VNHN - Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2020), sáng ngày 27/7, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đến đặt vòng hoa, viếng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Tượng đài Mẹ VNAH (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) và Tượng đài Chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, TP Tam Kỳ.
Đoàn viếng hương của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh do đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn; đoàn viếng hương của các lực lượng vũ trang tỉnh do Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng đoàn; đoàn viếng hương của TP.Tam Kỳ do ông Nguyễn Hồng Quang - Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn.
Cũng trong sáng 27/7, nhiều đoàn đến dâng hoa, viếng hương tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng; viếng hương tại Nhà bia ghi danh các liệt sĩ quê Thanh Hóa đã chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Quảng Nam.
Các đoàn khách đã đến đặt vòng hoa, viếng hương tại Tượng đài Mẹ VNAH (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Trước đó ngày 26.7, tại khu vực núi Chôm (thôn Tân Thuận, xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức), Ban liên lạc cựu chiến binh quân y - Sư đoàn 2, Quân khu 5 tổ chức khánh thành bia tưởng niệm 52 liệt sỹ quân y đơn vị C33 (trạm xá C33) của Sư đoàn 2. Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2020). Sau thời gian vận động, công trình bia tưởng niệm được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân; lãnh đạo các huyện Hiệp Đức, Thăng Bình, Quế Sơn; Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 cùng nhiều sĩ quan, tướng lĩnh quân đội từng tham gia chiến đấu trên chiến trường khu 5 và thân nhân 52 liệt sĩ.
Công trình gồm bia di tích ghi danh 52 liệt sĩ, 2 phần mộ tập thể mang tính biểu trưng ngay sau bia di tích. Tên tuổi các liệt sĩ ở phần mộ giản đơn được khắc vào những phiến đá núi nhỏ bé được nhặt tại nơi các anh chị hy sinh.
Cách đây 54 năm, trận B57 vào ngày 2.8.1966, máy bay địch thả bom xuống khu vực núi Chôm khiến trạm xá C33 bị phá hủy hoàn toàn; 52 cán bộ chiến sĩ của ta hy sinh, phần lớn người Quảng Nam, số ít người quê tận Cao Bằng, Nghệ An, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi…
Đây cũng là dịp để phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng” và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng./.