15/01/2025 lúc 05:36 (GMT+7)
Breaking News

Ký ức về Bác Hồ một tháng ở làng Thầy

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới chân núi Thầy, cạnh chùa Một Mái (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), là địa điểm tham quan hàng đầu tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách. Nơi đây, trong những tháng năm chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại từ ngày 3-2 đến ngày 3-3-1947.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới chân núi Thầy, cạnh chùa Một Mái (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), là địa điểm tham quan hàng đầu tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách. Nơi đây, trong những tháng năm chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại từ ngày 3-2 đến ngày 3-3-1947.

Trước khi về làng Thầy, chúng tôi được “mách nước” rằng, nếu muốn tìm hiểu kỹ về lịch sử địa phương thì phải gặp cụ Nguyễn Hoài, 90 tuổi đời, 73 tuổi Đảng. Cuối tháng 3-2020, chúng tôi tìm về nhà cụ Hoài ở thôn Đa Phúc, nhưng không ngờ lần đầu cũng là lần cuối được gặp cụ (cụ mất ngày 9-4-2020).

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.

Cụ Hoài kể: Trước khi lưu lại làng Thầy một tháng, Người đã về đây lần đầu tiên, vào ngày chủ nhật 10-11-1946. Khoảng 13h, xe đến cửa chùa Cả, Bác lên núi ngay. Đến chùa Cao, Bác dừng lại, quan sát toàn cảnh núi Sài, làng mạc và vùng lân cận. Chừng 15 phút sau, Bác xuống núi, dừng chân nói chuyện với nhân dân và cán bộ đã tập trung trước chùa Cả. Bác căn dặn phải chăm lo sản xuất, công tác, học hành; chú ý bảo vệ thắng cảnh chùa Thầy. Trước khi xe của Bác chuyển bánh, tất cả mọi người hô vang khẩu hiệu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

Sau lần đó Bác còn về Quốc Oai vào tối 20-1-1947 (29 Tết). Chập tối, Bác từ Cần Kiệm (huyện Thạch Thất), nơi Bác ở và làm việc trong 19 ngày (từ 13-1 đến 2-2-1947), xuống Phủ đường Quốc Oai (cũ). Do một số vị trong Hội đồng Chính phủ đang làm việc ở Hà Đông, Sơn Tây không đến đủ và đúng giờ vì đường xấu, xe hỏng nên Bác chờ đến khuya thì quay về Cần Kiệm. Tối hôm sau, 21-1-1947 (30 Tết), Bác chủ tọa hội nghị mở rộng tại Phủ đường Quốc Oai, chúc Tết các vị trong Hội đồng Chính phủ và đề ra 3 việc cần làm ngay: Tản cư, di cư; động viên dân chúng; tăng gia sản xuất.Sau đó, Bác xuống núi Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ), nơi đặt trụ sở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong một hang đá, đọc lời chúc mừng năm mới Đinh Hợi (1947).

Cụ Hoài kể: Vào tối 2-2-1947, sau khi chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ tại Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), Bác định về Sài Sơn ngay nhưng trên đường về, do sự cố giao thông, Bác được đưa tới nghỉ tại nhà ông Đỗ Hữu Dư ở xóm Chùa, làng Ngọc Than (nay thuộc xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai), nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và gia đình đang ở và làm việc. Bác nghỉ lại đó cả ngày 3-2-1947. Tối cùng ngày, xe đưa Bác đến Sài Sơn lúc 20h, tới thẳng chùa Một Mái ở phía sau núi Thầy. Đây nguyên là nhà ở của ông Thống (người coi chùa), chính quyền xã đã thu xếp cho gia đình tạm chuyển về ở trong làng.

Trong khu vực chùa, nhà Tổ được dành riêng cho Ban Tuyên truyền của Chính phủ và Tổng bộ Việt Minh. Bác nghỉ và làm việc trong gian buồng bên phải nhà Tổ; còn anh em phục vụ ngủ ở ba gian ngoài và nhà ngang. Tất cả giường chiếu đều mượn của nhà chùa. Đồ dùng của Bác rất ít ỏi: Một chiếc chăn len, một chiếc màn cá nhân, một chiếc ba lô màu cỏ úa, bộ quần áo nâu gụ, áo khoác... Phương tiện làm việc của Bác là chiếc án thư dùng làm bàn, một chiếc máy chữ và một chiếc đèn dầu.

Theo cụ Hoài, tất cả mọi chuyện cụ ghi chép lại từ lời kể của hai người được phép ra vào khu vực chùa (do Chi bộ Sài Sơn phân công) là ông Hà Đình Kim, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Đa Phúc (nay thuộc xã Sài Sơn) và bà Trịnh Thị Miễn, mẹ đồng chí Phan Trọng Tuệ (1917-1991, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ). Tại “trụ sở” này, lịch làm việc của Bác luôn dày đặc. Hằng ngày, thậm chí có những buổi đêm, đồng chí Trường Chinh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng đến gặp Bác, báo cáo những công việc nổi bật, trọng tâm về quốc phòng, tài chính, tổ chức mặt trận...

Xen vào đó là các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ tại Phủ đường Quốc Oai, do Bác chủ trì. Không chỉ theo dõi sát công cuộc kháng chiến, các công việc trong và ngoài nước, Người còn ký nhiều sắc lệnh nhằm tăng cường sức mạnh pháp luật của Nhà nước dân chủ nhân dân trong kháng chiến, đồng thời viết thư động viên, đôn đốc, thúc đẩy công việc của các địa phương hoặc quan hệ quốc tế. Ngày 6-2-1947, Người có “Thư kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến thắng lợi”. Ngày 9-2-1947, Người gửi lời cảm ơn nhân dân và ngoại kiều nhân dịp Tết, các thanh - thiếu niên đã gửi thư, quà cho các chiến sĩ, gửi thư chúc Tết Bác, Chính phủ và các chiến sĩ.

Người viết: “Lòng tốt của đồng bào chứng tỏ rằng quân dân nhất trí, cho nên dù gian khổ mấy, trường kỳ kháng chiến cũng nhất định thắng lợi”. Ngày 10-2-1947, Người gửi thư cho đồng bào tản cư, có đoạn viết: “Tản cư là kháng chiến. Tản cư cũng phải tăng gia sản xuất...”. Tiếp đó là “Thư gửi Chính phủ cách mạng nhân dân Căm-pu-chia và nhân dân Pháp” (ngày 18-2-1947), “Thư gửi Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Ninh Bình” (ngày 19-2-1947).

Cuối tháng 2-1947, Hồ Chủ tịch gửi thư cho đồng bào các dân tộc ít người: “Toàn thể đồng bào đã hăng hái ủng hộ kháng chiến... Tôi gửi cho tất cả đồng bào Thổ, Mường, Nùng, Mèo... lời chúc thân ái và quyết thắng”. Ngày 1-3-1947, Người có “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”, nhắc nhở việc rèn luyện phẩm chất cách mạng: “Mong các đồng chí mang toàn bộ tinh thần cách mạng mà khắc phục các khuyết điểm, phát triển các ưu điểm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ, mở rộng hàng ngũ, chấn chỉnh công tác để lãnh đạo toàn dân hăng hái kháng chiến để thắng lợi vẻ vang”.

Dấu ấn Người để lại trong thời gian ở Quốc Oai không chỉ trong công việc mà còn cả trong đời thường. Người luôn đề cao và thực hiện đúng, đủ nền nếp và sinh hoạt của cơ quan và bản thân. Người nhắc nhở anh em tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân địa phương, luôn cảnh giác, giữ bí mật. Người dành thời gian để giảng giải những danh từ, thuật ngữ chính trị mà anh em chưa hiểu. Giữa lúc đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Bác luôn đồng cam cộng khổ với mọi người. Thỉnh thoảng, cán bộ địa phương lo được một chút thức ăn tươi, Bác bảo chia đều cho anh em cùng bồi dưỡng. Để có thể lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, Bác rất chăm tập thể dục, tập đi xe đạp... nhằm giữ gìn sức khỏe.

Tổng cộng, Bác đã ở Sài Sơn tròn một tháng. Vào tối 2-3-1947, Bác rời làng Thầy, xuống Phủ đường Quốc Oai, chủ trì phiên họp cuối cùng của Hội đồng Chính phủ tại đây. Hội nghị bàn nhiều việc, trong đó có việc phải cấp tốc chuyển cơ quan lên chiến khu Việt Bắc vì thực dân Pháp đã mở rộng tiến đánh ra vùng ngoại vi Hà Nội. Họp xong, dù đã 4h sáng, Bác còn ghé thăm Ủy ban kháng chiến Hành chính Khu II đóng ở chùa Một Mái, dưới chân núi Hoàng Xá (nay thuộc thị trấn Quốc Oai). Người đã nghỉ lại đó cả ngày 3-3-1947. Đến tối, đồng chí Trần Đăng Ninh và một số cán bộ đến đón, đưa Bác lên Trung Hà, qua phà Phú Thọ, nghỉ lại ở đồn điền Cổ Tiết, rồi từ đó di chuyển dần lên Việt Bắc. Tại chiến khu Việt Bắc, Bác đã cùng Trung ương Đảng tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.