VNHN - Vào một ngày tháng 3 năm 2020, tôi đến làng Hương Trà, bên sông Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sáng hôm ấy tiết trời bỗng dưng âm u, người dân ở đây gọi là trời “ủ sưa”, có lẽ tiết trời như tích tụ sinh khí để rồi chuyển dạ cho một mùa hoa sưa vàng rực rỡ xóm làng. Gặp ông Trần Văn Tuyền, người cao niên của làng, năm nay đã bước qua tuổi 95, nhưng nghe tôi nhắc về hoa sưa ông lại miên man nhớ về những ký ức tuổi thơ nơi làng Hương Trà.
Ông Trần Văn Tuyền
Vậy là một mùa vàng sưa nữa lại về! Ông kể, ngày còn thơ ông cùng những người bạn tung tăng đến trường làng Hương Sơn, đường đến trường xa, nên lúc ấy bạn nào cũng thế, tranh thủ đi học sớm để trèo lên cây sưa nghịch ngợm. Nhiều cây sưa to ôm không hết, ngã xuống bờ ruộng nên phải trèo ngược từ ngọn sưa lên thân. Nhớ nhất là bạn học tên Phường, tranh thủ ngày nghỉ học rủ nhau làm giò (bẫy) rồi leo tít lên ngọn sưa đặt giò bắt chim tu hú, cà cưởng, có lúc một con cà cưởng mắc bẫy thì cả đàn cà cưởng xúm lại, mấy đứa cũng nhào vô bắt nhưng nó cào dữ lắm. Cả nhóm bạn bắt chim thì ít nhưng vui thì nhiều. Nhưng yêu nhất là là lúc sưa nở vàng rực xóm làng, hoa sưa bay theo gió, cả bọn trai gái đi học về lấy nón hứng hoa, nhưng đó chỉ là trò chơi để xem ai hứng được nhiều chứ hoa bay theo gió hứng được bao nhiêu.
Ông Tuyền lại nhớ về những năm tháng ở tù ngoài Côn Đảo, đêm nằm ông nhớ da diết về làng quê Hương Trà. Hình ảnh làng quê sao đẹp quá, uốn lượn quanh theo dòng sông Tam Kỳ từ đầu làng rồi xuôi theo dòng đến đò ba bến. Mùa sưa, những cánh hoa sưa rơi xuống dòng sông như tấm vải lụa vàng óng ánh, cứ mong đến ngày hòa bình để về với quê hương Hương Trà. Và cứ thế ông kể rất nhiều kỷ niệm về những mùa sưa đi qua, như thể hoa sưa là phần hồn không thể thiếu trong kỷ niệm theo suốt năm tháng với những người con quê hương này.
Ông Bùi Thanh Tuấn
Bên hàng sưa đầu làng, ông Bùi Thanh Tuấn 67 tuổi, người làng Hương Trà nhớ về ký ức của thời niên thiếu. Ngày ông sinh ra, làng quê Hương Trà đã rực vàng sưa, cây sưa đã có tự bao giờ. Theo ký ức mà từ đời ông nội, rồi đến đời cha ông kể lại “Ngày xưa, khi làng mới hình thành bên dòng sông này, thì một đêm mưa to gió lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, có một cây cổ thụ tấp vào đê làng. Khi trời quang, mưa tạnh, dân trong làng mới chặt nhánh cắm dọc bờ đê cho chắc thân đê, nhưng không ngờ sau thời gian cây nứt lá, vươn thân rất nhanh. Mấy năm sau cây lớn xanh tốt rồi ra hoa vàng, tỏa hương thơm ngát". Về sau này mới biết đó là cây sưa, mà theo các nhà nghiên cứu thì đây là một loài chi của cây Giáng Hương, dân địa phương còn gọi là sưa vườn hay Hương vườn và nó là loại sưa đặc trưng cho vùng quê Quảng Nam, khác với loại sưa trắng, sưa đỏ ở miền Bắc. Nhưng gì thì gì cây sưa vàng này đã có mặt và làm đẹp cho quê hương Hương Trà qua hàng trăm năm và nó đã trở thành nơi thương nhớ, đi về của bao thế hệ người Hương Trà. Cây sưa như lộc trời của quê hương, cắt thân sưa có dòng chảy như màu máu thắm của người. Cây sưa gắn bó cùng dân quê lớn lên theo năm tháng, chứng kiến dõi theo bao thế hệ đất và người Hương Trà thịnh suy thời cuộc. Cây như thổi linh hồn vào đất như nũng nịu với trời để báo cho nông quê mùa vụ.
Hàng sưa vàng trước làng Hương Trà
Anh Trần Anh Dũng, người con Hương Trà hiện là giảng viên trường Đại học Quảng Nam, cảm xúc: Lớp tụi mình cứ trông đến mùa sưa là ơi ới gọi nhau về. Nhiều bạn đi xa nhớ quê cứ gọi điện về hỏi bóng dáng của từng cây sưa ven làng. Nhớ có năm sưa bị sâu xâm hại không ra hoa, có bạn lại như muốn khóc, như thể đánh mất một báu vật của làng, đánh mất những kỷ niệm thương nhớ của quê hương. Mùa sưa thay lá rụng ngập đường làng, rồi mùa hoa sưa nở như tấm thảm hoa vàng trải khắp sân vườn ngõ xóm. Nắng chiều óng ánh, làng quê như bức tranh đầy sắc màu, tạc vào tâm hồn tuổi thơ của bao thế hệ người Hương Trà để rồi cứ nhớ mãi, nhớ mãi mỗi khi xa làng, xa những hàng sưa.
Vàng sưa
Đời sưa đi qua theo tháng năm thi gan cùng mưa nắng, trơ cành trụi lá, rồi nẩy chồi biếc xanh, để đến cuối xuân ra hoa rực vàng ngõ xóm. Mùa sưa về như mùa trảy hội tháng ba mà Trần Anh Dũng đã viết:
“Vàng sưa ơi!
Vàng sưa ơi!
Tháng Ba khập khà vòm cây chim khách
Tháng Ba đại tiệc mãn xuân
Tháng Ba lễ hội sắc màu
Trăng rót rượu tràn sông
Quyến hồn anh thuyền nan dưới chiều chập choạng…”