thách thức đến từ các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, mai một tài nguyên, mai một bản sắc văn hóa, các vấn đề về an ninh, toàn cầu hóa. Nhưng với sự nỗ lực đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; sự quyết tâm, tinh thần đổi mới và sức mạnh tổng hợp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng ta tin tưởng sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu của Đề án phát triển văn hóa, du lịch cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025. Giá trị văn hóa, tinh thần đổi mới, sáng tạo của người Lào Cai sẽ luôn là nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn động lực quan trọng cho phát triển, là sức mạnh của khát vọng Lào Cai phồn vinh, văn minh, hiện đại và hội nhập./.