Cùng tham dự sự kiện có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Vinachem Phùng Quang Hiệp nêu rõ, 55 năm qua là chặng đường đầy chông gai, thử thách nhưng cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của ngành hóa chất Việt Nam.
Tập đoàn Hóa chất đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Thời gian tới, Chủ tịch Vinachem khẳng định Tập đoàn sẽ tiếp tục thể hiện vai trò trụ cột đối với ngành hóa chất Việt Nam; đón đầu công nghệ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng tầm uy tín, ảnh hưởng đối với khu vực và hội nhập quốc tế, phấn đấu trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu khu vực ASEAN về lĩnh vực hóa chất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thành tập đoàn mạnh
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hóa chất là ngành kinh tế-kỹ thuật có tính chất nền tảng, đóng góp quan trọng cho xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. "Chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh của 55 năm qua, sứ mệnh trong những năm tới đây còn cao hơn, nặng nề hơn, khó khăn hơn, nhưng chúng ta phải vượt qua, phải hoàn thành", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhìn lại chặng đường lịch sử, ngành hóa chất Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước, ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (từ nhu cầu của cuộc kháng chiến, với 3 mục tiêu quan trọng là phục vụ quốc phòng, nông nghiệp và dân sinh).
Ngày 19/8/1962, Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, đơn vị nòng cốt của ngành hóa chất (Tập đoàn Hóa chất ngày nay) đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm ngay sau khi đi vào hoạt động được 2 tháng.
Ngày 19/8/1969, Tổng cục Hóa chất được thành lập, đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất. Trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, các sản phẩm của ngành, như phân bón, vật liệu xây dựng, cao su, pin, ắc quy, hóa chất các loại... đã trở thành niềm tự hào, ghi nhận những thành tựu, sự trưởng thành của cán bộ và người lao động trong ngành.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, cuối năm 1995, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam được thành lập và đến năm 2009, Công ty mẹ-Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được thành lập.
Cùng với mô hình tổ chức mới, phát huy truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của ngành, Tập đoàn luôn giữ vững được vị thế dẫn đầu trong sản xuất phân bón và hóa chất cơ bản, cung ứng trên 45% sản lượng phân bón các loại, 46% hóa chất cơ bản các loại...; công nghệ sản xuất ngày càng được cải tiến và nâng cấp bảo đảm an toàn cho người lao động và bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn 2015-2021, một số dự án, doanh nghiệp quy mô lớn thuộc Tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả, các chỉ tiêu hoạt động toàn Tập đoàn liên tục giảm sút, thị phần thu hẹp, áp nợ trả nợ tăng cao, tư tưởng người lao động có nhiều lúc dao động.
Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ này đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, sự đồng lòng của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện, sự nỗ lực, quyết tâm của Vinachem, Tập đoàn dần từng bước thực hiện xử lý có kết quả tái cơ cấu đối với 4 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón chậm tiến độ, kém hiệu quả (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 1, DAP số 2-Vinachem) trong 12 dự án yếu kém, các doanh nghiệp này đến nay đã có lãi và trả được nợ vay đầy đủ, đúng hạn cho các ngân hàng tài trợ vốn...
Từ kết quả kinh doanh thua lỗ, đến nay Tập đoàn đã kinh doanh có lãi, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đạt các mốc lịch sử, cao nhất từ trước tới nay trong các năm 2022 và 2023, thể hiện rất rõ vai trò trụ cột dẫn dắt ngành công nghiệp hóa chất của đất nước, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Năm 2023, doanh thu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đạt trên 57.000 tỷ đồng; lợi nhuận đạt gần 3.300 tỷ đồng; đảm bảo việc làm cho gần 20.000 lao động với 21 đơn vị thành viên, 11 công ty liên kết, 4 đơn vị sự nghiệp và hạch toán phụ thuộc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt gần 31.000 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt gần 870 tỷ đồng; tiền lương bình quân trên 13 triệu đồng/người/tháng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu đã đạt được và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành hóa chất trong 55 năm qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những thành tựu đạt được là cơ bản, Thủ tướng nêu rõ, ngành công nghiệp hóa chất đang đối mặt với nhiều thách thức: (i) chủ yếu cung cấp một số sản phẩm thông dụng, còn ít sản phẩm hóa chất kỳ thuật cao; chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao; (ii) nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất đầu vào phụ thuộc nhập khẩu; (iii) nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, lạc hậu; chưa chú ý đến nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, năng lực cạnh tranh; (iv) còn tình trạng ô nhiễm, dẫn đến tâm lý sợ, không chào đón tại một số địa phương và cộng đồng dân cư.
Thủ tướng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Tập đoàn Hóa chất
Thủ tướng nêu rõ, từ kết quả, những tồn tại, hạn chế, cũng như sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức trong những năm vừa qua, đã củng cố thêm những bài học, kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển ngành hóa chất nói riêng.
Theo đó, phải đổi mới tư duy, tầm nhìn phải chiến lược; nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Tập đoàn Hóa chất đã từng bước chuyển đổi thành công về mô hình phát triển, phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng, tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4... với phương châm: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn; phải hết sức bình tĩnh, đoàn kết bàn cách tháo gỡ, trên cơ sở phù hợp với thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn.
Phải thực sự đoàn kết, dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ vì lợi ích chung.
Cùng với đó, phải chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, đối tác trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Phải chú trọng đầu tư phát triển để tận dụng các cơ hội mới, nhất là trong xu thế chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Phát huy tính tự lực, tự cường, phát huy truyền thống đáng tự hào, cơ sở đã có sau 55 năm qua, đi lên từ "bàn tay, khối óc" của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại.
Thủ tướng nhấn mạnh, công nghiệp hóa chất là ngành nền tảng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ 5 toàn cầu. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng (năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu). Nghị quyết 29 (Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: "Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn", tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vai trò quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất, ngành công nghiệp nền tảng.
Thủ tướng yêu cầu Vinachem tiếp tục quyết liệt hơn trong tái cấu trúc quản trị, đẩy mạnh chuyển đổi số; tái cấu trúc, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tham gia các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu...
Bối cảnh đất nước trong giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao hơn, nặng nề hơn, trong đó có nhiều vấn đề mới, phức tạp hơn đặt ra nhiều thách thức hơn cho ngành hóa chất, cần vai trò của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm trụ cột, điều phối, tập hợp sức mạnh toàn ngành.
Thủ tướng cơ bản đồng ý với báo cáo của Tập đoàn và các ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu qua các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể hóa các nhiệm vụ vào kế hoạch của Tập đoàn, của từng đơn vị để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.
Tập đoàn tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất; nâng cao tinh thần dám nghĩ, dám làm với khát vọng xây dựng và phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành công nghiệp hóa chất, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế.
Tiếp tục bám sát định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, định hướng phát triển của ngành theo "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040", phát huy cao độ vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục có những đóng góp quan trọng hơn nữa, thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới, phát triển chung của ngành.
Thứ hai, tiếp tục củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm. Rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.
Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh phù hợp với quy mô doanh nghiệp lớn, địa bàn hoạt động rộng, nắm giữ tài sản, tài nguyên lớn của đất nước. Quản trị phải thông minh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch, tập trung cho chuyển đổi số; giải quyết dứt điểm những tồn đọng.
Phát huy vai trò dẫn đầu của doanh nghiệp Nhà nước, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển trung và dài hạn để có cơ cấu nhóm ngành hợp lý, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mình, làm mới lại các động lực truyền thống, tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phát triển bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho người lao động và sức khỏe cộng đồng.
Đi đầu trong nghiên cứu, đầu tư vào các lĩnh vực mới trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất theo hướng có chọn lọc, phù hợp với xu thế thế giới, phát triển các ngành công nghiệp trong tương lai, nhất là về công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong một số ngành mới nổi, như công nghiệp bán dẫn, ắc quy và pin lưu điện...
Thứ tư, duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, cân đối các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Xây dựng, củng cố và mở rộng quan hệ với các ngân hàng có uy tín trong nước, khu vực và trên thế giới, bảo đảm nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các dự án của Tập đoàn để tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển đã được xây dựng và tích lũy 55 năm qua về lĩnh vực hóa chất với nhiều yêu cầu về hạ tầng và bảo vệ môi trường.
Thứ năm, tích cực đổi mới, tái cơ cấu các đơn vị trong Tập đoàn phù hợp với định hướng phát triển của ngành nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh của hệ thống các doanh nghiệp trong ngành; phấn đấu trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Tiếp tục cơ cấu lại 3 dự án yếu kém (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2-Vinachem) theo các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm hiệu quả.
Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và áp dụng các giải pháp công nghệ, công cụ và vật liệu tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất bền vững, lâu dài.
Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, đối tác trong triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, mục tiêu để góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ tám, làm tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; tham gia tích cực công tác an sinh xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Vinachem tiếp tục quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong tái cấu trúc quản trị, đẩy mạnh chuyển đổi số; tái cấu trúc, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn; tái cấu trúc nguyên liệu đầu theo hướng tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tham gia các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với chiến lược đúng đắn, kế hoạch, giải pháp đồng bộ và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống 55 năm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, "đã làm tốt rồi thì phải làm tốt hơn nữa, năm sau đạt kết quả, thành tích cao hơn năm trước", có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới, phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.