17/01/2025 lúc 14:35 (GMT+7)
Breaking News

Làng Diềm là cái nôi của Quan họ Bắc Ninh

VNHN - Từ cội nguồn, Quan họ đã gắn liền với hát giao duyên, kết bạn. Quan họ làng Diềm có mối quan hệ kết chạ với làng Bịu và Đống Cao. Tình bạn Quan họ giữa nghệ nhân các làng Viêm Xá-Bịu; Viêm Xá - Đống Cao được duy trì hàng trăm năm nay, truyền từ đời này sang đời khác.

VNHN - Từ cội nguồn, Quan họ đã gắn liền với hát giao duyên, kết bạn. Quan họ làng Diềm có mối quan hệ kết chạ với làng Bịu và Đống Cao. Tình bạn Quan họ giữa nghệ nhân các làng Viêm Xá-Bịu; Viêm Xá - Đống Cao được duy trì hàng trăm năm nay, truyền từ đời này sang đời khác.

Các nghệ nhân làng Viêm Xá nhã nhặn, hiền hòa tiếp đón bạn đến chơi ở các nhà chứa vào các dịp lễ, Tết, hội làng. Bao đời nay, người dân làng Viêm Xá vẫn kể cho nhau nghe về truyền thuyết Vua Bà: Bà là con gái Vua Hùng. Khi đến tuổi trăng tròn, Vua cha kén phò mã, nhưng bà không ưng thuận mà bỏ đi chu du thiên hạ. Vừa ra khỏi cung vương thì trời nổi giông tố, mây đen bao phủ, cuốn cả đoàn bay lên cao rồi ném xuống ấp Viêm Trang.

Quan họ mời trầu ở lễ hội làng Diềm.

Đó chính là mảnh đất làng Diềm ngày nay. Bà dạy người dân khai hoang, lập ấp, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, trồng mía kéo mật. Bà còn sáng tác và truyền dạy cho nam thanh nữ tú hát những bài ca dân gian xây dựng cuộc sống. Sau khi Bà mất dân làng lập đền thờ suy tôn bà là Đức Vương Mẫu-Thủy tổ Quan họ và hằng năm mở hội cho nhân dân thi hát Quan họ. “Bao giờ cho đến hội Diềm; Cho tình thêm thắm cho duyên thêm nồng”. Vì thế mà lễ hội làng Diềm vào ngày 6-2 (Âm lịch) hằng năm là nơi duy nhất trong 49 làng Quan họ gốc của vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc thờ Đức Vua Bà.

“Thứ nhất là đình Đông Khang; Thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”. Tại làng Diềm (Viêm Xá), xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh), không gian nơi đây “Sơn thủy hữu tình” với cụm di tích Đền Cùng Giếng Ngọc, Đền thờ Vua Bà; nhà chứa Quan họ. Đó là mạch nguồn cảm hứng để người dân nơi đây gìn giữ và tỏa sáng làn điệu dân ca Quan họ ngọt ngào, đằm thắm.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Ký (72 tuổi) chia sẻ: “Sau những ngày tháng gian nan, vất vả dưới ruộng đồng, người dân nơi đây coi ngày lễ, Tết, hội làng là dịp để thỏa mãn đời sống tinh thần của mình qua lời ca, tiếng hát. Văn hóa Quan họ như sợi dây vô hình thắt chặt mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm thủy chung, son sắt”.

Đình làng Diềm mang đậm phong cách làng quê truyền thống Việt Nam.

Hiện nay, làng Diềm còn một số “Quan họ cựu” như: Nghệ nhân Quan họ Trần Thị Phụng, Ngô Thị Lịch, Nguyễn Thị Bàn, Ngô Thị Khu và Nguyễn Thị Thềm. Đây là những “Báu vật nhân văn sống” luôn miệt mài truyền nghề chơi Quan họ cho các cháu con. Giữa không gian hồ nước mênh mang, trong nhà chứa mới phục dựng, những lời ca mộc mạc, luyến láy, rung hơi, nảy hạt của các nghệ nhân Quan họ làng Diềm cứ ngân nga, níu bước chân du khách chẳng cho về.

Nét độc đáo trong không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ ở làng Diềm là tổ chức hát Quan họ trùm đầu vào mùa thu, trong những đêm trăng thơ mộng. Các liền anh Quan họ từ nhà chứa của mình rủ nhau sang nhà chứa của bọn Quan họ nữ, đến bờ rào họ trùm kín đầu bằng khăn hát vào. Khi ấy, các liền chị cũng trùm khăn ra đứng ở thềm nhà chứa hát đáp lại.

Nhân dân làng Diềm tiến hành lễ rước Đức Vua Bà.

Các anh hai, chị hai đều lấy giọng ca làm trọng, hát mộc là chính. Đó là sự rung cảm, đồng điệu trong tâm hồn, trong lao động sản xuất. Theo các bậc cao niên làng Diềm thì Quan họ nơi đây chia thành 3 thang bậc: Thang bậc thứ nhất là “ca đủ lối, đủ câu”; thang bậc thứ hai phải đảm bảo “Vang, rền, nền, nảy”; thang bậc thứ 3 là “Quan họ cựu”. “Quan họ cựu” có trình độ xuất sắc, nổi bật và vượt xa những nghệ nhân thông thường (thang bậc 1, 2).

Họ là kho tàng lưu giữ lề lối chơi Quan họ cổ và có khả năng làm giàu cho Dân ca Quan họ từ việc vận dụng những tinh hoa của các loại hình dân ca, dân gian khác vào Quan họ một cách nhuần nhuyễn, sinh động. Quan họ cổ chủ yếu là giọng La rằng và La hừ, theo lề lối bắt buộc. Một canh hát đối đáp của Quan họ cổ thường phải hát đối với nhau: Những câu chào hỏi hát theo giọng La rằng, sau đó là giọng vặt và cuối cùng là giọng giã. Để trở thành một cặp hát và hát được với nhau thì giọng của hai người phải hòa nhịp như một.