13/01/2025 lúc 12:56 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Tôi và người viết văn lãng tử Công Thế làm một chuyến hành hương lên Lũng Pô (thuộc huyện Bát Xát – Lào Cai) – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Tôi và người viết văn lãng tử Công Thế làm một chuyến hành hương lên Lũng Pô (thuộc huyện Bát Xát – Lào Cai) – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Cũng như nhiều công dân khác của nước Việt, từ lâu chúng tôi luôn ngưỡng vọng dòng sông đã “sinh ra” đồng bằng Bắc Bộ - cái nôi của đất nước mình. Thiết nghĩ, ngoài cái bề ngoài bình thản, ung dung, tự tại của mỗi người dân nước Việt là ẩn chứa sự ngưỡng vọng thành kính về tổ tiên, về nguồn cội. Vì thế chúng ta mới có đất Tổ vua Hùng, con sông Hồng mới được mang tên con sông Cái, con sông Mẹ. Vì thế mà biết bao người đi đâu, về đâu cũng ngong ngóng về đất Tổ, mơ ước được một lần thắp hương trước Đền Hùng hay vốc nắm cát của dòng sông Mẹ lên để suy ngẫm về cội nguồn.

Tôi được biết có lần nhà văn hoá, nhà văn Sơn Nam tận đồng bằng sông Cửu Long ra Hà Nội, trên cầu Long Biên ông đã lặng lẽ soi mình xuống dòng sông Hồng cuộn chảy mà rơi nước mắt, tôi nghĩ những giọt nước mắt thành kính của người có dòng dõi từ những người “Một thủa cầm gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” rơi xuống sông Hồng có khác gì với những giọt nước mắt của người Ấn rơi xuống sông Hằng.

Chúng tôi xuống thăm cột mốc 92.

Con nước mùa này đã lặng, nhưng dòng chảy vẫn cuồn cuộn. Sóng như cả ngàn con cá quẫy, những con sóng không thành hàng, thành lớp mà cứ quấn lấy nhau, giằng níu, gìn giữ lẫn nhau. Hai bên bờ, một của đất bạn, một của đất ta cứ hun hút trong tầm mắt. Ngược về phía thượng nguồn, vẫn dòng sông đỏ chảy xiết, một dòng suối cắt ngang tạo thành mỏm đá nhô ra như rất nhiều mỏm đá dọc bờ sông, nhưng dòng nước kia là của bên bạn, mỏm đất kia là của bạn, cái ranh giới phân định rõ ràng làm cho tôi bâng khuâng, hẫng hụt. Vậy là con sông bắt đầu chảy vào đất Việt từ đây, mái nhà của đất Việt bắt đầu từ đây.

Cả một vùng chìm trong tĩnh lặng, trang nghiêm. Tôi ngước nhìn lá cờ Tổ Quốc có diện tích hai nhăm mét vuông tượng trưng cho hai nhăm dân tộc anh em sinh sống trong tỉnh Lào Cai, tung bay trên cột cờ cao tới bốn mốt mét, rồi nhìn những người lính biên phòng ra đón chúng tôi. Sự ngưỡng mộ pha lẫn tự hào trào dâng khiến ai cũng rưng rưng nước mắt. Những người cai quản vùng đất mút đầu của Tổ Quốc còn rất trẻ, song dấu chân của họ đã có mặt ở nhiều nơi trên biên giới Lào Cai và bây giờ là canh giữ nơi đây. Nhìn họ toát lên vẻ tự tin, lạc quan, yêu đời, chúng tôi như sống lại thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Sự lạc quan, hồn nhiên, tin tưởng vào con đường mình đã chọn của những người lính hôm nay không khác gì cha anh lớp trước. “Biên phòng là phải vậy, nếu không lạc quan, yêu đời, không yên tâm thì làm sao có được lòng tin của nhân dân, làm sao cầm súng giữ gìn biên giới.” - một người lính tự hào nói với tôi.

Rời cột mốc, chúng tôi cho xe thong dong xuôi theo dòng sông. Trên sườn núi, khung cảnh thanh bình, tĩnh lặng, chân núi mây bay làm cho ai nấy cảm tưởng mình đang trong phim Tây Du Ký. Chúng tôi biết trong thanh bình yên ả kia có những chiến sỹ biên phòng đang gắn bó cùng ăn, cùng ở, cùng xử lý biết bao những công việc thường ngày xảy ra ở nơi tận cùng của Tổ Quốc. Lào Cai là một vị thế xung yếu của đất nước, ngay từ thời nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, triều Tây Sơn…, không thời nào, triều đại nào không coi trọng vùng cửa ngõ phía Tây này. Khi quân Nguyên lấp ló ngoài cửa ải, ông chủ trại Hà Khất, một viên tướng tài giỏi của vùng Quy Hoá đã báo về triều đình rồi dựng lên thiên la địa võng kìm chân địch, sau đó cùng triều đình thực hiện cuộc kháng chiến thần thánh ba lần đánh tan quân Nguyên Mông. Bây giờ những người lính biên phòng đang tiếp bước cha anh giữ gìn phên dậu của đất nước. Bộ đội dựa vào dân, dân dựa vào bộ đội, tất cả tạo thành thế liên hoàn trong quốc phòng toàn dân, bảo vệ an ninh biên giới. Làm được điều đó là cả một quá trình, là cả một sự hy sinh bền bỉ, nhất là khi đồng tiền đang khuấy đảo nhiều giá trị xã hội.

Những địa danh thân thương gắn liền với những chiến tích chống ngoại xâm như A Mú Sung, Trịnh Tường, Nậm Chạc lùi dần lại phía sau chúng tôi. Dòng sông càng đi xuôi càng rộng, càng tấp nập…Xin cám ơn những năm tháng bình yên đã lấy lại sự nhộn nhịp của vùng giáp biên vốn sầm uất này.