11/01/2025 lúc 05:27 (GMT+7)
Breaking News

Làm sao để phát triển ngành lúa gạo theo định hướng hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp?

Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Mekong Startup lần thứ I năm 2022 đang diễn ra tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), có 03 phiên thảo luận trước thềm, trong đó “Chuyển đổi chuỗi lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp”….đang được quan tâm. Tại buổi tham luận, các chuyên gia đã và đang định hướng phát triển ngành lúa gạo theo định hướng phù hợp với xu hướng công nghệ số, xanh, sạch, thân thiện môi trường.

Phiên thảo luận vào sáng 20/12 đã thu hút đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, các nhà quản lý về nông nghiệp của một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham gia. Một vấn đề được đặt ra chính là làm sao để xây dựng thành công, tránh đi vào “vết xe đổ” của những sàn giao dịch hàng hoá đã xây dựng trước đó.

Tại tham luận đã đưa ra những ví dụ điển hình về vấn đề hoạt động của những sàn giao dịch được hoạt động trước đó, điển hình như trước đây Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) đã thiết lập sàn giao dịch cà phê ở tỉnh Đắk Lắk. Vì hoạt động không hiệu quả, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định cổ phần hoá và Công ty cổ phần Sở giao dịch cà phê và hàng hoá Buôn Ma Thuột (BCCE) đã ra đời. Song vẫn không hiệu quả và đã quyết định “khai tử” sàn giao dịch này.

Nhiều ý kiến được đặt ra nhằm tìm ra câu trả lời: Làm sao để sàn giao dịch lúa gạo không đi vào ‘vết xe đổ’ của những sàn trước đó

Vào hôm qua, ngày 19-12, tại Diễn đàn Mekong Startup lần thứ I năm 2022 Công ty cổ phần chỉ số nông nghiệp (Agri Index) đã công bố dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây sẽ là “nấc thang mới” với hướng đi riêng để không thất bại như những “vết xe đổ” trước đó, từng bước tạo ra một nền tảng công nghệ hữu ích và mang lại giá trị thặng dư cao hơn từ cây lúa.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc, Giám đốc Agri Index trình bày quan điểm trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị đã nhận ra vấn đề là cần “kéo” thương lái lên sàn. Trong thời gian nghiên cứu tiền khả thi, Agri Index đã quy tụ về sàn hơn 100 doanh nghiệp, trong đó, có trên 50 doanh nghiệp là những thương lái uy tín nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đồng hành, cố vấn, chia sẻ. “Đến hôm nay (19/12), khi chúng tôi tổ chức công bố dự án thì đã quy tụ được 132 doanh nghiệp tham gia với khối lượng chào bán giữa các doanh nghiệp đề xuất là 20.000 tấn/tháng với tỷ lệ đề xuất thành công là 40% và khả năng giám sát giao dịch đề xuất trên sàn của chúng tôi hiện nay đảm bảo 100 giao dịch/ngày”, bà Ngọc nói.

Đáp lại điều này, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo không đơn thuần chỉ là kết nối mua bán, mà quan trọng hơn là kết nối những con người, từ đồng ruộng tới ghe của thương lái, cho đến nhà máy của doanh nghiệp và ra thị trường. Cần phải biết bỏ qua các xung đột, lợi ích cá nhân để vòng tròn, những mắt xích không bị tách rời.

Củi trấu sẽ được bán trên sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo

Tiếp đó, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế nhận định rằng, cần phải thay đổi “chất”, chứ không phải chỉ ở… tên gọi. Đó là cần phải có một không gian vật lý, có thể là một trung tâm cụ thể để gắn với quy hoạch theo Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, trong đó có 8 trung tâm nông sản của vùng. Phải được cụ thể hóa với các quy hoạch của địa phương đang làm, tức sàn giao dịch sẽ tích hợp, được hỗ trợ của rất nhiều yếu tố, bao gồm giao thông, logistics, phát triển hạ tầng nông nghiệp, thương mại…, để kết nối vào đó. Phải ứng dụng các giao dịch thương mại điện tử và công nghệ. Muốn vậy, phải kết nối hệ thống và nơi đó trở thành một cái “hub” (trung tâm) để thông tin truyền tải qua đó được xử lý nhằm kết nối nhu cầu mua, bán như sàn giao dịch chứng khoán. Đặc biệt là phải xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu của nông sản.

Tại phiên thảo luận, các hợp tác xã, nông dân sản xuất lúa gạo cũng mong muốn được hướng dẫn quy trình, biện pháp canh tác lúa gạo hữu cơ, giảm phát thải. Bởi đánh giá khách quan khi hiện nay nông dân còn hạn chế kiến thức kinh tế carbon, vì vậy phải giúp mỗi hộ thấy được mỗi ngày họ thải ra môi trường bao nhiêu, cũng như đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế của đất nước, từ đó nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường, hướng đến thực hành sản xuất lúa gạo bền vững hơn.../.

Trí Đức - Hoàng Châu