20/01/2025 lúc 00:04 (GMT+7)
Breaking News

Kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam - “mở rộng về phía Nam”

Danh xưng Quảng Nam với ý nghĩa "mở rộng về phương Nam" mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quá trình phát triển lâu dài của dân tộc. Danh xưng thể hiện một tư duy phát triển, tầm nhìn chiến lược và mong ước của Hoàng đế Lê Thánh Tông trong việc gửi gắm về vùng đất trọng yếu ở phía Nam của Tổ quốc.

VNHN - Danh xưng Quảng Nam với ý nghĩa "mở rộng về phương Nam" mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quá trình phát triển lâu dài của dân tộc. Danh xưng thể hiện một tư duy phát triển, tầm nhìn chiến lược và mong ước của Hoàng đế Lê Thánh Tông trong việc gửi gắm về vùng đất trọng yếu ở phía Nam của Tổ quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - (Nguồn: Internet)

Đến tham dự buổi lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - người con của mảnh đất Quảng Nam Anh hùng cùng nhiều đại biểu, là các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Đồng thời còn có sự góp mặt của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương; cùng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và các tầng lớp nhân dân Quảng Nam.

Đây là sự kiện ý nghĩa nhằm giới thiệu và tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp, khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Quảng Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Qua đó cũng thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ cha ông đã khai phá, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự tự hào về vùng đất Quảng Nam giàu truyền thống hào hùng, khoa bảng với những "Tứ hổ", "Tứ kiệt", “Ngũ phụng tề phi”, là cái nôi "chữ quốc ngữ" và đi đầu trong công cuộc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Cũng tại đây đã sản sinh ra những anh hùng hào kiệt, chí sĩ, đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước và quê hương. Quảng Nam còn được đánh giá là vùng đất đầy đủ những “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, khi mang những giá trị văn hóa đặc trưng, độc đáo, có sức sống lâu bền, có hai di sản thế giới độc đáo, huyền bí, đó là Hội An và Thánh Địa Mỹ Sơn. Cùng mật độ dày đặc các vịnh biển, cù lao, khu dự trữ sinh quyển, cao nguyên tươi xanh, di sản văn hóa, tâm linh tầm cỡ thế giới như chuỗi ngọc trai dọc tuyến hành lang ven biển miền Trung cùng với nóc nhà Tây Nguyên,… Không chỉ vậy, vùng đất này còn là một tỉnh đa dạng về văn hóa, có nhiều vi mạch quý cho bảng mạch văn hóa đa sắc màu của Việt Nam. Nhiều làng nghề nổi tiếng là kết tinh của những giá trị hữu hình và vô hình, là nguồn lực quý giá cho phát triển du lịch của Quảng Nam, của Miền Trung và của cả nước.

Quang cảnh buổi gặp mặt – (Nguồn: Internet)

Chủ tịch nước cũng nhận định, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và 25 năm tái lập tỉnh, “cũng từng ấy năm mùa sưa vàng nở”, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, đến hôm nay, tăng trưởng kinh tế tỉnh đã đạt tốc độ cao trong nhiều năm liên tục. Đồng thời Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương.

Hình ảnh Quảng Nam hưng thịnh hôm nay chính là được tạo dựng từ sự cống hiến từ xương máu của các thế hệ cha anh đi trước. Đó cũng sẽ là tiền đề để thế hệ hôm nay vững tin nối gót truyền thống tốt đẹp này để gầy dựng một Quảng Nam ngày càng tự tin, năng động, hòa nhịp cùng sự đổi mới của đất nước. Chắc chắn sự khởi sắc này sẽ được thể hiện rõ nét bằng những công trình, dự án được dựng xây; nhà máy, sân bay, cảng biển, khu công nghiệp…; cùng với đó là chất lượng nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh, dịch vụ công cơ bản được cải thiện… tất cả sẽ là điểm nhấn ấn tượng để các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước tìm đến.

Quảng Nam bám sát với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển” – (Nguồn: Internet)

Trong tình hình đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước cũng đã bày tỏ mong mỏi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế hiếm có của một tỉnh nằm ở trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm Trung bộ. Tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, nhằm kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh nhà, đồng thời cùng đóng góp vào sự phát triển chung của vùng và cả nước. Đi liền với đó là cải thiện môi trường đầu tư theo chuẩn quốc tế nhằm thu hút FDI có chất lượng, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, hỗ trợ kinh tế hợp tác cùng phát triển; đầu tư và phát huy vốn con người, tăng cường chi tiêu cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy khát vọng hùng cường, nhất là trong giới trẻ. Bảo vệ môi trường tự nhiên và kiến tạo môi trường sống tốt; góp phần cụ thể hóa quan điểm và mục tiêu về sự "phồn vinh, hạnh phúc" của nhân dân mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Đặc biệt là khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và chăm sóc y tế, nhất là bối cảnh COVID-19, hoàn thiện mạng lưới an sinh, bám sát với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển”.

Như Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt của Quảng Nam vẫn là tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tái mở cửa, nối lại các chuỗi cung ứng và thị trường lao động, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm nay, đồng thời tạo đà vững chắc cho tăng trưởng kinh tế nhanh trong năm 2022, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu cho cả giai đoạn 2020-2025./.