Đền Bảo Hà xưa vốn chỉ là cái miếu nhỏ sơ sài nằm bên bờ sông Hồng, được nhân dân dựng nên thờ tự Tướng công Hoàng Bảy. Chỉ đến năm 1991, sau khi tách tỉnh Lào Cai, Đền Bảo Hà nằm trong tổng thể đầu tư phát triển kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh, Đền mới được chú ý, khôi phục, đầu tư tôn tạo và bắt đầu thu hút khách thập phương.
Đền Ông Hoàng Bảy thuộc địa bàn xã Bảo Hà - huyện Bảo Yên - Lào Cai.
Vậy Tướng công Hoàng Bảy là ai? Tại sao Tướng công được nhân dân các dân tộc ở Bảo Hà dựng đền và mấy trăm năm qua hương khói tôn thờ không đứt đoạn ? Đây cũng là vấn đề vẫn còn có những bí ẩn, cần nghiên cứu và tìm hiểu thêm.
Theo truyền thuyết được nhiều sách báo ghi lại và lưu truyền trong dân gian thì giữa niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786), giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc các vùng đất sâu trong nội địa Lão Nhai, trong đó có vùng Bảo Hà. Trước cảnh đau thương tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, Tướng công Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tập hợp các thổ ty, tù trưởng, luyện tập binh sỹ, sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lão Nhai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay). Lần ấy, quân giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Vàng Pẹt đưa quân sang xâm chiếm bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Trong một trận chiến đấu không cân sức, Danh tướng Hoàng Bảy bị giặc bắt, chúng đã tra khảo hành hạ dã man nhưng ông vẫn một lòng kiên trung quyết không đầu hàng, cuối cùng chúng đã sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông. Nhưng kì lạ thay, thi thể của ông trôi dọc sông Hồng đến đoạn Bảo Hà thì dừng lại, nhân dân trong vùng phát hiện thấy đã vớt lên an táng và lập đền thờ tại đây. Một điều kì lạ nữa là khi ông bị giặc sát hại thì trời bỗng chuyển gió mây vần vũ kết lại thành hình thần mã, từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang phi lên thân ngựa đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Sau này khi hiển linh, ông được các Thần giao quyền cho trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, ông luôn linh hiển trong việc bảo vệ bờ cõi, luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu… Từ công đức và sự linh thiêng của ông, hai triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc – Ông Hoàng Bảy Bảo Hà”; còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao trong vùng thì tôn thờ ông là vị Nhân thần.
Ngày 05 tháng 11 năm 1997 Đền thờ Tướng công Hoàng Bảy tại Bảo Hà chính thức được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia; từ đó Khu văn hóa tâm linh có bề dày lịch sử, nổi tiếng linh thiêng này luôn được đầu tư, tôn tạo và Khu Di tích mang lại nguồn thu lớn và tụ hội lòng người bốn phương và nhân dân các dân tộc trong vùng.
Đền thờ Tướng công Hoàng Bảy tại Bảo Hà được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Nhận thức rõ tiềm năng và lợi thế của Khu Di tích Đền Bảo Hà cùng các di tích lịch sử, tâm linh quanh khu vực, đồng thời để tạo đà cho sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của cả khu vực cửa ngõ phía Đông tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng Khu Đô thị du lịch Tâm linh Bảo Hà – Tân An với diện tích gần ba ngàn héc ta; trong đó xã Bảo Hà nằm trong quy hoạch 110 ha, trong đó có 30 ha quy hoạch khu vực Đền Bảo Hà, 80 ha quy hoạch phát triển đô thị khu vực trung tâm.
Đồng chí Nguyễn Anh Chuyên – Bí thư huyện ủy huyện Bảo Yên, Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bảo Hà nhiệm kỳ 2015 – 2020, cho biết: Hiện nay công tác quy hoạch phát triển đô thị của xã gắn liền với khu du lịch tâm linh Bảo Hà, kết nối với tuyến Quốc lộ 279, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đi các huyện, các tỉnh lân cận đã được hoàn thành. Bảo Hà đã và đang thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Để đáp ứng tốt các chức năng, nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới, Đền Bảo Hà sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp, kiến thiết các công trình tâm linh, dịch vụ, phụ trợ và hướng đến trở thành một trung tâm du lịch tâm linh của vùng với quy mô từ 100 – 300ha...
Cụ thể hơn, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên giới thiệu kỹ với chúng tôi những công trình cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025, Đề án số 04 về phát triển mạng lưới đô thị Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 của Tỉnh uỷ Lào Cai. Đó là Khu Đô thị mới Bảo Hà có diện tích 42 ha, với tổng mức đầu tư 708 tỷ VNĐ và 17 dự án khác, như các dự án đường tỉnh lộ 161 kết nối từ Phố Mới – Lào Cai đi Văn Yên – Yên Bái, trong đó có hơn 10 cây số đi qua Bảo Hà, công trình xây dựng kè sông Hồng bảo vệ khu trung tâm xã, Kè bảo vệ và mở rộng Khu Di tích Đền Bảo Hà, Kè bảo vệ và tạo ra khu dân cư Liên Hà – Bùn, các tuyến đường cây 3 cây 4, dự án đường kết nối khu dân cư, 6 dự án đường giao thông nông thôn trong đó có 3 cầu, 3 tuyến đường… Phải nói là Bảo Hà nói riêng và Bảo Yên nói chung đang là một đại công trường trong thời kỳ mới, thời kỳ phát triển mạnh mẽ của địa phương.
Chúng tôi chia tay Bảo Hà trong niềm vui của người đoán định được tương lai tốt đẹp của miền đất giầu tiềm năng. Rồi đây, khi Cảng Hàng không Sa Pa đặt tại đất Cam Cọn (Bảo Yên) được xây dựng và đi vào họat động, sẽ kết nối với các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông để tạo ra trục giao thông quan trọng nối Bảo Hà với Hà Gaing, Tuyên Quang ở phía Đông, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La ở phía Tây, mở ra cho cả khu vực cửa ngõ phía Đông của tỉnh một tiền đồ phát triển rộng lớn.
Bảo Hà có tiềm năng lớn về bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển du lịch, kinh tế. Khi Bảo Hà thành đô thị sẽ khác với các đô thị khác, bởi nó được khai thác độc lập, đồi núi, rừng cây, ruộng đồng, làng bản các dân tộc cùng với những phong tục và nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ mở ra hướng du lịch cộng đồng kết hợp với tâm linh, văn hóa khá đậm đặc; quy hoạch đô thị Bảo Hà gắn với quy hoạch thêm hai xã của Văn Bàn là Tân An – Tân Thượng, cùng với hai xã của Bảo Yên là Cam Cọn, Xuân Thượng Bảo Hà sẽ thành khu đô thị cửa ngõ rất lớn của tỉnh Lào Cai. Chủ trương xây dựng phát triển đưa Bảo Hà đạt đô thi loại IV đã được phê duyệt là điều kiện thuận lợi để Bảo Hà sớm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện, của tỉnh, đặc biệt là phát triển Khu Di tích thờ Tướng công Hoàng Bảy trở thành Trung tân văn hóa tâm linh Miền Tây Bắc đất nước./.