24/12/2024 lúc 02:54 (GMT+7)
Breaking News

Khu vực tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

VNHN - Các hình thức tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân bao gồm: Tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; vay lại nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi qua hệ thống ngân hàng thương mại…

VNHN - Các hình thức tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân bao gồm: Tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; vay lại nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi qua hệ thống ngân hàng thương mại…

Đây là đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Dự thảo nêu rõ lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Vốn ODA viện trợ không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; phát triển y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng để chuẩn bị và thực hiện chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có khả năng tạo nguồn thu để phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội.

Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn.

Việc vay theo phương thức chỉ định nhà cung cấp, nhà thầu của nhà tài trợ nước ngoài áp dụng đối với: Khoản vay hỗ trợ giải quyết các vấn đề khẩn cấp về thiên tai, thảm họa, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an ninh năng lượng; Trường hợp chủ dự án chứng minh hàng hóa, thiết bị của nhà tài trợ nước ngoài có ưu thế vượt trội về công nghệ, giá cả; Các trường hợp cụ thể khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Khu vực tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Các hình thức tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân bao gồm: Tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong khuôn khổ hạn mức tín dụng cho vay đến tổ chức tài chính, tín dụng trong nước để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng.

Cùng với đó, tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; vay lại nguồn vốn ODA/VƯĐ qua hệ thống ngân hàng thương mại theo phương thức ngân hàng thương mại chịu rủi ro tín dụng; tham gia thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản.

Quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án được đề xuất như sau: Vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng và lựa chọn đề xuất chương trình, dự án; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án; đàm phán và ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; quản lý thực hiện chương trình, dự án; hoàn thành, chuyển giao kết quả thực hiện chương trình, dự án.

Công tác vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện thông qua đối thoại chính sách phát triển với các nhà tài trợ nước ngoài căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; Chỉ tiêu an toàn nợ công; Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm; Chương trình quản lý nợ công 03 năm; Định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và quy hoạch phát triển của cả nước, của Bộ, ngành, lĩnh vực và của địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ./.

Theo Văn phòng Chính phủ