VNHN - Được thành lập từ năm 1926 với tên gọi là Thanh Châu Tự. Năm 1957 đổi tên thành Chùa Kỳ Quang II (tạo lạc tại 79 Nguyễn Văn Lượng, phường 17, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh). Trải qua những năm tháng chiến tranh, chùa cũng bị hư hỏng đi nhiều. Sau khi hòa bình lập lại năm 1975, do chùa không có trụ trì nên các sư đệ đã mời thầy Thích Thiện Chiếu về trụ trì tại chùa.
Thầy Thích Thiện Chiếu trong phòng làm việc bên chữ Tâm
Chia sẻ về duyên cơ của những đứa trẻ mồ côi, tật nguyền được chùa nuôi dưỡng, chăm sóc, thầy Thích Thiện Chiều cho biết: “Năm 1975, khi thầy về làm trụ trì tại chùa, vào buổi sáng sớm có một em bé bị bỏ rơi trước cổng chùa, thầy đã mang vào chùa nuôi dưỡng, ngày qua ngày lại có những đức trẻ đói rách đến chùa ăn xin, đó là những đứa trẻ mồ côi sống lang thang bụi đời, thầy đã cho các cháu vào chùa nuôi dưỡng, khai sinh và đặt tên cho các cháu. Từ 1994, chùa được xây dựng khang trang hơn, khi nhiều người biết chùa cưu mang các cháu mồ côi và tật nguyền thì những đứa trẻ có duyên với nhà Phật ngày một đông lên. Thực ra không cha mẹ nào muốn rời xa con mình, nhưng vì hoàn cảnh mà phải chịu chia lìa".
Thầy bế các cháu tật nguyền được nuôi dưỡng trong chùa
Toàn bộ ngôi chùa được kiến trúc theo kiếu ngũ hành sơn. Thầy trụ trì chia sẻ: “Trên thế giới không nơi nào có ngũ hành sơn mà có sự sống, chỉ riêng Việt Nam ta mới có. Đó là điều kì diệu mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Chùa được kiến trúc theo kiểu ngũ hành sơn thu nhỏ là mang ý nghĩa sâu xa trong đó tồn tại sự sống. Các cột trụ có rồng quấn quanh không trát nhẵn kín mà chia thành từng múi một, với ý nghía mở lòng ra. Trong chùa không có sự ngăn cách giữa các bức tường, vách núi mà đều thông với nhau bằng hệ thông cửa và các lối đi với ý nghĩa là để hài hòa tất cả”. Phía sau chùa là nơi ở và vui chơi dành cho các cháu mồ côi, tật nguyền. Hiện nay trong chùa có khoảng 232 cháu, trong đó gần một nữa là các cháu bị khuyết tật mà chủ yếu là câm điếc, tâm thần và bại não, còn lại hơn một nửa là các cháu phát triển bình thường. Nhiều cháu được nuôi dưỡng lớn khôn, được đi học nghề và được giới thiệu bố trí việc làm.
Khi được hỏi về vấn đề tâm linh, thầy Chiếu chia sẻ: “Văn hóa – Lịch sử - Tâm linh phải được phát triển hài hòa. Tất cả nỗi đau khổ đến với mình trong cuộc đời đều do chính mình đã làm sai bổn phận của một con người. Ngày nay người phát tâm tu luyện, cúng dường ngày càng nhiều. Bản thân thầy tu hành cũng là muốn đền đáp công ơn của những người liên quan đến thầy”.
Các cháu nhỏ vui mừng mỗi khi Thầy xuất hiện
Tôi đã có thời gian ở trọ gần ngôi chùa này, cứ vào mỗi sáng sơm tôi lại nghe tiếng cười vang của thầy trụ trì Thích Thiện Chiếu. Khi tôi hỏi về âm thanh tiếng cười vang to khiến những người ở cách xa hàng trăm mét vẫn nghe thấy có ý nghĩa gì, thầy cười đáp: “Chúng ta trải qua một đêm yên tĩnh trong giấc ngủ, một số cơ quan của cơ thể giảm chức năng làm việc, kể cả nhịp thở cũng nhẹ theo. Buổi sáng cần lấy khí vào cơ thể để thông huyết, đấy khí độc ra ngoài, lấy ô xy vào nuôi dưỡng máu. Mỗi sáng thầy đều cười vang như thế vừa để thông kinh mạch vừa để truyền hơi ấm cho các cháu, tạo nên luồng sinh khí và sức sống cho một ngày mới”.
Nguồn kinh phí nuôi dưỡng các cháu trông chờ vào những tấm lòng thiện nguyện. Bên cạnh những nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài phát nguyện, nhà nước cũng tạo mọi điều kiện để cổng chùa luôn rộng mở đón nhận những kiếp người bé nhỏ./.