Về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn giữ ổn định như năm trước. Những thay đổi mang tính kỹ thuật nhằm làm chặt chẽ hơn các quy định liên quan các khâu như ra đề thi, coi thi, chấm thi...
Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15 ngày 26.5.2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Ảnh minh họa
Thí sinh THPT phải làm đủ 4 bài thi
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm nay, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh (TS) hệ THPT phải dự thi 4 bài, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do TS tự chọn. TS hệ GDTX dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do TS tự chọn. TS GDTX có thể đăng ký dự thi thêm bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Về điều kiện dự thi, người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém. Riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình GDTX thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.
Người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp, hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước, phải có bằng tốt nghiệp THCS và phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên; học lực không bị xếp loại kém.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5 điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi đăng ký dự thi), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định.
Thêm một số vi phạm bị đình chỉ thi
Thông tư mới ban hành cũng bổ sung quy định đình chỉ thi đối với các lỗi vi phạm của TS, cụ thể: “Mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi, phòng chờ và khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ” (quy định trước đây lỗi vi phạm của TS là chỉ mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi, nay bổ sung phạm vi phòng chờ và việc di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ). Theo Bộ GD-ĐT, quy định này đảm bảo chặt chẽ trong việc quản lý học sinh đem tài liệu vào khu vực thi, tránh việc lọt, lộ đề ra ngoài trong thời gian thi.
Trong những ngày tới sẽ có hướng dẫn đăng ký dự thi, đề tham khảo
Theo Bộ GD-ĐT, sau khi công bố Quy chế thi, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Trong đó sẽ có lịch thi chi tiết từng buổi thi; hướng dẫn đăng ký dự thi để TS thực hiện đúng quy định. Cũng cuối tháng 3 này, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề tham khảo kỳ thi THPT năm nay.
Lỗi vi phạm thứ hai mới được bổ sung là: “Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển về phòng chờ, và trong thời gian ở phòng chờ”. Điều này được lý giải nhằm quy định chặt chẽ hơn để TS thực hiện nghiêm túc tại phòng chờ và lúc di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ, vì đây cũng là khu vực diễn ra kỳ thi và các TS khác đang làm bài thi.
Ngoài ra, TS cũng bị đình chỉ thi khi mắc những vi phạm đã quy định trước đó như: đã bị cảnh cáo 1 lần nhưng trong giờ thi, bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép theo quy định tại điều 14 quy chế này vào phòng thi; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa TS khác.
Với các lỗi vi phạm nêu trên, cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo trưởng điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. “TS bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó”, quy định nêu rõ.
Thanh tra tỉnh không lập đoàn thanh tra riêng
Quy chế thi áp dụng năm 2020 quy định: “Chánh thanh tra tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh”. Tuy nhiên, quy chế năm nay sửa đổi bổ sung như sau: “Chánh thanh tra tỉnh cử người tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GD-ĐT theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh”. Như vậy, điểm mới áp dụng cho kỳ thi năm 2020 khi mỗi địa phương có thêm đoàn thanh tra của thanh tra tỉnh đã nhanh chóng được sửa đổi trong kỳ thi năm nay. Thay vì lập riêng đoàn thanh tra, thanh tra tỉnh chỉ cử cán bộ tham gia vào đoàn thanh tra của sở GD-ĐT.
Nhiều ý kiến từ địa phương cho rằng điều chỉnh này là phù hợp, giúp việc thống nhất tổ chức thanh tra giữa thanh tra GD-ĐT với thanh tra tỉnh vẫn đảm bảo thống nhất chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh. Thực tế kỳ thi năm 2020 cho thấy, khi bổ sung quy định có đoàn thanh tra riêng của thanh tra cấp tỉnh trong khi Bộ và sở GD-ĐT vẫn thành lập các đoàn thanh tra cắm chốt tại địa phương, đã xảy ra hiện tượng chồng chéo trong chỉ đạo, giám sát. Có những hội đồng coi thi, chấm thi đã phản ánh không biết phải theo yêu cầu của đoàn thanh tra nào khi có hiện tượng chỉ đạo không nhất quán.