Ưu tiên đầu tư, nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện
Theo Kế hoạch, đối với các dự án đầu tư công, Lâm Đồng sẽ thực hiện phân bổ kế hoạch vốn đầu tư bám sát mục tiêu, nội dung trong Quy hoạch tỉnh. Việc quản lý, phân bổ vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư, nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện để kết nối giữa các địa bàn trong tỉnh; các tỉnh lộ huyết mạch; các dự án phục vụ kết nối vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn có tính kết nối và lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng như: Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (CT.27), cao tốc Nha Trang - Liên Khương (CT.25), Cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột (CT.26); QL.28, QL.28B, QL.27, QL.27C, QL.55, QL.55B, QL.20; tuyến đường kết nối cảng hàng không Liên Khương với tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; tuyến đường kết nối cảng cạn Đức Trọng; các tuyến đường tỉnh; tuyến vành đai đô thị Đà Lạt, Đức Trọng; tuyến kết nối Liên Nghĩa – Thạnh Mỹ;…
Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để phát triển hạ tầng nông thôn, bảo đảm tất cả các xã có đường giao thông kiên cố đi lại, nâng cấp, cải tạo, đầu tư mới các cơ sở y tế, giáo dục công lập, nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ cho các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ...
Đầu tư các dự án cấp điện phục vụ sản xuất, trọng tâm là các đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu, điểm du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Đầu tư phát triển mạnh hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, cấp thoát nước, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi lớn đã được đầu tư, các mô hình thủy lợi nhỏ, phân bổ theo mạng phân tán, phù hợp với địa hình đồi núi, chia cắt ở Lâm Đồng. Ưu tiên đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích đặc biệt của quốc gia trên địa bàn và các di tích của tỉnh; các thiết chế văn hóa mang đậm bản sắc vùng Tây Nguyên, các công trình thể thao trọng điểm.
Ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các huyện vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai, bão lũ.
Ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.
Ảnh minh họa - TL
Không thu hút các dự án FDI hiệu quả thấp, thâm dụng lao động quá lớn, công nghệ lạc hậu
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, Kế hoạch nêu rõ, các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Hệ thống giao thông, hạ tầng logistics; cảng cạn; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; du lịch, thương mại, dịch vụ chất lượng cao, thông tin và truyền thông, chuyển đổi số.
Ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng theo hướng tăng trưởng xanh, gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; hỗ trợ thúc đẩy đầu tư thương mại và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Khuyến khích, tạo cơ chế chính sách đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục...
Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng.
Nhu cầu vốn đầu tư khoảng 757.548 tỷ đồng
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm là 8,5-9% trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong cả thời kỳ 2021-2030 cho tỉnh Lâm Đồng khoảng 757.548 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021-2025 nhu cầu vốn đầu tư là 269.082 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 nhu cầu vốn đầu tư là 488.466 tỷ đồng. Cụ thể:
UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức công bố, tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi tới Nhân dân, các cơ quan, tổ chức liên quan, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, tạo đồng thuận và điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.../.