Phát biểu tại toạ đàm, ông Lê Long Giang, Chủ tịch VFCA, cho biết trái phiếu doanh nghiệp sản phẩm hấp dẫn với tất cả các bên liên quan trên thị trường tài chính, là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả đối với các doanh nghiệp, kênh đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư, nguồn lực dồi dào cho phát triển kinh tế quốc gia mà không gây áp lực đến bội chi ngân sách nhà nước.....nên đã bùng nổ trên thị trường tài chính Việt Nam những năm qua.
Được biết, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành cuối năm 2021 đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021). Năm 2021, quy mô thị trường trái phiếu doanh đạt 16,6% GDP, với cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp theo ngành: bất động sản là 318.200 tỷ, chiếm 44%, NHTM 226.400 tỷ, chiếm 31,3%, năng lượng khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, (chủ yếu là các công ty chứng khoán) và nhóm doanh nghiệp phát triển hạ tầng là 28.932 tỷ, chiếm 4%, còn lại 21% thuộc các ngành khác. Điều này đã tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển.
Ông Giang khẳng định, bên cạnh những tín hiệu tích cực từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì thực tế đã bộc lộ những bất cập về hành lang pháp lý về quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các tác động tiêu cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến các bên có liên quan thời gian qua.
Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã liên tiếp phát đi thông điệp cảnh báo; đồng thời triển khai những hành động quyết liệt để thị trường tiềm năng này phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả.
Ngay từ khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp manh nha những rủi ro, cuối năm 2019, Bộ Tài chính đã kịp thời phát đi những cảnh báo đầu tiên. Tiếp đó, trong bối cảnh thị trường này tăng mạnh, trong năm 2020 và năm 2021, Bộ Tài chính đã liên tiếp gia tăng tần suất và cường độ cảnh báo rủi ro.
Theo ông Giang, trong hai năm trở lại đây, với nhiều hình thức khác nhau, các thông tin cảnh báo về rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải rộng khắp, truyền thông điệp của các cơ quan quản lý, cũng như các chuyên gia uy tín. Bộ Tài chính đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam,… đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Khung pháp lý quản lý trái phiếu doanh nghiệp liên tục được hoàn thiện. Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Thông tư số 57/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/7/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã đánh giá để đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng hạn chế hiện tượng tiêu cực, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu. Ngày 16/9/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều, khoản so với Nghị định 153. Nghị định 65 đã bước đầu có tác động tích cực đến thị trường tài chính nói chung và trái phiếu doanh nghiệp, nói riêng...
Tuy nhiên, ông Giang nhấn mạnh thực tế với những gì đang diễn ra trong thời gian vừa qua, các tác động tiêu cực từ các vụ hát hành trái phiếu doanh nghiệp của các Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB...Loạt sai phạm của các doanh nghiệp liên quan đến phát hành trái phiếu đã và đang bị xử lý, dẫn đến tâm lý lo lắng và đua nhau rút tiền của các nhà đầu tư, khiến doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn.
Cũng theo ông Giang, hoạt động phát hành trái phiếu sau quý III giảm cả số đợt phát hành lẫn quy mô. Tháng 10 hoàn toàn vắng bóng 2 nhóm phát hành chủ lực là bất động sản và tổ chức tín dụng và chỉ ghi nhận một đợt phát hành riêng lẻ nội địa. Điểm nghẽn rõ nhất hiện tại của nền kinh tế là tính thanh khoản yếu và doanh nghiệp cạn tiền. Nghẽn dòng tiền, không tiếp cận được vốn là trạng thái chung của rất nhiều doanh nghiệp. Chính phủ và các bộ ngành liên quan đang hàng ngày, hàng giờ tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này.
Trong bối cảnh đó, ông Giang khẳng định Hiệp hội tư vấn Tài chính Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm hôm nay với mong muốn góp thêm một tiếng nói, đưa ra thêm một góc nhìn độc lập về thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, đề xuất các khuyến nghị tháo gỡ điểm nghẽn, góp phần làm lành mạnh hóa và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách an toàn, ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Cuối cùng, cũng theo ông Giang toạ đàm sẽ phân tích kinh tế tài chính, các nhà quản lý hoạch định chính sách, các quý vị lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các công ty kinh doanh, các nhà đầu tư tài chính...với tinh thần khoa học, trách nhiệm thẳng thắn tập trung trao đổi xoáy vào ba vấn đề: Bàn tay hữu hình nhà nước cần làm gì, sửa những nội dung gì ở Nghị định 65? làm thế nào để khơi thông các dòng tiền (từ trái phiếu, chứng khoán, ngân hàng, ngân sách, FDI và từ trong dân...) lấy lại niềm tin trước mắt và phát triển bền vững trong tương lai cho thị trường trái phiếu. Đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực liên quan thị trường trái phiếu cần chú ý gì? Rút ra bài học học gì ? Đối với nhà đầu tư (chuyên nghiệp và cá nhân) cần khuyến nghị gì?