27/11/2024 lúc 22:15 (GMT+7)
Breaking News

Làm kinh tế từ ngoại giao văn hóa

VNHN-Được sự hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội và Tổng cục Du lịch Singapore đã tổ chức Lễ hội Singapore lần đầu tiên tại Việt Nam vào cuối tháng ba vừa qua tại vườn hoa Lý Thái Tổ, trung tâm Thủ đô, đem đến một không gian văn hóa đặc sắc với thông điệp rõ ràng, mang Singapore đến gần với người dân Việt Nam.

VNHN-Được sự hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội và Tổng cục Du lịch Singapore đã tổ chức Lễ hội Singapore lần đầu tiên tại Việt Nam vào cuối tháng ba vừa qua tại vườn hoa Lý Thái Tổ, trung tâm Thủ đô, đem đến một không gian văn hóa đặc sắc với thông điệp rõ ràng, mang Singapore đến gần với người dân Việt Nam.

Phó Thủ tướng Singapore Teo Chee Hean và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung dự khai mạc lễ hội.

Xây dựng sự hiểu biết về nhau

Hai ngày lễ hội Singapore là dịp để Tổng cục Du lịch Singapore giới thiệu nền văn hóa đặc sắc và trải nghiệm du lịch độc đáo của đảo quốc sư tử. Lễ hội chính là một phần trong nỗ lực mang hình ảnh đảo quốc đến gần hơn với người dân khu vực phía bắc Việt Nam thông qua thông điệp truyền thông “Singapore - nơi đam mê khơi mở tiềm năng” (Passion made possible).

Bà Catherine Wong Siow Ping, Đại sứ Singapore tại Hà Nội cho biết, đây là cơ hội tuyệt vời để mở rộng giao lưu văn hóa giữa hai nước, cũng như thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Singapore và Việt Nam. Bà nói: “Thông qua lễ hội này chúng tôi hy vọng sẽ mang Singapore đến gần hơn với người dân Thủ đô, giúp những người bạn Việt Nam hiểu hơn về các trải nghiệm độc đáo chỉ có thể tìm thấy ở Singapore”.

Trong buổi họp báo, bà Catherine Wong chia sẻ, người dân Việt Nam thường biết đến Singapore như là một trung tâm mua sắm lớn, “nhưng chúng tôi muốn cho các bạn thấy Singapore còn là một trung tâm văn hóa đa dạng”. Tại lễ hội, các mô hình giới thiệu các bản sắc văn hóa đặc trưng của Singapore như khu China Town, Kampong Glam, Little India, Katong/Joo Chiat, Sentosa... được mô phỏng theo đúng hình ảnh, mầu sắc đặc trưng và những lời giới thiệu chi tiết về lịch sử hình thành và phát triển của từng khu. Nhiều người Việt Nam đi Singapore nhiều lần có thể cũng chưa trải nghiệm hết những đặc trưng văn hóa này. Như chị Lan Anh, một du khách đến Singapore nhiều lần chia sẻ, đến đây chị mới biết có những trung tâm văn hóa chị chưa từng được tiếp cận.

Mỹ thuật cũng là một trong những điểm rất mạnh về văn hóa của Singapore trong vòng vài chục năm trở lại đây. Trong lễ hội lần này, họ mang đến những gian hàng trưng bày các tác phẩm từ trưng bày sắp đặt đến nghệ thuật thị giác hay mỹ thuật kết hợp với công nghệ AR sống động qua các màn hình di động và ứng dụng

Facebook. Rồi những phần trình diễn mang đậm màu sắc văn hóa của các nhóm nghệ thuật như Singapore Indian Fine Arts Society (SIFAS) hay dàn nhạc The open Score Project (OSP) và bộ phim “7 lá thư” mang đậm văn hóa Singapore gây ấn tượng với người xem về cuộc sống cũng như chuyện đời của người dân đảo quốc.

Các khu vực trình bày và gian hàng tại Lễ hội Singapore đều toát lên sự chuyên nghiệp, bài bản từ khâu lên kế hoạch đến triển khai. Các mô hình cũng được làm rất kỹ lưỡng và đẹp mắt. Trong dịp cuối tuần tổ chức lễ hội, nhiều người dân Thủ đô có cơ hội thưởng ngoạn và có những trải nghiệm thú vị với những bộ ảnh đầy mầu sắc và đặc trưng văn hóa của quốc đảo sư tử.

Bài học từ một lễ hội

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Singapore, Việt Nam là một trong 10 nước có số người du lịch đến Singapore nhiều nhất từ du lịch, học tập đến khám, chữa bệnh. Dưới góc độ kinh tế, chúng ta có thể thấy số ngoại tệ được đem đến Singapore nhiều như thế nào.

Chị Sherleen Seah, Trưởng đại diện Việt Nam của Tổng cục Du lịch Singapore cho biết, số lượng khách Việt Nam đến Singapore ngày một tăng cũng là một trong những lý do để họ quyết định tổ chức lễ hội tại Hà Nội. Song bên cạnh lý do này, theo giới chuyên môn, việc thúc đẩy giao lưu văn hóa là một nền tảng vững chắc để người Singapore đến Việt Nam làm ăn. Singapore là nước đầu tư vào Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực, sau Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn 48 tỷ USD. Việc trao đổi giao lưu văn hóa đối với họ cũng được xác định là một bước để thể hiện cam kết làm ăn lâu dài. Và những lễ hội mang tính chất gợi mở văn hóa như vậy sẽ giúp các doanh nhân Singapore có nhiều cơ hội để gắn kết với người dân nơi họ đến đầu tư.

Tại lễ hội, một chiếc bánh kẹp kem có giá một đô-la ở vỉa hè Orchid cũng được bán với giá như vậy ở phố đi bộ Hà Nội tạo nên cơ hội cho mọi người dân dễ dàng thưởng thức. Những đứa trẻ cùng bố mẹ xếp hàng chờ ăn một cái bánh kẹp kem sẽ nhớ từ khóa Singapore. Và nhà tổ chức đã thành công trong thông điệp rõ ràng và nhất quán về hành động của mình, mang Singapore đến gần người dân Hà Nội. Những chi tiết rất nhỏ cũng cho thấy sự chuyên nghiệp, bài bản trong khâu tổ chức của những người làm sự kiện này. Cách hoạch định bất cứ một công việc gì đều rất khoa học từ việc phân định những nhóm khách để chăm sóc như phân loại các đối tượng từ những nhóm yêu thích ẩm thực, nhóm khách hàng định hình văn hóa, nhóm khách hàng là những nhà khám phá, nhà sưu tập...

Họ đã học cách tiếp cận triệt để khách hàng của mình. Đối với những người thuần túy chỉ thích ăn uống ẩm thực hay hưởng thụ mua sắm, Singapore là thiên đường. Thế nhưng với cả những nhóm khách hàng khó tính, quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, đây cũng là địa điểm đáng đến trên bản đồ thế giới của họ.

Singapore rất gần gũi với Việt Nam, không chỉ về khoảng cách địa lý mà cả văn hóa. Với con số hơn nửa triệu lượt người Việt Nam đến Singapore trong năm 2018 và hơn hai nghìn dự án đầu tư của Singapore vào Việt Nam cho thấy sự giao thương ngày càng lớn mạnh giữa hai nước. Một lễ hội cũng mang lại nhiều giá trị và bài học bổ ích. Trên con phố đi bộ này, nhiều hoạt động, sự kiện đã được tổ chức, song để có một chương trình chuyên nghiệp bài bản và sức lan tỏa cao như Lễ hội Singapore không nhiều.

Trong hai ngày lễ hội đã thu hút được nhiều người và được sự quan tâm của giới chuyên gia kinh tế, giới chuyên môn và cả các văn nghệ sĩ. Làm kinh tế từ văn hóa là cách làm bền vững nhất mà chúng ta cần học hỏi.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Singapore có 2.169 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 47,9 tỷ USD. Không kể lĩnh vực dầu khí, đến nay Singapore đã đầu tư vào 48 trên 63 tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó, TP Hồ Chí Minh đứng đầu với 1.130 dự án với số vốn đầu tư đăng ký đạt 10,7 tỷ USD. Đứng thứ hai là Hà Nội với 349 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt sáu tỷ USD.