VNHN - Có thể ví đại dịch Covid-19 như một “siêu bão” càn quét khắp thế giới, không chỉ khiến cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân hầu hết các nước bị đảo lộn, mà còn làm cho đời sống nghệ thuật cũng chênh chao. Bằng chứng là, từ nhà hát, rạp chiếu phim đến các tụ điểm giải trí nghệ thuật bị đóng cửa; nhiều chương trình ca múa nhạc, phim ảnh, triển lãm, hội họa… bị tạm dừng, tạm hoãn. Đó là bức tranh chung của đời sống nghệ thuật quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Minh họa - Internet
Không ai muốn dịch bệnh xảy ra, nhưng khi nó hiện diện trong đời sống xã hội, đe dọa sức khỏe, tính mạng con người và sự an nguy của quốc gia-dân tộc thì không ai được phép đứng ngoài cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam go, nóng bỏng này, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ.
Cổ nhân có câu đại ý: Thấy phúc đừng mừng quá, thấy họa chớ vội buồn. Muốn không bị cuốn theo hệ lụy từ thiên tai dịch họa, mỗi người rất cần bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt tìm ra phương án khả thi, hữu hiệu để không những tự mình vượt qua khó khăn, thử thách, mà quan trọng hơn là tìm thấy “cơ” trong “nguy”, biến “nguy” thành “cơ” để tồn tại, phát triển. Mọi ngành nghề trong xã hội, trong đó có ngành nghệ thuật cũng không nằm ngoại lệ.
Những câu hỏi trên dù không mới nhưng cũng chưa bao giờ hết tính thời sự. Vốn là những người nhạy cảm với thời cuộc, với nhân tình thế thái, với xã hội, trong thời điểm dịch bệnh này, chắc hẳn nhiều nghệ sĩ không khỏi trăn trở với vấn đề làm sao để vực dậy được đời sống nghệ thuật nước nhà khi đại dịch lắng xuống, đi qua? Sự trăn trở đó chính là cơ hội để những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nỗ lực tìm tòi, xác định hướng đi mới cho mình trong thời gian tới.Những chuyển biến trong đời sống nghệ thuật nước nhà thời gian qua là đáng ghi nhận, nhưng chưa hết trăn trở. Một đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống hàng nghìn năm, dân số gần 100 triệu người, tiềm năng nghệ thuật dồi dào, thị hiếu công chúng phong phú, nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm nghệ thuật, những gương mặt văn nghệ sĩ tầm cỡ có sức ảnh hưởng, lan tỏa trong khu vực và trên thế giới? Tại sao chúng ta chưa có những sản phẩm văn hóa, tác phẩm nghệ thuật vượt ra ngoài biên giới để trở thành “hiện tượng toàn cầu”? Tại sao có nhiều bộ phim, vở diễn… lúc đầu ra mắt công chúng thì được quảng bá rầm rộ trên báo chí và tưởng sẽ “hút khách, ăn tiền” như tằm ăn rỗi, nhưng rồi chỉ một thời gian sau đó lại im ắng hay bị cho vào kho lưu trữ? Tại sao thị trường nghệ thuật nội địa từng có dòng phim, dòng nhạc, dòng hài kịch được ví như “mì ăn liền", "đồ ăn nhanh”-tuy dễ "ăn" song chưa “ngon” vì thiếu hương vị đặc sắc?
Sáng tạo vốn là đặc trưng hàng đầu của nghệ sĩ, nghệ thuật. Không thường xuyên trăn trở, đau đáu tìm tòi để có những tác phẩm nghệ thuật sinh động, có sức lay động lòng người, thuyết phục nhân tâm thì liệu nghệ thuật còn xứng đáng với sứ mệnh là nguồn nuôi dưỡng đời sống tinh thần xã hội và làm giàu đời sống tâm hồn con người? Hơn lúc nào hết, những ngày các nhà hát, rạp chiếu phim, phòng triển lãm… tạm thời đóng cửa chính là “thời điểm vàng” để các nhà sản xuất phim, đạo diễn, biên kịch, nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ… có thời gian "thai nghén", trau dồi, chăm chút để chuẩn bị cho ra đời những “đứa con tinh thần” lành lặn, tươi mới, hoàn mỹ và thực sự hấp dẫn, bổ ích đối với đông đảo công chúng.
Thời dịch, đời sống nghệ thuật nước nhà có thể tạm lắng, nhưng tinh thần đổi mới, sáng tạo, bứt phá của đội ngũ nghệ sĩ thì dứt khoát không thể trầm xuống. Khi đại dịch qua đi, nếu muốn các nhà hát, rạp chiếu phim thường xuyên “đỏ đèn”, đời sống nghệ sĩ tiếp tục cải thiện và thị trường nghệ thuật nội địa có cơ hội hồi phục nhanh, phát triển mạnh, thì ngay trong thời điểm này, từ người lãnh đạo, quản lý, nghệ sĩ đến các cơ sở nghệ thuật không nên than phiền, kêu khó và không được phép “ngủ đông” với sáng tạo nghề nghiệp.
Thiện Văn