VNHN – Sáng ngày 1/11/2019, tại Trung tâm hội nghị 25B – P. Đông Vệ - Tp. Thanh Hóa, BTS GHPGVN tỉnh đã long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 35 thành lập GHPGVN tỉnh Thanh Hóa và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì.
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam đã hơn 2000 năm. Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo đã sớm hòa đồng, gắn bó với dân tộc Việt Nam. Dù ở thời kì nào thì Phật giáo cũng đều tích cực đóng góp công sức của mình cho công cuộc chống xâm lược, bảo vệ hòa bình, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: nguồn Phật giáo Online TV)
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, non sông gấm vóc thu về một mối. Bối cảnh ấy đã khơi dậy nguyện vọng mãnh liệt của các Tăng ni, Phật tử cả nước muốn thống nhất Phật giáo vốn đã bị chia cách nhiều thập kỉ qua. Để thực hiện nguyện vọng thống nhất của toàn thể Tăng ni, Phật tử cả nước, Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 11 năm 1981 tại chùa Sứ Quán thủ đô Hà Nội.
Năm 1958, khi thành lập Hội đồng thống nhất Phật giáo Việt Nam ở miền Bắc, thì Thanh Hóa cũng thành lập Chi Hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa do nhà sư Thích Thanh Trình làm Trưởng ban. Năm 1972, Hòa thượng viên tịch, đất nước cũng đang diễn ra chiến tranh khốc liệt trên cả 2 miền Nam Bắc, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam thân yêu”, cả nước đang dồn sức người sức của để giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Hưởng ứng lời kêu gọi “Cởi cà sa, khoác chiến bào” của Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam phát động, một số sư trẻ đã tòng quân ra tiền tuyến. Các chùa trong tỉnh chỉ còn lại hơn chục “sư già” nên hoạt động của ban Phật giáo tỉnh cũng dần thưa thớt. Năm 1981, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Năm 1984, Ban đại diện Phật giáo tỉnh Thanh Hóa được thành lập tại chùa Thanh Hà, phường Nam Ngạn, thị xã Thanh Hóa (nay là phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa). Ban đại diện Phật giáo Thanh Hóa lúc đầu gồm 5 thành viên do hòa thượng Thích Thanh Cầm làm Chánh đại diện. Kể từ đó Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa là tổ chức hợp pháp, đại diện cho Tăng ni, Phật tử tỉnh Thanh Hóa và thực hiện mọi hoạt động dưới sự hướng dẫn của Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam theo phương châm “ Đạo pháp – Dân tộc – CNXH”.
Nhận Giấy khen tại Hội nghị
Đến nay Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tròn 35 năm tuổi, trải qua 6 nhiệm kì. Nhiệm kì I kéo dài 8 năm (1984-1992) là thời kì xây dựng và củng cố cơ sở. Nhiệm kì II (1992-1997) là giai đoạn phát triển các mặt hoạt động và nâng vị thế từ Ban đại diện lên Ban trị sự do Hòa thượng Thích Thanh Cầm làm Trưởng ban. Ngày 1/6/1994, Hòa thượng Trưởng ban viên tịch, cả tỉnh lúc này không còn Chư tăng, chỉ còn duy nhất 1 Sa di. Ban trị sự đã họp Hội nghị mở rộng đề cử Ni sư Thích Nữ Đàm Nhung làm Quyền Trưởng ban trị sự đến hết nhiệm kì. Trong lúc khó khăn này, Phật giáo Thanh Hóa đã được sự đỡ đầu của Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Tổng thư kí kiêm Chánh văn phòng I TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự ưu ái tận tình giúp đỡ của chư tôn thiền đức trong văn phòng I TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban trị sự Thành hội giáo hội Phật giáo Hà Nội nên hoạt động của ban trị sự được ổn định. Nhiệm kì III (1997-2000) do Ni trưởng Thích Đàm Nhung làm trưởng ban trị sự, là giai đoạn tiếp tục phát triển và nâng cao các mặt hoạt động của tỉnh hội. Ban trị sự đã thành lập qũy Bảo trợ học đường năm 1998 để hỗ trợ tài chính cho Tăng ni theo học tại các trường. Nhiệm kì IV (2007-22012) là nhiệm kì đổi mới lãnh đạo trẻ, đại đức Thích Tâm Đức được suy cử làm Trưởng ban Trị sự và là Trưởng ban trị sự trẻ nhất toàn quốc, các ban đại diện được kiện toàn và thành lập mới. Lần đầu tiên sau 22 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, các ban ngành chuyên môn của tỉnh hội mới được thành lập, đồng thời lớp sơ cấp Phật học đầu tiên đi vào hoạt động. Các nhiệm kì V,VI,VII hòa thượng Thích Tâm Đức tiếp tục được suy cử làm trưởng ban. Từ nhiệm kì VII, ban trị sự đã hoàn thành mục tiêu đưa các Sư về trụ trì ở khắp các huyện thị, thành phố. Hoàn thành 27/27 huyện thị, thành phố có chùa, có sư trụ trì và thành lập đầy đủ ban trị sự Phật giáo tại 27 huyện, thị, thành phố. Kêu gọi Tăng ni Phật tử thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, giáo hóa Phật tử phát triển kinh tế, tin sâu nhân quả, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Với phương châm “Đạo pháp –Dân tộc –CNXH” được thể hiện trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là khẳng định gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc như một cơ thể sống tồn tại và phát triển. Xã hội có hưng thì đạo pháp mới phát triển. Thực hiện lời dạy: Từ, bi, hỷ, xả, cứu khổ cứu nạn của đạo Phật, hành động theo luân lý và đạo đức vốn có của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội luôn được đặt lên hàng đầu bằng việc vận động xây dựng các quỹ quyên góp như: Qũy người mù, Qũy học sinh nghèo vướt khó, Qũy xóa đói giảm nghéo, Qũy khuyến học khuyến tài, Qũy chất độc màu da cam, hội chữ thập đỏ, xây dựng nhà đoàn kết, xóa nhà tranh tre dột nát…với số tiền huy động lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Nuôi dưỡng hàng chục trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, tặng quà cho các gia đình nghèo và gia đình chính sách với mục tiêu “không để nhà nào không có bánh chưng ăn tết”, “không để người nghèo không có tết”. Đặc biệt trong những năm 2006, 2007, 2010, 2013 tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung Bộ đã chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa đã vận động các ban trị sự cấp huyện thị, các Tăng Ni Phật tử ủng hộ khắc phục thiên tai với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Tính từ năm 2008 đến tháng 6/2019, Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa đã vận động ủng hộ các hoạt động từ thiện xã hội đạt 21.748.000.000 đồng. Bên cạnh đó con đón tiếp các phái đoàn Phật giáo các tỉnh ủng hộ hàng tỉ đồng. Năm 2014, Trung Quốc đặt hạ trái phép dàn khoan HD 981 trong vùng biển của Việt Nam, được sự chỉ đạo của TW giáo hội, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cầu nguyện Hòa bình cho Biển Đông và vận động quyên góp để hỗ trợ quân và dân Hoàng Sa, Trường Sa và ngư dân khắc phục khó khăn bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ban trị sự cũng cử 7 chư Tăng và 1 cư sĩ ra quần đảo Trường Sa thăm, tặng quà chiến sỹ, nhân dân và cầu nguyện Hòa bình với tổng số tiền hỗ trợ 490 triệu đồng. Năm 2016, công tác từ thiện xã hội và cứu trợ lũ lụt tại Quảng Bình với số tiền 16.441.152.000đ. Năm 2017, công tác từ thiện xã hội và cứu trợ lũ lụt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh là 25.113.873.000đ. Năm 2018, công tác từ thiện xã hội là 21.704.064.000đ. 6 tháng đầu năm 2019, công tác từ thiện là 7.324.064.000đ.
Công tác trùng tu tôn tạo các Chùa được Ban trị sự, các sư trụ trì, các Tăng ni phật tử ở tất cả các huyện thị trong tỉnh chú trọng nhằm tạo cảnh quan khang trang cho không chỉ việc phục vụ tu hành, mà còn phục vụ khách tham quan thập phương góp phần hình thành tuyến điểm du lịch đang phát triển mạnh mẽ ở Thanh Hóa.
Trải qua 35 năm hình thành và phát triển, Phật giáo Việt Nam tỉnh thanh Hóa đã có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội, quốc phòng. Để làm được điều đó là nhờ có niềm tin sáng suốt xuất phát từ lòng yêu nước thấm nhuần tư tưởng từ bi và trí tuệ của đạo Phật đã được khai nguồn bởi các bậc chân tu yêu nước tiền bối trong giai đoạn cách mạng Việt Nam. Tiếp nối những giá trị truyền thống của đạo Phật Việt Nam hơn 2000 năm qua, Ban trị sự, các Tăng Ni Phật tử Thanh Hóa luôn nâng cao trí tâm “sống tốt đời đẹp đạo” để truyền tải thông điệp đến rộng rãi nhân dân để góp phần vào việc xây dựng đất nước phồn thịnh, xã hội an lạc thái bình./.