VNHN - Khi đến với Tuyên Quang bạn không chỉ biết tới nơi đây là một vùng kháng chiến nơi mà năm xưa là vùng căn cứ địa chiến khu Việt Bắc, với cây đa Tân Trào, mà nơi đây còn biết đến vời những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp đã hút hồn bao du khách như khu du lịch lòng hồ Na Hang - Lâm Bình được ví như Hạ Long trên cạn.
Du khách chèo thuyền trên lòng hồ Na Hang - Lâm Bình
Nằm cách Thủ đô Hà Nội 255km, hồ Na Hang thuộc địa phận huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang là nơi hội tụ của dòng sông Năng và sông Gâm. Tên gọi Na Hang có nguồn gốc từ tiếng Tày – “Nà Hang” nghĩa là “ruộng cuối”. Hồ rộng hơn 8000ha được bao quanh bởi 99 ngọn núi trùng điệp mang những hình dáng khác nhau tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ.
Vào các tháng mùa mưa, nước hồ dâng cao cả một vùng nước trải rộng mênh mông giữa thiên nhiên, các thác nước cũng chảy siết hơn như mời gọi những người lữ hành ưa thích khám phá đến chinh phục. Còn vào mùa khô, mặt hồ êm ả, mực nước rút xuống để lộ ra những cù lao đất đỏ và những hang động đá vôi nằm sâu trong lòng núi với núi đá và nhiều hang động tuyệt đẹp.
Hệ sinh thái hồ liên kết giữa hai Huyện Na Hang và Lâm Bình đã trở thành một vùng hồ rộng lớn với nhiều cảnh quan đẹp. Nhằm phát triển du lịch, thu hút đầu tư 2 huyện đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển tập trung vào các xã Nang Khả, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên và khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang. Nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng Homestay, khuyến khích phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch .
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Na Hang, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn: Xây dựng và vận hành quảng bá về thế mạnh và tiềm năng của địa phương duy trì, cập nhật thường xuyên chuyên mục “Du lịch” trên Cổng thông tin điện tử của huyện và fanpage “Du lịch Na Hang , Tuyên Quang”; đăng tải các video clip quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube; tham gia các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh tạo ấn tượng tốt đối với du khách , với phương châm thân thiện cởi mở và hiếu khách.
Thác Mơ
Là một huyện của tỉnh Tuyên Quang, Na Hang được đánh giá rất có tiềm năng về phát triển kinh tế. Đây là một trong những địa điểm du lịch đang có rất nhiều bước đột phá khác nhau. Hiện nay, Na Hang đã và đang được đầu tư, xúc tiến và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Từ các thế mạnh của địa phương về nông nghiệp như khai thác những sản vật và tiềm năng sẵn có, cây trái ăn quả mang thương hiệu được đưa vào trong chương trình mục tiêu hành động thi đua phát triển kinh tế của địa phương, như chè San tuyết, Cam, Bưởi đã từng bước xây dựng được thương hiệu.
Na Hang - Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên phong phú đa dạng với những hồ nước lớn, quanh hồ là những dãy núi đá vôi trùng điệp đan xen những khu rừng nguyên sinh, thung lũng rộng lớn cùng hệ thống hang động kỳ vĩ. Bạn có thể khám phá những khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú và nhiều loại động, thực vật quý.
Trên địa bàn của huyện Na Hang - Lâm Bình có 10 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng tạo nên một bức tranh văn hóa thật sinh động làm đắm say lòng người khám phá. Na Hang - Lâm Bình có những cánh đồng lúa xanh mướt xen kẽ với núi đá vôi, những khu rừng nguyên sinh phong cảnh hữu tình như một bức tranh cổ tích giữa đại ngàn. Đến với nơi đây chúng ta được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ diệu của dòng sông, dòng sông mang vẻ đẹp nên thơ, mặt hồ phẳng lặng, kỳ bí như những dảy lụa màu xanh mềm mại uốn lượn quanh các triền núi lung linh huyền ảo pha lẫn vào nắng chiều hoang vu tráng lệ.
Du khách hòa mình cùng dòng nước hiền hòa tại hang, thác Khuổi Súng ở Lâm Bình
Chia sẻ về phương hướng phát triển du lịch của huyện trong thời gian tới, ông Tô Viết Hiệp ,quyền Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, "địa phương xác định mục tiêu về du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục huy động nguồn lực, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng thiết yếu vào các điểm du lịch có tiềm năng phát triển, ưu tiên khu vực lòng hồ thủy điện, các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh và một số điểm du lịch khác trên địa bàn huyện".
"Đồng thời, huyện phát triển các sản phẩm thủ công nghiệp, nghề truyền thống, sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản là đặc sản của địa phương, có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế và du lịch: Sản phẩm rượu ngô men lá chất lượng cao huyện Na Hang, thuốc tắm của người Dao đỏ, rau Giảo cổ lam... Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giữ gìn không gian cảnh quan, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; tăng cường thông tin, quảng bá hình ảnh về miền đất, văn hóa, con người Na Hang; phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng...", ông Tô Viết Hiệp nói.
Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch đến đầu tư, phát triển du lịch của chính quyền các địa phương nơi đây cùng tham gia đầu tư là một điểm sáng để địa phương tạo nên một diện mạo mới cả về tiềm năng phát triển kinh tế, chính trị trong thời kì đổi mới. Sự hứa hẹn của các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong và ngoài nước tìm đến Na Hang để khảo sát là điểm sáng phát triển trong tương lai của địa phương. /.