27/11/2024 lúc 09:21 (GMT+7)
Breaking News

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khoá XVIII: Xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng

Sáng 10/7, tại Trung tâm hội nghị (25B) tỉnh Thanh Hóa, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 14.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Dự kỳ họp có: Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh Khóa XVIII. 

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh xem xét các báo cáo của UBND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII; Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV .

Báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2023; Báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh về công tác xét xử, thi hành án hình sự 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; Báo cáo của Cục Thi hành án dân sự về kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.

Báo cáo của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2022; Báo cáo kết quả giám sát của các Ban HĐND tỉnh.

HĐND tỉnh sẽ xem xét các tờ trình của UBND tỉnh, các dự thảo nghị quyết kèm theo và các báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh để thông qua 20 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận về những nguyên tắc, mục tiêu, chính sách của từng nghị quyết; phân tích, đánh giá kỹ càng, thấu đáo các tác động của chính sách, bảo đảm các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu khai mạc kỳ họp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Để tổ chức kỳ họp lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo công tác chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, dành nhiều thời gian cho thảo luận và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, các tờ trình được xem xét tại kỳ họp, từ thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Báo cáo tóm tắt nêu rõ trong 6 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,0%, đứng thứ 18 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ; năng suất lúa vụ chiêm xuân đạt cao nhất từ trước đến nay; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,49%; dịch vụ, thương mại tăng trưởng mạnh. Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư được tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 9 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, lần lượt gấp 2,2 lần và 3,2 lần so với cùng kỳ. Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch; 3/4 chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh nằm trong top 10 cả nước.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao được giữ vững; công tác phòng, chống dịch được kiểm soát chặt chẽ; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Nhiều khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất, kinh doanh nói riêng được tập trung tháo gỡ. Thanh Hoá là tỉnh thứ 4 cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Có 3/4 chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh nằm trong tốp 10 cả nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ rõ 7 khó khăn, hạn chế và chỉ rõ những nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế. Báo cáo cũng đã nêu lên mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ rõ nhiều khó khăn, hạn chế và nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa bám sát các mục tiêu: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm 2023 đạt 14,59% trở lên; tổng huy động vốn đầu tư đạt 73.910 tỷ đồng; thu NSNN đạt 14.763 tỷ đồng; thêm 1 huyện, 4 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thành lập mới thêm 1.713 doanh nghiệp... Đối với 17 chỉ tiêu chủ yếu không có số liệu thống kê 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu đã được BCH Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh quyết nghị thông qua.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước; rà soát, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, khu vực thu, từng sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành kịp thời, bảo đảm thu đúng, thu đủ, không để lọt, sót các nguồn thu; đôn đốc các khoản nợ kéo dài, quá hạn, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công mới các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân, chậm giải ngân để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt, giải ngân nhanh; kiên quyết thanh lý hợp đồng đối với các nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ, chất lượng theo hợp đồng đã ký kết./.

Đỗ Thanh