Làn điệu chèo vang lên từ đồng ruộng
Về xã Hải Châu những ngày tháng tám, những con đường rợp cờ đỏ tung bay đón chào ngày lễ chiến thắng của dân tộc, cũng báo hiệu đã sắp tới ngày “Hội làng” thường niên mừng “Tết độc lập” quy mô nhất của người dân xã Hải Châu nói riêng và huyện Hải Hậu nói chung. Đi trên những con đường nông thôn mới kiểu mẫu đầy hoa khoe sắc, hàng cau thẳng tắp 2 bên đường; trong cái nắng chói chang, đâu đó lại vang lên tiếng hát chèo ngọt ngào, tha thiết như làn gió mát dịu xua tan cái nóng nồng oi bức.
CLB hát chèo Phú Văn Nam, Hải Châu tập luyện hát chèo tại Nhà văn hóa Xóm
Xã Hải Châu là một làng quê không những có truyền thống văn hóa tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới “Sáng – xanh – sạch – đẹp” của huyện Hải Hậu mà nơi đây còn được biết đến với truyền thống hát chèo. Nhiều CLB hát chèo, nhiều người dân có chất giọng đặc trưng của hát chèo, có gia đình cả 3 thế hệ đều biết và yêu thích hát chèo. Trong đó phải kể đến Câu lạc bộ (CLB) hát chèo thôn Phú Văn Nam.
Dù vất vả, bận rộn với công việc thường nhật, tất bật với ruộng vườn hay những công việc không tên của làng, xóm mỗi dịp chuẩn bị các sự kiên liên hoan, tổng kết, các ngày kỷ niệm lễ, tết. Nhưng cứ ngơi tay cày, tay cuốc các “nghệ sỹ nông dân” của CLB luôn sẵn sàng hóa thân vào những nhân vật trong tích chèo, tự tin bước lên sân khấu, say sưa với những làn điệu chèo bằng lòng nhiệt tình, say mê cộng thêm chút năng khiếu bẩm sinh đem tiếng hát phục vụ bà con. Từ hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết của CLB mà tâm hồn người dân Hải Châu được tắm mình trong những làn điệu í a.
Ông Đinh Thạch Biên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo thôn Phú Văn Nam, xã Hải Châu cho biết: “Chúng tôi là những “người nông dân” cùng có một niềm đam mê hát chèo, tự nguyện quy tụ về đây. Tham gia CLB cũng khá đầy đủ các thành viên biết chơi nhạc cụ dân tộc rất điêu luyện như: Hồng Dương (Đàn Bầu), Thạch Biên (Trống), Hồng Biên (Nhị, Bát Nhị), Văn Mạch (Đàn Nguyệt), Hồng Quảng (Sáo). Đa số chúng tôi tự học là chính và người trước dạy người sau. Chúng tôi không chỉ hát chèo bằng cảm xúc, tâm hồn yêu tiếng hát chèo mà còn “say” với bộ môn nghệ thuật truyền thống chèo này”.
Những vở chèo của xã Hải Châu luôn được đánh giá cao tại các hội thi, hội diễn sân khấu chèo của địa phương, không ít vở gây xúc động và đầy cảm xúc đặc biệt với khán giả. Như tại Hội diễn văn nghệ quần chúng dịp 2 - 9 ở huyện Hải Hậu năm trước, Hải Châu cũng tham gia 2 tiết mục chèo: “Quê hương và nỗi nhớ” theo điệu chèo cổ “Luyện năm cung” và “Khúc hát tình yêu” theo điệu “Đường trường bán thước” đã chiếm được sự ấn tượng của rất nhiều khán giả.
Không chỉ diễn lại các tích chèo cổ, CLB còn dàn dựng những vở chèo có nội dung phong phú, phù hợp với truyền thống dân tộc, quê hương. Đó là những câu chuyện có thật mang hơi thở cuộc sống như hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới; dựa trên những làn điệu chèo cổ tự viết lời và hát ca ngợi về quê hương Hải Châu, huyện Hải Hậu Văn hóa - Anh hùng ...vv
Các thành viên CLB chèo Phú Văn Nam tích cực tập luyện chuẩn bị Hội diễn văn nghệ quần chúng dịp 2 -9 năm 2023.
Giữ gìn truyền thống quê hương
Đối với các thành viên CLB chèo Phú Văn Nam, hát chèo không chỉ từ sự yêu mến mà còn là mong muốn giữ gìn và phát triển nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương, truyền lại cảm hứng cho các thế hệ trẻ.
Là một thành viên cốt lõi trong CLB, chị Cao Thị Hiên có một chất giọng được mọi người đánh giá là “trời phú”. Chị chia sẻ, từ lúc còn nhỏ chị đã thường xuyên theo bố mẹ, ông bà lên nhà văn hóa xóm để xem mọi người tập hát chèo mỗi dịp xóm hay xã sắp có chương trình văn nghệ. Lớn lên trong cái nôi hát chèo, niềm say mê hát chèo như ngấm vào máu, khi hát chèo tôi cảm thấy như vui hơn, từ đó làm công việc gì cũng thấy hào hứng, suôn sẻ hơn – (chị Hiên cho biết).
Cứ như vậy, người trước chỉ cho người sau những nhịp phách i a, mỗi làn điệu khác nhau, hát chèo để làm sao vừa giữ được chất lối cổ, khuyến khích pha thêm sự sáng tạo, đổi mới trong các vai diễn, vở diễn.
Là một thế hệ trẻ trong thôn, được nghe tiếng hát chèo vang lên trong thôn mỗi ngày, không biết từ khi nào em Lê Thị Uyên Nhi (11 tuổi) lại trở nên yêu thích bộ môn nghệ thuật chèo này.
Biết em yêu thích hát chèo, bà và mẹ đã dạy và khuyến khích em theo các bác trong CLB dạy em tập hát (em Nhi chia sẻ). Mỗi lần trường em tổ chức sự kiện gì Nhi đều tham gia 1 vài tiết mục hát chèo. Những làn điệu chèo do Nhi thể hiện luôn để lại cảm xúc đầy ấn tượng đặc biệt trong lòng các bạn nhỏ cùng trang lứa.
Đây cũng là điều mà chị Hiên, bác Biên và các thành viên trong CLB rất phấn khởi và luôn mong mỏi làm sao để lớp trẻ hiểu hơn cái hay của điệu chèo, yêu chiếu chèo quê hương, để cho loại hình nghệ thuật đậm hồn dân tộc không mai một theo tháng năm. Nhờ có những người tâm huyết như các thành viên CLB mà hàng chục tích chèo, trích đoạn; hàng trăm câu chèo cổ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người già truyền cho người trẻ, người trẻ phát huy vốn quý của tiền nhân đã nối dài sức sống, lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Chị Cao Thị Hiên (thành viên CLB chèo Phú Văn Nam) truyền dạy hát chèo cho thế hệ trẻ
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, truyền thống quê hương có “đặc sản” hát chèo. Những năm qua các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp cũng như sự quan tâm, trong đó dành một phần kinh phí và huy động xã hội hóa hỗ trợ, động viên, khuyến khích đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ nói chung và loại hình nghệ thuật hát chèo đặc trưng của địa phương nói riêng. Đồng chí Nguyễn Đức Hậu – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Châu cho biết: “Các chương trình, sự kiện của địa phương đều ưu tiên biểu diễn loại hình nghệ thuật chèo. Cùng với đó, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiển để Câu lạc bộ hát chèo của xã Hải Châu và các câu lạc bộ khác trên địa bàn duy trì hoạt động, giao lưu thường xuyên, góp phần tỏa sáng những giá trị văn hóa truyền thống, bồi đắp những nếp sống văn hóa mới cho làng quê Hải Châu, bởi làn điệu chèo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây”./
Việt Hải
Trung Tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Hải Hậu