Danh sách tỷ phú của Forbes năm nay đã xác nhận nhiều kỷ lục. Tổng tài sản của top 10 tăng gần gấp đôi. Số lượng tỷ phú mới cũng xuất hiện nhiều nhất trong lịch sử.
Những gương mặt tỷ phú tiêu biểu năm vừa qua: Elon Musk, Kate Wang, Jeff Bezos và Aliko Dangote.
Bất chấp đại dịch, Forbes ghi nhận đây là năm kỷ lục của giới siêu giàu toàn cầu - với tổng tài sản tăng lên 5 nghìn tỷ USD và số lượng tỷ phú mới cũng xuất hiện nhiều chưa từng có. Phong tỏa và dãn cách xã hội đã không thể ngăn cản những đợt chào bán IPO mới, cũng như giá trị tiền điện tử và giá cổ phiếu tăng chóng mặt.
Những con số kỷ lục
Số lượng tỷ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới lần thứ 35 của Forbes đã ghi nhận con số 2.755 tỷ phú — hơn so với năm trước là 660 người. Tổng cộng giá trị tài sản của các tỷ phú là 13,1 nghìn tỷ USD, tăng từ 8 nghìn tỷ USD năm 2020.
Số lượng tỷ phú mới góp mặt trong danh sách cũng tăng kỷ lục trong năm nay, với 493 người. Nói cách khác, cứ sau 17 giờ lại có thêm một tỷ phú mới, con số này bao gồm 210 người đến từ Trung Quốc, 98 người từ Mỹ.
Gương mặt mới giàu nhất là Miriam Adelson ở Nevada, Mỹ, người thừa kế đế chế sòng bạc của người chồng Sheldon Adelson vừa qua đời, với khối tài sản 38,2 tỷ USD.
Những tỷ phú mới đáng chú ý bao gồm nhà sản xuất phim và truyền hình Tyler Perry, đồng sáng lập ứng dụng hẹn hò Bumble, Whitney Wolfe Herd — nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới và Guillaume Pousaz, người sáng lập công ty thanh toán Checkout.com của châu Âu.
250 người từng ra khỏi danh sách tỷ phú trong quá khứ đã quay trở lại năm nay. Về tổng thể, 86% tỷ phú đã giàu có hơn so với một năm trước.
Jeff Bezos tiếp tục là người giàu nhất thế giới trong năm thứ 4 liên tiếp với tài sản 177 tỷ USD, tăng 64 tỷ USD so với một năm trước nhờ cổ phiếu Amazon tăng mạnh. Dịch bệnh được coi là động lực thúc đẩy dịch vụ giao hàng của Amazon thăng hoa.
Elon Musk cũng có bước đột phát kinh ngạc khi vươn lên vị trí thứ 2 với tài sản 151 tỷ USD. Ông đã kiếm được số tiền khổng lồ 126,4 tỷ USD trong năm vừa qua. Trước đó, nhà sáng lập công nghệ này chỉ xếp thứ 31 trong danh sách và có tài sản 24,6 tỷ USD. Lý do cho sự gia tăng vượt trội này là vì cổ phiếu Tesla đã tăng đến 705%.
Ông trùm hàng xa xỉ của Pháp Bernard Arnault giữ vị trí thứ 3 nhưng tài sản của ông đã tăng gần gấp đôi lên 150 tỷ USD, từ 76 tỷ USD, do cổ phiếu của LVMH, chủ sở hữu của các thương hiệu bao gồm Louis Vuitton, Christian Dior và n Sephora tăng 86%.
10 người giàu nhất thế giới có khối tài sản trị giá 1,15 nghìn tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với 686 tỷ USD năm trước.
5 người giàu nhất
Tương quan tài sản giữa tỷ phú giàu nhất năm 1987 và năm 2021.
Năm nay, có bốn người sở hữu khối tài sản 100 tỷ USD trở lên — nhiều hơn so với chỉ một người (Bezos) trong danh sách năm ngoái. Bên cạnh Bezos, Musk và Arnault, còn có Bill Gates, người đứng thứ 4 với 124 tỷ USD, nhờ cổ phiếu mà ông sở hữu trong Microsoft, Đường sắt Quốc gia Canada và nhà sản xuất máy kéo Deere & Company.
Đứng trong top 5 là Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, với 97 tỷ USD. Khối tài sản của ông trùm công nghệ này cũng tăng 42,3 tỷ USD so với hơn một năm trước do cổ phiếu của Facebook tăng 80% trong năm qua khi công chúng trên khắp thế giới sử dụng các nền tảng của Facebook để giữ liên lạc.
Warren Buffett là người giàu thứ 6 thế giới, giá trị tài sản 96 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên kể từ năm 1993, nhà đầu tư đáng kính đang điều hành Berkshire Hathaway không xuất hiện trong top 5.
Nước nào nhiều tỷ phú nhất?
Các nước có số lượng tỷ phú nhiều nhất trong danh sách của Forbes.
Mỹ vẫn là nước có số lượng tỷ phú nhiều hơn tất cả các quốc gia khác, với 724 người, nhưng Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với 698 người. Năm ngoái, Mỹ có 614 tỷ phú và Trung Quốc có 456.
Ấn Độ có số lượng tỷ phú cao thứ ba, với 140. Tổng cộng, 1.149 tỷ phú đến từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, sở hữu khối tài sản trị giá 4,7 nghìn tỷ USD, trong khi các tỷ phú Mỹ có tổng tài sản 4,4 nghìn tỷ USD.
Số tỷ phú tự thân cũng chạm mốc kỷ lục 1.975, tăng so với 1.457 của năm ngoái. Tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất là Austin Russell, 26 tuổi, người Mỹ, bỏ học Stanford để thành lập công ty cảm biến ô tô Luminar Technologies. Russell có khối tài sản trị giá 2,4 tỷ USD và xếp thứ 1299 trong danh sách của Forbes.
Ngoài ra còn có một tỷ phú trẻ nhất thế giới khác là Kevin David Lehmann, 18 tuổi, người Đức, được kế thừa tài sản từ cha, với 3,3 tỷ USD và xếp thứ 925. Ở đầu kia của danh sách, tỷ phú già nhất là ông trùm bảo hiểm Mỹ George Joseph, người năm nay đã 99 tuổi.
Mukesh Ambani của Ấn Độ đã trở thành người giàu nhất châu Á, xếp thứ 10 với giá trị tài sản ước tính 84,5 tỷ USD. Ông đã chiếm vị trí dẫn đầu từ Jack Ma của Trung Quốc, người giàu nhất châu Á một năm trước, nay đã tụt hạng xuống vị trí thứ 26 (từ vị trí thứ 17 năm ngoái) mặc dù tài sản của ông đã tăng gần 10 tỷ USD lên 48,4 tỷ USD.
Lĩnh vực nào nhiều tỷ phú nhất?
Trong số 493 tỷ phú mới trong danh sách năm nay, các lĩnh vực giúp họ trở nên giàu có bao gồm tiền kỹ thuật số, SPACs (các công ty lập ra để huy động tiền và mua lại các công ty khác), chào bán IPO truyền thống và chăm sóc sức khỏe liên quan đến Covid-19.
Trong top 100 tỷ phú, công nghệ vẫn là lĩnh vực chiếm hàng đầu với 23 tỷ phú, kế đến là lĩnh vực thời trang với 17 tỷ phú, tài chính đầu tư có 8 tỷ phú, còn lại chia đều cho các ngành nghề khác nhau viễn thông, bất động sản, xây dựng…
Có 23 tỷ phú đã qua đời kể từ giữa tháng 3/2020, bao gồm các cái tên danh tiếng như Benjamin de Rothschild của Thụy Sĩ, người thừa kế khối tài sản ngân hàng kếch xù; Ông trùm ngân hàng Brazil Joseph Safra và ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson.