20/01/2025 lúc 06:11 (GMT+7)
Breaking News

Lắng lại miền sơn cước Xứ Thanh

VNHN-Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, núi rừng trăm hoa đua nở, đất trời thay sắc mới, người người nhà nhà từ miền xuôi lên miền ngược dù giàu sang hay nghèo túng đều hòa chung vào không khí sắm Tết cổ truyền của dân tộc. Đồng bào người H´mông ở xứ Thanh cũng hòa chung vào không khí ấy. Song dưới những góc khuất khác, chúng ta có lẽ cũng nên dành chút ít thời gian lắng lại ngẫm suy về kiếp nhân sinh đồng loại cùng hiện hữu trong 365 ngày giữa thâm sơn cùng cốc mà thẩm thấu cái giá lạnh tỏa ra của núi

VNHN-Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, núi rừng trăm hoa đua nở, đất trời thay sắc mới, người người nhà nhà từ miền xuôi lên miền ngược dù giàu sang hay nghèo túng đều hòa chung vào không khí sắm Tết cổ truyền của dân tộc. Đồng bào người H´mông ở xứ Thanh cũng hòa chung vào không khí ấy. Song dưới những góc khuất khác, chúng ta có lẽ cũng nên dành chút ít thời gian lắng lại ngẫm suy về kiếp nhân sinh đồng loại cùng hiện hữu trong 365 ngày giữa thâm sơn cùng cốc mà thẩm thấu cái giá lạnh tỏa ra của núi rừng.

Trưởng bản Giàng A Dơ cùng tập thể đoàn thiện nguyện T36 Vì cộng đồng

Vượt qua chặng đường dài trên 200 cây số từ thành phố, chúng tôi dừng xe dưới chân núi và bắt đầu cuộc hành trình “cuốc bộ” lên bản. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, được sự tiếp sức của thanh niên trai tráng trong bản, chúng tôi cũng đến được bản Sài Khao và bản Trung Thắng xã Mường Lý, huyện Mường Lát. Lên đến bản, chúng tôi mới cảm thấu được cuộc sống kham khổ của đồng bào người H´mông nơi đây. Họ luôn bị cái đói, cái lạnh vây bọc. Cái lạnh toát ra từ đá núi cây rừng, quấn lấy những đôi chân bé nhỏ không giày; cái lạnh luồn vào hơi thở trẻ thơ, bọc lấy nụ cười hồn nhiên hoang dại; cái lạnh bò lên những nếp nhăn chai sần như vỏ cây cổ thụ của những cụ già mà bỡn cợt tuổi xế chiều; cái lạnh len sâu vào lục phủ ngũ tạng rồi tràn ra ánh mắt chầm chậm đẩy đưa. Nhưng cái lạnh đến từ khách quan, từ bên ngoài thì có thể dùng lửa để sửi ấm, một chiếc áo bông cũ có thể sử dụng được nhiều mùa đông, nhưng còn cái lạnh đến từ bên trong mới là cái lạnh truyền kiếp, đó là cái lạnh của đói nghèo. Trưởng bản Giàng A Dơ cho biết: “ Đồng bào người H´mông ở đây đều theo đạo Tin Lành, ngoan đạo, ít uống rượu say. Mặc dù được Đảng, Nhà nước và các tổ chức thiện nguyện quan tâm giúp đỡ nhiều nhưng vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn nên cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo bám mãi.”.

Sư cô Thích Đàm Hoài tặng quà cho trẻ em vùng cao

Chị Phạm Thị Yến -  Chủ tịch câu lạc bộ “T36 Vì cộng đồng” chia sẻ: “Đồng bào người Hmông còn nghèo lắm. Núi đá khô cằn, những nơi có thể trồng cây lương thực thì thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, mỗi khi đoàn chúng tôi lên đây làm thiện nguyện thì dân bản mừng lắm đặc biệt là các cháu nhỏ và người già, thanh niên trai tráng trong bản đều hăng hái băng rừng vượt suối chở hàng vì ô tô của chúng tôi không thể lên được. Nếu không có sự giúp sức của dân bản, chúng tôi sẽ phải vất vả hơn nhiều. Đặc biệt có sự đồng hành của sư cô Thích Đàm Hoài và tài trợ của chùa Phúc Long, Thanh Trì, Hà Nội nên chúng tôi mới thực hiện được chuyến thiện nguyện lần này.”. Chính những tấm lòng thơm thảo, những bước chân không quản gió mưa giá buốt băng ngàn của những thanh niên thiện nguyện không chỉ làm ấm thêm bếp lửa hồng trong những ngày Tết, mang lại hào khí vun thêm sức sống cho đồng bào người H´mông mà còn góp phần làm thay đổi những hủ tục huyễn hoặc vây bọc lấy họ, tôn thêm sức sống cho dòng giống lạc hồng.

Niềm vui của trẻ em miền sơn cước 

Rời khỏi bản làng, hình ảnh đồng bào người H´mông cứ quấn lấy tâm khảm tôi, những ánh mắt, nụ cười thơ ngây của những đứa trẻ nơi đây cứ cột chặt vào tư duy của tình đồng loại. Tôi – một ký giả đi theo câu lạc bộ thiện nguyện để ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhưng cũng chứa đầy niềm trắc ẩn về những kiếp người bé nhỏ.

Một năm qua đi, khép lại những nhọc nhằn kham khổ. Ngoài kia, những nụ đào xuân e ấp chờ khoe sắc, loài ong vẫn cần mẫn hút mật xây đời, núi rừng vẫn trập trùng hùng vĩ và đồng bào người H´mông vẫn căng tràn sức sống như chính những gì thiên nhiên ban tặng, tô thắm thêm những sắc màu rực rỡ, tạo nên nét bản sắc rất riêng cho miền sơn cước xứ Thanh.

                                                                                                                                                                                                                       Ngọc Thể