17/01/2025 lúc 00:05 (GMT+7)
Breaking News

Làng xưa Trường Xuân

VNHN - Ngõ nguồn của con sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ, xưa là vùng đất in dấu chân của bao thế hệ tiền nhân thời mang gươm đi mở cõi dựng lập xứ Quảng Nam. Ở đó có một ngôi làng mà lai lịch đã trở thành hoài niệm của người dân. Đó là làng Trường Xuân.

VNHN - Ngõ nguồn của con sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ, xưa là vùng đất in dấu chân của bao thế hệ tiền nhân thời mang gươm đi mở cõi dựng lập xứ Quảng Nam. Ở đó có một ngôi làng mà lai lịch đã trở thành hoài niệm của người dân. Đó là làng Trường Xuân.

Tên làng ngày nay vẫn thế, nhưng chân dung làng đã thay đổi với thời gian. Làng đã trở thành phường Trường Xuân của thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và mang nếp sống của người đô thị. Những con đường làng xưa giờ đã là phố, với những con đường xe cộ qua lại bên những phiên chợ tấp nập bóng người. Những đổi thay ấy đã khoát lên ngôi làng một gương mặt nửa chừng xuân. Nhưng đằng sau gương mặt phố thị ấy, làng vẫn nguyên hình dáng quê truyền thống như nó vốn có từ thời bậc tiền hiền làng đến đây khai hoang mở đầu cơ nghiệp. Những cây đa, giếng nước, đền thần hoàng rêu phong cổ kính như có linh hồn tổ tiên đầy huyền thoại về những anh hùng lịch sử.

     Góc nhìn làng Trường Xuân

Cùng hành trình theo dòng lịch sử lập ra xứ Hà Đông, miền đất cuối cùng của Quảng Nam, làng Trường Xuân cho đến nay đã trãi qua một chặng đường gần 550 năm với bao chuyện bể dâu thời cuộc. Sử chép rằng: sau cuộc trường chinh phương Nam thắng lợi năm 1471, vua Lê Thánh Tông ban chỉ dụ lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, tổ chức chiêu mộ nhân dân các đạo từ Nghệ An, Thanh Hóa đưa vào khai khẩn đất đai lập làng xã mới. 

Làng Trường Xuân cũng được hình thành từ thời đó (1495), do võ tướng Lê Tấn Trung, quê ở đạo Thừa tuyên Nghệ An, sau khi theo vua đánh giặc thắng lợi và được ban tước Bình Chiêm Triệu quốc công. Ông được vua cho ở lại trấn thủ vùng đất và chiêu mộ dân bản quán và gia thuộc đến vùng đất này khai khẩn đất đai lập nên làng xã. Triều nhà Nguyễn đã sắc phong ông là: Tiền hiền khai khẩn Dực bảo trung hưng linh phò tôn thần, được dân làng thờ tại đình làng.

Tương truyền thời ấy vùng đất nơi miền biên viễn này là nơi đất dữ, địch họa thiên tai thường xuyên xảy ra. Mối đe dọa đã ám ảnh bao nỗi lòng trước cuộc chia ly vì lệnh vua chiêu dân lập ấp: “Dậm chân xuống đất kêu trời/ Chồng tôi vô Quảng biết đời nào ra”. Song thổ nghi của làng lại là chất keo gắn kết những con người từ nhiều vùng quê khác lưu lạc đến đây, thúc đẩy họ sát cánh chống chọi kẻ thù và xây dựng cuộc sống. 

Người ta nói rằng địa linh sinh nhân kiệt. Song với Trường Xuân nhân kiệt đã xuất hiện ngay từ buổi đầu lập làng. Đó là Triệu quốc công Lê Tấn Trung, tiền hiền làng là một võ tướng Triều Lê được lưu danh thiên cổ. Kế tiếp truyền thống có Thủ tài hầu Lê Văn Thủ, tướng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Nhưng nổi danh hơn cả là vị đô đốc Lê Văn Long được Quang Trung cử hạ đồn Khương Thượng làm nên chiến thắng năm kỷ dậu 1789. Liệt sĩ Lê Văn Ngữ, Lê Văn Chế đã ngã xuống trước sức tấn công của Pháp vào năm 1858 tại tiền đồn An Hải (Đà Nẵng) và hàng trăm thanh niên của làng đã ra đi trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

Xuất thân từ những cư dân nông nghiệp, nên ngay từ buổi đầu khai sơn phá thạch, người Trường Xuân vẫn lấy nông nghiệp làm kinh tế chủ lực để vươn lên. Ngoài cây lúa, sắn, khoai, đậu, một thời Trường Xuân còn nổi tiếng trong vùng với cây thuốc lá. Tương truyền rằng, vào cuối thế kỷ thứ 15 nơi đây là trang ấp kim hộ thuộc của một chi nhánh tộc Lê khi họ vào khai phá vùng đất Hà Đông. Ấp Tây của làng vốn là nơi đặc sở khai khoáng và sản xuất nông cụ, vũ khí cho các triều đại trước đây, từng phát triển cực thịnh dưới thời Tây Sơn khởi nghĩa. Qua thời gian nghề khai sắt và kim loại ở đây đã không còn nửa, nghề rèn nông cụ cũng tàn lụi dần như số phận của các nghề đan lát mây tre và thay vào đó là những loại hình nghề nghiệp đổi mới để phù hợp với kinh tế thị trường. Do thuận lợi nằm trên trục giao thông từ miền xuôi lên miền ngược cũng như đường giao thông bắc nam, nhất là từ thời Pháp thuộc ga Tam Kỳ được xây dựng, nơi sửa chữa đầu máy xe lửa và tập trung bến bãi nên bộ mặt làng Trường Xuân dần thay đổi. Đặc biệt là từ những năm gần đây cùng với sự phát triển chung của đất nước, Trường Xuân có nhiều thay đổi đáng kể.

Con đường đi lên của cuộc sống ngày nay đã đưa Trường Xuân đến với nếp sống phố phường giữa thành phố Tam Kỳ. Và một ngày kia làng sẽ mang gương mặt văn minh đô thị, nhưng chắc chắn vẻ đẹp riêng của một làng quê xưa sẽ không bao giờ thay đổi. Gần 550 năm đi qua, trên vùng đất cổ này có biết bao lớp sóng hưng phế của thời đại, song dấu tích về thời kỳ cha ông đi mở cõi xây dựng vùng đất mới vẫn còn đậm nét trong lòng người dân làng Trường Xuân. Và trong cuộc hành trình đầy gian khổ ấy họ đã dày công góp phần tạo dựng nên một vùng địa linh nhân kiệt trên vùng đất Hà Đông. Đó là nguồn tài sản tinh thần vô giá mà nhiều ngôi làng khác không dễ gì có được trong hành trang thời kỳ phát triển./.