13/01/2025 lúc 05:36 (GMT+7)
Breaking News

Lai Châu: Nét đẹp làng nghề trong thời kỳ hội nhập

Nhằm phát triển và khai thác tối đa tiềm năng từ các làng nghề truyền thống. Trong thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã thực hiện “Mục tiêu kép”: Vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, vừa thành công mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.

Nhằm phát triển và khai thác tối đa tiềm năng từ các làng nghề truyền thống. Trong thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã thực hiện “Mục tiêu kép”: Vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, vừa thành công mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.

Lai Châu vốn là nơi cư trú của 20 dân tộc anh em với nhiều văn hóa, bản sắc khác nhau. Mọi đồ dùng gia dụng trong gia đình thường được sản xuất thủ công bằng đôi tay và khối óc tài hoa của con người. Từ đó tạo ra những giá trị văn hóa vật chất có mặt tại khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng mà còn góp phần tô điểm thêm cho sự phong phú, đa dạng của các sắc màu dân tộc. Nhiều vật dụng thủ công được làm rất tinh xảo, khéo léo và bền bỉ, được người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng như: Váy áo dệt thổ cẩm của người Thái, người Lự; rượu nấu, trang sức bạc của người H’Mông; đồ đan lát gia dụng của người Khơ Mú; ga đệm, nhạc cụ của người Lào, người Lự hay các loại đặc sản, bánh dân tộc của người Giáy. Bên cạnh đó, người Dao, Hà Nhì, Mông, Mảng, Cống, La Hủ, Si La… cũng có những nông cụ sản xuất thủ công phù hợp với tập quán canh tác trên địa bàn cư trú.

Người dân tộc Lự dệt vải thổ cẩm truyền thống.

Trên thực tế, những làng nghề truyền thống ở Lai Châu hiện đang phải đối mặt với không ít thử thách. Do thời kỳ đổi mới, hội nhập và sự tác động giao thương mạnh mẽ của mặt trái kinh tế thị trường, nghề truyền thống dần mất đi ưu thế cạnh tranh. Hơn nữa, phần lớn người tiêu dùng đều ưa chuộng những mặt hàng được sản xuất đại trà, có giá thành rẻ hơn. Vậy nên, những mặt hàng thủ công truyền thống thường khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp trên thị trường. Không có nơi tiêu thụ, đời sống của những người dân làng nghề gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ bỏ nghề và không muốn tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp. 

Ngoài ra, vẫn còn một vài nguyên nhân khác hạn chế sự phát triển và tồn tại của các làng nghề truyền thống là: Do các cơ sở sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, đầu ra không ổn định. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của thành phố đều được ưu tiên sử dụng trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Dẫn đến việc phát triển một số nghề truyền thống địa phương còn hạn chế, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp vào hợp tác đầu tư.

Với mục đích nâng cao thu nhập, tạo cơ hội việc làm và quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều kế hoạch, tập trung khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống đặc trưng của địa phương như: Khôi phục phát triển nghề làm bánh thủ công tại bản San Thàng, huyện Than Uyên với các hợp tác xã thổ cẩm tại Nà Cang; duy trì nghề nấu rượu ngô truyền thống tại xã Sùng Phài, huyện Tam Đường; nghề dệt vải, may váy áo thổ cẩm ở bản Hon, bản Nà Luồng, bản Vàng Pheo (Phong Thổ). Hầu hết các sản phẩm thủ công đều được chào đón và ưa chuộng. Trong đó, có một bộ phận không nhỏ là du khách đến từ các tỉnh ngoài và các nước khác trên thế giới.

Bà con xã Sùng Phài - Lai Châu đang chuẩn bị men để nấu rượu.

Mặt khác, tỉnh Lai Châu cũng sẽ tiến hành lồng ghép các nguồn vốn để phát triển ngành nghề truyền thống, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề; gắn hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ với các hoạt động kinh tế của làng nghề thông qua việc bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống. Cùng với đó, duy trì nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của chợ phiên, chợ đêm San Thàng gắn với ẩm thực dân tộc. Phát huy, nâng cao chất lượng ẩm thực dân tộc Giáy và ẩm thực các dân tộc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phong phú, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Việc khôi phục các làng nghề truyền thống sẽ tạo bước đệm cho ngành kinh tế du lịch và hội nhập của địa phương phát triển. Để nghề thủ công truyền thống của mỗi dân tộc phát huy tối đa ưu thế, các cấp, các ngành liên quan cần có những kế hoạch thiết thực để “đánh thức” và định hướng bước đi của các làng nghề. Qua đó, góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc vùng cao, không để cho những làng nghề thủ công truyền thống bị mai một, trở thành nỗi buồn bản sắc gây tiếc nuối mai sau./.