VNHN - Chiều 3-10, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn - KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành KTTV Việt Nam (3-10-1945 - 3-10-2020), vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến.
Tham dự có đại diện một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư, cơ quan ngoại giao tại Hà Nội; hơn 200 đại biểu đại diện cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu của ngành và kết nối trực tuyến với các Đài, trạm trên hệ thống chuyên ngành, đặc biệt có các trạm quan trắc tại các đảo tiền tiêu như: Trường Sa, Bạch Long Vỹ...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành KTTV Việt Nam qua các thời kỳ những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất; nêu rõ, đất nước ta đang chịu tác động to lớn bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Các hiện tượng thời tiết thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp và khắc nghiệt, gây nhiều thiệt hại lớn hơn. Việt Nam được đánh giá là một trong quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi BĐKH. Nhiều quy luật khí hậu bị phá vỡ khiến công tác KTTV gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa ra những dự báo, cảnh báo. Mặt khác, yêu cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và sự phát triển kinh tế, xã hội ngày càng đòi hỏi khả năng dự báo chính xác hơn trước sự vận động của thiên nhiên.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành KTTV cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm qua; thường xuyên phải làm tốt nhiệm vụ theo dõi, quan trắc mọi diễn biến thời tiết thủy văn trên cả nước. Tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo hơn nữa, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết thủy văn, hải văn nguy hiểm trên đất liền và trên cả vùng biển rộng lớn của Tổ quốc để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Cần tập trung nhiều biện pháp phát triển ngành KTTV đồng bộ theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có. Cần coi việc đầu tư cho khoa học - công nghệ (KHCN) và đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp chủ yếu để phát triển. Khai thác triệt để những thành tựu KHCN trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu KHCN tiên tiến của thế giới để đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa ngành KTTV.
Chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại như cơ sở dữ liệu lớn, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp vũ trụ. Mức độ chính xác kịp thời và tin cậy trong dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai sẽ góp phần quyết định giảm thiệt hại và chi phí xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai. Vì vậy, cần không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp cận KHCN để ngày càng dự báo chính xác hơn nữa sự vận động của thiên nhiên.
Thực hiện đầu tư cho ngành KTTV cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về KTTV, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng BĐKH. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia; tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo KTTV phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước, đặc biệt cần lưu ý nghiên cứu thiết lập các trạm quan trắc về những hiện tượng thiên tai bất thường, gây thiệt hại lớn như lũ quét, động đất… để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh. Hiện đại hóa hệ thống thông tin chuyên ngành, thu thập, khai thác các thông tin từ vệ tinh, đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới gió mùa. Hoàn thiện việc trang bị mạng lưới ra-đa thời tiết để theo dõi, dự báo các hệ thống thời tiết có quy mô nhỏ hơn như: Lốc, vòi rồng, mưa đá, lũ quét.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Tổng cục KTTV.
Cần đổi mới phương thức quản lý và phục vụ ngành KTTV theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng, chống thiên tai, bảo vệ cuộc sống tài sản cho toàn xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát thời tiết, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành liên quan kịp thời. Cần khuyến khích xã hội hóa, thương mại hóa hoạt động KTTV và tăng cường sử dụng thông tin KTTV trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngành KTTV Việt Nam cần tiếp tục tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa sự hợp tác, viện trợ về phương pháp và công nghệ mới, thiết bị máy móc, phương tiện kỹ thuật, về đào tạo cán bộ KHCN. Nghiên cứu, từng bước hình thành, phát triển ngành công nghiệp KTTV Việt Nam với tinh thần chủ động, tự lực tự cường. Có cơ chế khuyến khích, liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản xuất các thiết bị quan trắc và công nghệ truyền tin, số liệu KTTV. Tiếp tục nghiên cứu phát triển công nghệ, áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật số, công nghệ viễn thám, tăng cường hợp tác cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển công nghệ, thiết bị phục vụ công tác dự báo quan trắc KTTV, nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu thiết bị, công nghệ KTTV.
* Nhân buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói chuyện trực tuyến với CBCNV trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa. Chuyển lời thăm hỏi và động viên tới trạm, Thủ tướng nêu rõ, các đồng chí có nhiều thành tích trong công tác dự báo, góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời mong Trạm luôn hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục có nhiều đóng góp. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chuyển lời thăm hỏi đến toàn thể CBCNV các trạm KTTV trên khắp cả nước.