16/01/2025 lúc 11:32 (GMT+7)
Breaking News

Làng nghệ sĩ BỨC TRANH KẾT HỢP du lịch - nghệ thuật

sông Sài Gòn , Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, Làng Nghệ nhân, Hàm Long ,Làng nghệ sĩ.

VNHN - Nằm trên dải đất dài hơn 1km dọc theo sông Sài Gòn thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 là Làng Nghệ nhân Hàm Long hay còn gọi Làng nghệ sĩ-một không gian sống và sáng tạo nghệ thuật của những nghệ sĩ đầy đam mê và nhiệt huyết, các họa sĩ cùng nhau tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng với những ngôi nhà mang đậm bản sắc văn hóa các vùng miền.

LÀNG CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ “MÁU” NGHỆ SĨ

Thành hình ngôi làng từ những năm cuối thập niên 90, khi nhiều người không chỉ là họa sĩ mà những ai có “máu” nghệ sĩ như thi sĩ, bác sĩ, nghệ sĩ điêu khắc, luật sư... đã tập hợp về đây để tìm cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật và từ đó đã tạo ra một bức tranh làng quê thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn.

Trở lại làng sau thời gian xa cách, chúng tôi cảm nhận làng bây giờ lọt thỏm giữa những khu biệt thự san sát của một đô thị đang chuyển mình. Phủ lên không gian xanh nhiều hơn khi hình ảnh những khu nhà vườn, nhà sàn… với cảnh vật dân dã gần gũi thấp thoáng ẩn hiện trong một không gian đầy chất mỹ thuật của hội họa, điêu khắc.

Làng nghệ sĩ

Gọi là Làng nghệ sĩ bởi chủ nhân của hơn chục ngôi nhà trong làng đa phần là những người thuộc giới nghệ sĩ như Bạch Trường Sơn, Lý Khắc Nhu, Nguyễn Thanh Châu, Hồ Hữu Thủ, Dương Đình Hùng, Nguyễn Hoài Hương, Síu Phạm, Trần Khánh Thọ, Lê Công Thành…

Điểm nhấn của làng nghệ sĩ là mỗi ngôi nhà như một quần thể nghệ thuật có một lối kiến trúc riêng, độc đáo mang dấu ấn cá nhân của từng chủ nhân được bài trí vô cùng sinh động và tinh tế. Nếu như nhà của họa sĩ Lý Khắc Nhu mang dáng vẻ bình yên, dân dã với những mái ngói xưa hay mái lá đơn sơ cùng với cây cầu kiều... các không gian sắp đặt nghệ thuật nhưng những bảo tàng thu nhỏ, thì nhà của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương được xây dựng theo kiểu nhà vườn Huế thâm trầm, kín đáo mang dáng dấp cung đình, vừa mang tính ứng dụng cao mà không kém phần tao nhã.

Hay như ngôi nhà sàn người Mường vùng Tây Bắc của cố họa sĩ Bạch Trường Sơn, nhà của cố hoạ sĩ Nguyễn Thanh Châu nổi tiếng với nhiều tranh sơn dầu về đề tài chiến tranh, nhà của họa sĩ Hồ Hữu Thủ có nhiều tranh sơn mài vẽ theo lối trừu tượng, nhà của nghệ sĩ Dương Đình Hùng nổi tiếng với khu vườn tượng…

Đặc biệt, trong quần thể không gian sống của mình, các nghệ sĩ đã bài trí rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và tiểu cảnh độc đáo như: tranh, tượng, đồ gốm, hồ nước, non bộ, đá cuội, vườn hoa kiểng, vườn cây ăn trái… Thậm chí, ngay cả khu vực làm việc và sáng tác riêng của mỗi nghệ sĩ cũng là điểm tham quan thú vị đối với du khách.

Làng nghệ sĩ được hình thành với quy ước xây dựng những khu nhà Việt Nam truyền thống, không xây nhà biệt thự hay nhà phố cao tầng, không xây rào cao, giữa các vườn nhà có cửa thông qua nhau. Nhờ đó, các ngôi nhà trong làng được gắn kết với nhau rất tự nhiên, tạo cảm giác gần gũi và ấm cúng như chốn thôn quê của người Việt.

Cứ góp nhặt mỗi ngày một ít, các họa sĩ đã dần dà tạo nên một không gian hoàn mỹ, với những hồ nước trong veo, hay những đường nét chạm khắc tinh xảo. Cách sắp đặt những đồ vật trong từng ngôi nhà cũng theo một cách rất... nghệ thuật, tuy tĩnh tại nhưng không lạnh lùng mà ngược lại, rất gần gũi, từ những cái bàn, cái ghế, những pho tượng ở dọc lối đi, những chiếc lu vại cứ ngỡ đang lăn lóc cho đến những gốc cây khô quằn quại như vươn mình.

Hành trình gần 20 năm là những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người nghệ nhân, Làng nghệ sĩ nay là điểm đến hấp dẫn trong sản phẩm du lịch đường sông của TP.HCM, một chốn yên bình cho du khách nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng cảm nhận các giá trị nghệ thuật thực thụ. 

Một ngôi làng mang đậm hồn quê giữa đô thành luôn là ước vọng của những con người đam mê nghệ thuật và mong muốn lưu giữ hồn Việt. Thời gian gần đây, những người đam mê du lịch nghệ thuật đã tìm đến làng nghệ sĩ như một điểm đến mới lạ, thú vị, hấp dẫn ở Sài Gòn.