VNHNO - Ngân hàng Trung ương Qatar (QNB) nhận định rằng: "Con hổ" mới nhất của châu Á hiện nay là Việt Nam khi quốc gia Đông Nam Á đang nổi lên thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Ảnh minh họa
Có thể thấy, thời điểm nền kinh tế của Việt Nam đang trỗi dậy trong thời điểm nhiều nền kinh tế đang phát triển khác phải vật lộn để bắt kịp với sự thành công của những "con hổ" trước đây của châu Á như Singapore hay Hàn Quốc được QNB đánh giá rất cao.
Các chuyên gia của QNB phân tích một loạt chỉ số và kết luận nền kinh tế Việt Nam đang phát triển bùng nổ, với GDP trong nửa đầu năm 2018 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm vừa qua. Cũng trong 6 tháng đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn đầu với mức sản lượng tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
QNB cũng nhận định rằng, nền tảng cho sự thành công trên chủ yếu xuất phát từ cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi, sự ổn định chính trị cũng như vị trí địa lý của Việt Nam.
Đặc biệt, nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia thuộc Viện Brookings tại Mỹ nhấn mạnh rằng khả năng xây dựng trên những nền tảng vững chắc này thông qua các chính sách hiệu quả đang thực sự giúp cho Việt Nam vượt trội hơn hẳn so với các nước khác trong khu vực.
3 yếu tố đặc biệt quan trọng phải kể đến là:
Thứ nhất, Việt Nam luôn hăng hái theo đuổi tự do hóa thương mại trên cả 2 phương diện đó là song phương và đa phương. Các hiệp định thương mại làm giảm đáng kể các loại thuế mà mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt. Từ đó, giúp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy hơn nữa đầu tư FDI.
Thứ hai, Việt Nam luôn coi trọng việc đầu tư vốn nhân lực, nghĩa là đầu tư vào là giáo dục. Việc làm này giúp Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng nhân khẩu học của mình. Nổi bật là Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kiểm tra các học sinh trung học về toán, khoa học và các môn học khác, đã xếp Việt Nam ở mức thứ 8/72 nước tham gia, trước nhiều nền kinh tế hàng đầu của OECD.
Thứ ba, việc đầu tư vào vốn nhân lực của Việt Nam đã được hỗ trợ bởi sự tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia. Việt Nam đã liên tục vươn lên trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng như trong các khảo sát về kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang bùng nổ với giá trị ước tính đạt khoảng 13 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Nhận thấy Việt Nam là môi trường đầu tư đầy thuận lợi nên các công ty công nghệ trên thế giới cũng đang đổ vốn với tốc độ rất nhanh vào Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện. WB cũng dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam sẽ trong khoảng 6,8%. Ông Ousmane Dione - Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 đang tạo nền tảng vững chắc giúp Việt Nam tiếp tục vươn lên./.