VNHN - Từ thác Bản Giốc đi vào làng Khuổi Ky khoảng 2km trên đường vào động Ngườm Ngao. Ðây được xem như điểm nhấn văn hóa độc đáo nằm giữa 2 thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của Cao Bằng.
Quần thể làng Khuổi Ky thuộc xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng trải rộng khoảng 10.000m2, dựa lưng vào núi đá, phía trước là khoảng đất rộng chừng 2.000m2 để trồng cây lương thực và dòng suối Khuổi Ky chạy qua phía trước làm cho ngôi làng trở nên đẹp khá ấn tượng. Lối vào làng đi qua những con đường lát đá, kè đá hai bên; tường bao được làm bằng đá; nhà được xây bằng đá; móng được làm bằng đá hộc; chân tảng kê cột cũng được làm bằng đá và gia công lại; cuộc sống đồng bào dân tộc nơi đây cũng thân thiện với đá, sử dụng chất liệu đá như cối xay, bếp, đập nước…
Làng đá Khuổi Ky nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá và tục thờ thần đá độc đáo. Bà con đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức tường đá một cách kiên cố. Những ngôi nhà cũng được làm bằng đá, chắc chắn như một pháo đài. Làng đá Khuổi Ky có 14 mái nhà sàn nằm nép mình dưới chân núi, phía trước là dòng suối nhỏ ngày đêm róc rách như một bản nhạc nước vui tai. Những bức tường đá kiên cố được hình thành bởi những viên đá có nhiều kích cỡ được xếp lèn vào nhau, sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn cát; khi hoàn thành, độ dày bức tường có thể dày hơn 30cm, thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo độc đáo của đồng bào Tày.
Ðể dựng thành công một ngôi nhà, cần mất khoảng 2-3 năm. Người dân xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, đặt kèo, làm gác. Việc lên tầng cho ngôi nhà đá khó khăn ở chỗ, càng lên cao thì việc điều chỉnh độ chính xác càng phải tỷ mẩn hơn. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật thì sẽ khiến nhà đá bị siêu vẹo, dễ đổ. Chiều cao của nhà thường từ 7-8m. Giai đoạn cuối cùng trong việc dựng một ngôi nhà đá chính là lợp ngói âm dương. Loại ngói này sẽ giữ cho ngôi nhà đá mang đậm vẻ cổ kính. Nhà thường có ba gian chính, mỗi gian có một chức năng nhất định thuận tiện cho việc sinh hoạt; diện tích nhà tùy thuộc vào số người trong gia đình, nhiều người thì dựng nhà to cao, ít người thì dựng nhà nhỏ hơn.
Nhà sàn đối với người Tày ở Trùng Khánh là một miền thiêng. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà sàn đối với người Tày ở Trùng Khánh là một miền thiêng - nơi cất giữ những nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần truyền thống qua bao thế hệ. Đặc biệt, đồng bào Tày ở Trùng Khánh có tín ngưỡng thờ đá. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tới nay trong tâm thức người Tày “thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm. Nét đặc trưng có lẽ là do vị trí địa lý nằm trong khu vực có rất nhiều núi đá vôi nên đá chiếm một phần rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng nơi đây. Đá được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc. Nhà được xây bằng đá, vách đá, móng được làm bằng ...
Ðể bảo tồn, phục dựng lại làng đá Khuổi Ky, các cơ quan chức năng Cao Bằng phải mất rất nhiều thời gian để xếp đá, đến năm 2010 mới hoàn thành. Hiện nay, Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người.