Vào ngày 6/4 vừa qua, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã buổi gặp mặt với hội viên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội để Lắng nghe những khó khăn , góp ý và đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành Quảng cáo.
Tại buổi gặp mặt với các hội viên, ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết: Trong những năm qua, ngành Quảng cáo Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng hành quảng bá các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, góp phần phát triển đất nước. Ngành quảng cáo còn giúp cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, giúp cho nền kinh tế ngày càng phát triển.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền Thông thì ngành Quảng cáo Việt Nam cũng đang tích cực lấy ý kiến đóng góp để điều chỉnh Luật Quảng cáo Việt Nam cho phù hợp với tốc độ phát triển của thị trường.
“Khi Chính phủ có chủ trương sửa đổi luật, bất kể các cơ quan quản lý cũng đều tiến hành ra soát những cái đã có, quy trình quản lý làm sao luật phù hợp với thực tế. Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam là đơn vị quy tụ nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Quảng cáo cần có những cuộc họp, hội thảo để lấy ý kiến sửa đổi Luật Quảng cáo. Trên tinh thần lắng nghe ý kiến của thành viên, doanh nghiệp để hiệp hội có những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn khăn, bảo vệ lợi ích chính đáng của thành viên, doanh nghiệp” – Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh.
Tại buổi gặp mặt nhiều hội viên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội gửi tới Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải. Từ đó để đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hội viên, doanh nghiệp hoạt động trong ngành quảng cáo trên địa bàn Thủ đô.
Theo đại diện các doanh nghiệp quảng cáo, qua thông tin báo chí, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu, rà soát toàn bộ hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố.
“Chúng tôi cho rằng, những thông tin của báo chí có phần chưa chính xác, chưa phản ánh được đầy đủ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp dễ gây cho dư luận, cơ quan quản lý những hiểu nhầm đáng tiếc đối với doanh nghiệp làm quảng cáo trên địa bàn Hà Nội” – đại diện các doanh nghiệp quảng cáo nói.
Cũng trong đơn thỉnh cầu có nêu: Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động quảng cáo. Hàng năm, việc tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở.
“Trong quá trình thực hiện, 100% hổ sơ của doanh nghiệp đều được trả lời đúng hẹn, không có hồ sơ chậm muộn, tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong việc hoạt động quảng cáo. Các hệ thống bảng, biển quảng cáo được cấp phép đã góp phần tạo nên bộ mặt văn minh, sạch đẹp của Thành phố và đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách Thành phố”, đơn thỉnh cầu nêu.
Sau 3 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn bộ cuộc sống các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp hoạt động trong ngành quảng cáo ngoài trời cũng bị xáo trộn. “Sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp quảng cáo không có nguồn thu hoặc thu không đủ chi vì bị khách hàng dừng hợp đồng, cắt giảm ngân sách quảng cáo. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh hàng loạt khoản tiền lớn như chi phí thuê mặt bằng, bảo trì hệ thống tài sản, duy trì nhân sự và luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp quảng cáo luôn đóng góp cho các nhiệm vụ chính trị – xã hội khi Thành phố có yêu cầu. “Hàng năm các doanh nghiệp đã hỗ trợ Thành phố trong công tác tuyên truyền chính trị như: tuyên truyền thông tin liên quan đến chính sách hoạt động của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm lớn trong năm; quảng bá truyền thông các các hoạt động sự kiện lớn của Thành phố (SEA Games 31, sự kiện nghệ thuật gắn liền dịp lễ...); tuyên truyền nét đẹp Văn hóa, lịch sử - Thăng Long Hà Nội”.
Doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời ở Thủ đô còn góp phần tuyên truyền các sự kiện chính trị của đất nước.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, thời gian qua tình trạng quảng cáo chưa đúng quy định còn khá phổ biển làm dư luận phải quan tâm. “Hầu hết các doanh nghiệp làm ăn chính đáng không bao giờ muốn vi phạm pháp luật. Nhưng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế mà chi phí đầu tư ngày càng cao, doanh nghiệp muốn đẩy mạnh kinh doanh lại gặp nhiều vướng mắc do các văn bản pháp quy còn có những bất cập, chậm được tháo gỡ nên đã phải tìm cách vượt rào để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp” – đại diện các doanh nghiệp nói.
Theo các doanh nghiệp, mặc dù UBND Thành phố và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mạnh mẽ để chấn chỉnh các sai phạm, đưa hoạt động quảng cáo vào nền nếp, nhưng doanh nghiệp quảng cáo thấy vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, doanh nghiệp quảng cáo chưa tiếp cận được với Quy hoạch quảng cáo do UBND TP ban hành theo Quyết định số 1997/QĐ- UBND từ ngày 23/4/2018 “Về việc phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bản Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hưởng đến năm 2050”.
Vì thế, ngay các bảng quảng cáo nằm trong quy hoạch có lúc còn không xin được gia hạn thông báo nội dung sản phẩm quảng cáo thì vị trí mới càng khó xin, khiến các doanh nghiệp lúng túng không biết đi theo hướng nào.
Ngoài ra, Sự chồng chéo giữa các quyết định, nghị định gây khó khăn, vướng mắc không chỉ cho doanh nghiệp quảng cáo, mà còn gây khó khăn cho cả việc phê duyệt quy hoạch quảng cáo của toàn TP Hà Nội. Điều này không những gây khó khăn cho Sở Văn hóa, Thể thao trong việc quản lý quảng cáo, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xin gia hạn nội dung quảng cáo, mà còn gây hoang mang cho các khách hàng có nhu cầu quảng cáo.
Mặt khác, Việc chuyển đổi quyền quản lý đất công giữa các sở ban ngành thiếu sự thống nhất, dẫn đến hiện trạng các biển quảng cáo hợp pháp trước đây đang tồn tại nhưng hiện tại không ký được hợp đồng thuê đất. Việc này vừa gây thất thu cho ngân sách của Thành phố, vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi muốn chuyển đổi hình thức quảng cáo cho đẹp hơn, hiện đại hơn phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong ngành quảng cáo.
Trao đổi với PV Tiếp thị và Gia Đình, ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết: Sau khi Lắng nghe những khó khăn của các hội viên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Quảng cáo trên địa bàn Thủ đô, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội có những đề xuất, tháo gỡ khó khăn cho thành viên, doanh nghiệp hoạt động quảng cáo tại Hà Nội.
Hoàng Minh