Việt Nam, dải đất cong cong hình chữ S, lấy dãy Trường Sơn thế đứng trường tồn, hiên ngang đón sóng gió biển Đông kiêu hùng mà hòa ái. Cái thế núi, hình sông mang dáng hình đất nước đã sản sinh ra những con người anh dũng, kiên trung, có thể đạp gian khó để vươn lên khẳng định bản lĩnh dân tộc bằng một sức mạnh phi thường mà nhân loại gọi đó là sức mạnh Việt Nam. Bản lĩnh đó được thể hiện trong mọi hoàn cảnh, thời điểm lịch sử mà dân tộc đã trải qua.
Một Tết Độc Lập đặc biệt vẫn rực rỡ cờ hoa nhưng thật yên bình và lặng lẽ trên mỗi nẻo đường góc phố.
Đi qua máu và hoa
Người Việt Nam, dù ở thời điểm lịch sử nào cũng toát lên trong mình hồn cốt dân tộc - một dân tộc đoàn kết yêu thương, một dân tộc lấy bản lĩnh và lòng tự tôn để ghi tên mình vào trái tim nhân loại, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, bác ái, nhân văn.
Tôi sinh ra khi nước nhà vừa thống nhất. Hơn 40 năm sau khi hòa bình lập lại, tôi đã chứng kiến mùa thu năm nào Nam Bắc cũng hân hoan chào mừng ngày Tết Độc Lập của dân tộc. Bởi Đất nước của tôi đã từng bước ra từ đau thương khói đạn, đem máu và hoa nối liền hai bờ Thạch Hãn để dải đất chữ S toàn vẹn hình hài, kiêu hãnh khẳng định tầm vóc trước năm châu. Bước vào một chặng đường mới hội nhập và phát triển, Việt Nam của tôi đã khép đau thương, những chiến trường xưa nay trở thành những nông trường xanh, những công trình tầm vóc, những ngôi làng bình yên, những thành phố năng động, và mùa thu độc lập trở thành mùa lễ hội non sông…
Cơn bão SARS-CoV- 2 tràn qua.
Nhưng mùa thu năm nay, vẫn cờ đỏ sao vàng ngời từng góc phố, từng con ngõ, nhưng chẳng hân hoan rộn ràng như bao mùa cũ, bởi đất nước tôi, người người, nhà nhà đang trong trạng thái giãn cách để cùng đất nước phòng chống dịch. Có lẽ hơn 40 năm kể từ ngày thống nhất, tôi chưa bao giờ cảm nhận được sự tĩnh lặng của những ngày mùa thu lịch sử như bây giờ, khi mà giặc dịch SARS-CoV-2 đang hoành hành trên khắp đất nước bé nhỏ bình yên.
Cơn bão SARS-CoV- 2 đã càn quét khắp toàn cầu, gieo rắc cái chết, nỗi đau thương và đói khát. Dịch tràn về trên mọi nẻo đường, ngõ xóm, dịch làm cho người ta khiếp sợ, một nỗi khiếp sợ vô hình khi ai đó ra đi trong sự cô độc, không có cái nắm tay tiễn nhau lần cuối trong cuộc đời, người với người giấu nhau nụ cười, tiếng nấc nghẹn qua làn khẩu trang dày kịt. Mỗi sớm an vui, mỗi chiều thanh bình không còn nữa, thay vào đó là tiếng loa phường vang lên thông báo tình hình dịch bệnh, những ca nhiễm mới, những ca tử vong, những người F1, F2 và cuộc truy vết đến tận cùng dấu tích.
Đứng trước cuộc chiến cam go với một kẻ thù giấu mặt mang tên Corona, một lần nữa tôi lại nhìn thấy đồng bào tôi, dìu nhau bước qua đau thương, hoạn nạn của cơn đại dịch bằng sức mạnh đoàn kết, bằng tình nghĩa đồng bào, bằng ân tình và chia sẻ…
Quân đội sẵn sàng chi viện cho miền Nam ruột thịt sức người, sức của để chiến thắng Covid-19.
Khẳng định bản lĩnh dân tộc
Trong tiềm thức của tôi về chiến tranh là vai ba lô, cha hành quân qua chiến trường, bom đạn, là tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, là những trận đánh, những chiến dịch, là chiến lược, sách lược trên mọi mặt trận để nhằm thu phục quân thù, là mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng ra đi hẹn ngày thống nhất sẽ trở về…
Cái ôm tạm biệt lên đường hẹn ngày chiến thắng giặc dịch.
Còn bây giờ, tôi đang chứng kiến cả dân tộc dắt tay nhau bước vào một cuộc chiến không có súng đạn, mà chỉ có những chuyến xe cứu thương và lũ virus chết chóc. Những ngày này, Hà Nội, TP.HCM, và nhiều tỉnh thành trên cả nước đang căng mình chống dịch, hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày đang là nỗi lo lắng và có phần gây hoang mang cho người dân trên khắp cả nước. Nhưng Việt Nam của tôi đã trải qua những thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc” mà không quật ngã được tinh thần và ý chí dân tộc thì bây giờ, trước kẻ thù giấu mặt, dù không giản đơn, dù là khốc liệt, nhưng với sức mạnh ý chí sẵn có trong mỗi người con đất Việt, tôi tin lần này cũng vậy, Việt Nam của tôi sẽ chiến thắng đại dịch.
Niềm tin đó của tôi hoàn toàn có cơ sở khi mà Đảng lãnh đạo, quân và dân trên dưới đồng lòng, với khẩu hiệu “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình, mỗi xóm làng là một pháo đài chống dịch”. Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ về phòng chống dịch như một lời hiệu triệu toàn dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Có thể thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài là một cách làm bất đắc dĩ của Chính phủ, bởi nước ta còn nghèo lắm, dân ta còn vất vả, nhưng nó lại lan toả tình đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc trong hoạn nạn đau thương.
Những chuyến xe nối đuôi nhau của hàng ngàn người tình nguyện chi viện cho miền Nam.
Tôi đã từng chứng kiến từng đoàn xe cứu trợ nối đuôi nhau chở lương thực, thuốc men cứu trợ đồng bào miền Trung - cái rốn lũ của hai đầu đất nước. Và lần này, những việc làm nghĩa tình đó lại hướng về miền Nam ruột thịt. Những ngày này, trên khắp nẻo Việt Nam, bên ngoài tâm dịch, ở đâu cũng gặp các bà, các chị, các mẹ, thậm chí là những đứa trẻ đã góp người cân gạo, mớ rau, người thùng mì, chục trứng hay những đồng tiền tiết kiệm để góp phần nhỏ bé của mình gửi cho đồng bào miền Nam, chia sẻ khó khăn trong cơn hoạn nạn. Những gói thực phẩm ân tình đến tay người phương Nam có thể không được nguyên vẹn do quá trình vận chuyển, nhưng gửi trọn ân tình của đồng bào cả nước hướng về miền Nam, tôi tin đó là tình ruột thịt thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam.
Tôi tin, Việt Nam của tôi sẽ vượt qua đại dịch, bởi tôi nhìn thấy giữa lằn ranh của bình yên và nguy hiểm, những đoàn y, bác sỹ, những cán bộ y tế, những sinh viên ngành Y đã tình nguyện đi vào tâm dịch. Họ đi vào cuộc chiến, quên ăn, quên ngủ, quên cả bản thân mình, thầm lặng từng ngày, từng giờ đồng hành, giành giật sự sống cho người bệnh. Giữa cuộc chiến thầm lặng đó, đã có hi sinh, đã có mất mát, nhưng bù lại, nhiều sinh mệnh đã được hồi sinh trong cuộc chiến này.
Các chốt kiểm soát an toàn của quân và dân trên những nẻo đường có dịch bệnh giữ an toàn cho nhân dân.
Việt Nam của tôi sẽ chiến thắng, bởi chúng tôi có những người lính, vai mang quân hàm, đội mũ ngôi sao, họ đi vào tâm dịch, đến với nhân dân thực hiện công việc của một người lính Cụ Hồ. Trên gác chắn, trên chốt dịch, các anh thức cho dân ngủ, bộ đội đi chợ đong gạo, mua rau, bộ đội chuyển lương thực thực phẩm đến từng ngõ, từng nhà với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” để toàn dân an lòng cùng cả nước vượt qua đại dịch.
Người lính Cụ Hồ sẵn sàng đi đến những nơi người dân cần những nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ nhân dân với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Và hơn thế nữa, tôi tin niềm tin chiến thắng, bởi chiến lược và sách lược của những người đứng đầu đất nước chúng tôi hợp lý, khoa học, nhân văn và chặt chẽ. Tôi đã thấy những người đứng đầu chính phủ, áo đẫm mồ hôi, xuống từng con hẻm để nghe, để nhìn, để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và những đôi mắt trũng sâu, quầng thâm đầy lo lắng của những vị lãnh đạo trước những diễn biến phức tạp vô thường của dịch bệnh…
Niềm tin đó được đền đáp bằng những chiến thắng ban đầu khi các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng đang giảm đi, các ca khỏi bệnh xuất viện ngày càng nhiều hơn, các khu cách ly, vùng phong toả ngày càng được chăm sóc và chu cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm để người dân không ai bị cảm thấy bị bỏ rơi và cô đơn trong dịch bệnh. Với tất cả sự nỗ lực của cả dân tộc, Việt Nam chúng tôi đang từng ngày đẩy lùi dịch bệnh bằng bản lĩnh, bằng ý chí, bằng tình yêu thương, đoàn kết và sẻ chia, bằng sự vào cuộc đồng bộ và đồng lòng.
Và một niềm tin chiến thắng là sự đoàn kết của toàn quân và dân để lá cờ đỏ sao vang kiêu hãnh tung bay trên trường Quốc tế.
Đó là Việt Nam của tôi - một Việt Nam luôn ngoan cường bền bỉ, hòa ái tự tôn. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh để một lần nữa chúng ta khẳng định tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với bạn bè Quốc tế, để lá cờ đỏ sao vàng vẫn kiêu hãnh giữa trời thu trong xanh như linh hồn Tổ quốc rọi vào trái tim mỗi người, tạo nên cốt hồn và bản lĩnh Việt Nam riêng có./.