29/03/2024 lúc 03:41 (GMT+7)
Breaking News

Lãi suất ngân hàng vượt ngưỡng 10%, cuộc đua lãi suất mới và nguy cơ lạm phát

Sau khi cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo nóng về việc phát hành trái phiếu, thì hiện đang có một cuộc đua hút dòng vốn thông qua ưu đãi về lãi suất của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Nếu không nhanh chóng có chế tài kiểm soát, thì nguy cơ lạm phát sâu ngày càng hiện hữu.

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng, lãi suất vẫn tăng

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng tiền qua thị trường mở, tuy nhiên lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đáng chú ý có ngân hàng đã huy động mức lãi suất vượt ngưỡng 10%/năm.

Theo đó, VPBank đang niêm yết lãi suất tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings lên tới 10,02%/năm với tháng đầu ở kỳ hạn 36 tháng, các tháng sau còn 8,35%/năm. Một số kỳ hạn khác cũng được ngân hàng này điều chỉnh lãi suất tháng đầu ở ngưỡng rất cao. Cụ thể ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tháng đầu là 10%/năm, các tháng sau 8,33%/năm.

Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hưởng mức lãi suất tháng đầu là 9,68%/năm, các tháng sau còn 8,07%/năm; kỳ hạn gửi 6 tháng có lãi suất 9,17%/năm ở tháng đầu, các tháng sau còn 7,65%/năm…

Ngoài VPBank, đang có rất nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất cao đối với kỳ hạn 36 tháng. Có thể kể đến SCB (9,3%/năm cho tất cả các tháng trong kỳ hạn 15, 18, 24, 36 tháng, hình thức gửi tiết kiệm online).

KienlongBank áp dụng mức lãi 8,8%/năm cho các kỳ hạn 18, 24, 36 tháng, hình thức gửi tiết kiệm online. Đáng chú ý với kỳ hạn 9, 12, 13, 15 tháng, ngân hàng này niêm yết lãi cao hơn, ở mức 8,9%/năm. 

Ngoài SCB và KienlongBank, NCB, NamABank, hay VietABank... là các ngân hàng có lãi suất khá cao. Trong đó, VietABank niêm yết lãi suất 8,1% cho kỳ hạn 36 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ, áp dụng từ ngày 28/10).

NamABank niêm yết lãi suất kỳ hạn 36 tháng với sản phẩm Happy Future như sau: tháng đầu 7,9%/năm, các tháng sau là 5,95%/năm.

NCB niêm yết lãi cho kỳ hạn 36 tháng ở gói tiết kiệm An Phú ở mức 8,95% (lấy lãi cuối kỳ, áp dụng trên Mobile Banking/Internet Banking từ ngày 27.10.2022).

Trên thị trường liên ngân hàng ngày 1/11, lãi suất giao dịch của các nhà băng hiện tăng nhẹ ở các kỳ hạn từ 0,01 - 0,89%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên 6,12%/năm, 1 tuần lên 7,03%, 2 tuần lên 7,36%, 1 tháng lên 7,7%. Ở các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất từ 8 - 8,15%/năm. Trong ngày, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng lượng tiền qua thị trường mở. Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra gần 17.000 tỉ đồng kỳ hạn 14 ngày, trong khi đó hút về gần 10.000 tỉ đồng, kỳ hạn 7 ngày. Lãi suất giao dịch trên thị trường vẫn đứng yên ở mức 6%/năm.

Lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng liên tục tăng lên, phá hết đỉnh này tới đỉnh khác. Dù vậy, tốc độ huy động vốn của các nhà băng khá chậm, trong khi cho vay tăng cao dẫn đến tình trạng hụt thanh khoản đang xảy ra cục bộ.

Nguy cơ lạm phát

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/10, trao đổi với báo giới về vấn đề các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng trần lãi suất huy động, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%, cao hơn mức của 2 năm trước 2020-2021.

Thực tế, tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm và tính đến nay, tín dụng tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ của các năm trước. Cụ thể, tín dụng đến ngày 25/10 tăng 11,5% so với cuối năm ngoái, và so với cùng kỳ cuối tháng 10 năm ngoái, tăng trên 17%, "là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây", ông Hà nói.

Theo Phó thống đốc, tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng có sự đóng góp tích cực của việc tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, huy động vốn tăng trưởng chậm, tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Để bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và nguồn vốn cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9, và lần điều chỉnh thứ 2 là hôm 24/10, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. "Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn, bảo đảm an toàn thanh khoản, và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế", ông Hà lý giải.

Cũng theo Phó thống đốc, điều này cũng phù hợp với thế giới khi lạm phát của thế giới tăng cao và kéo dài. Tất cả các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh và rất mạnh lãi suất đã làm cho đồng tiền nội tệ của các nước mất giá theo. Tiếp đó, các nước tiếp tục tăng lãi suất lần 2 để chống lạm phát trong nước và chống đỡ sự giảm giá của đồng nội tệ so với USD.

"Việc tăng lãi suất của NHNN là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, hội nhập sau rộng kinh tế quốc tế", Phó thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.

Tuy nhiên, việc nâng mặt bằng lãi suất lên cũng tạo ra những quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, Phó thống đốc cho biết, NHNN đã thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh.

"Chúng tôi có trần lãi suất cho vay ưu tiên, bảo đảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường", Phó thống đốc nhấn mạnh và cho biết, NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên như là xăng dầu hay các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang tập trung chỉ đạo bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phù hợp với kinh tế vĩ mô và bảo đảm cho khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp.

Đinh Tịnh - Thanh Bút