22/01/2025 lúc 13:44 (GMT+7)
Breaking News

Không ngừng hoàn thiện chính sách đối ngoại thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong hội nhập quốc tế

Công tác đối ngoại ngày càng trở nên quan trọng, trực tiếp tác động tới quá trình phát triển mọi mặt của đất nước. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng hoạt động ngoại giao, bao gồm cả ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao nhân dân. Và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…

Kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Gắn kết chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích; xử lý linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc và các khuôn khổ hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân…  

Mục tiêu của công tác đối ngoại cũng được xác định rõ: Lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc. Mở rộng đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế  để tạo thêm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; kết hợp nội lực với các nguồn lực từ bên ngoài tạo thành nguồn lực tổng hợp để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; phát huy vai trò và nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 14-12-2021) do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, đối ngoại ngày nay không chỉ là sự tiếp nối của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về công tác đối ngoại, một số chủ trương, chính sách lớn về mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập đã và đang được nước ta thực hiện; bao gồm:

Thứ nhất, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Trên thực tế, càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam càng có địa vị bình đẳng với các thành viên khác khi tham gia vào việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn; có điều kiện thuận lợi để đấu tranh bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam trong các cuộc tranh chấp thương mại với các nước khác, hạn chế được những thiệt hại trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình phù hợp. Đây là vấn đề cần thiết để công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng đạt được những kết quả tích cực nhất. Cần xác định được lộ trình hội nhập từng bước, phù hợp, dần mở cửa thị trường theo một lộ trình hợp lý. Trong quá trình đó, cần bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế phù hợp với các nguyên tắc, quy định của WTO nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; đa dạng hóa các hình thức sở hữu, phát triển kinh tế nhiều thành phần; thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường…  

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực  của bộ máy nhà nước. Cần loại bỏ nhanh các thủ tục hành chính không còn phù hợp; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm và kiểm tra, giám sát; thực hiện công khai, minh bạch mọi chính sách, cơ chế quản lý.

Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở đó, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; điều chỉnh quy hoạch phát triển, nhanh chóng có biện pháp nâng cao sức cạnh tranh của một số sản phẩm.

Thứ năm, giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường trong quá trình hội nhập. Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; xây dựng cơ chế kiểm soát và chế tài quản lý sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không lành mạnh để không phương hại đến sự phát triển đất nước; kết hợp hài hòa giữa giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến trong quá trình giao lưu với các nền văn hóa bên ngoài.

Thứ sáu, xây dựng và vận hành có hiệu quả mạng lưới an sinh xã hội như giáo dục, bảo hiểm, y tế…

Thứ bảy, giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh trong quá trình hội nhập.

Thứ tám, phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động đối ngoại.

Thứ chín, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. 

Những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại

Trải qua 37 năm (1986 - 2023) thực hiện đường lối mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể là: Phá thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan; Mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng; Tham gia các tổ chức quốc tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng về nâng tầm đối ngoại đa phương, các hoạt động trong lĩnh vực này tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả, thể hiện trách nhiệm quốc tế, tạo được vị thế mới, tâm thế mới của Việt Nam. Nổi bật là việc Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm kỳ hai năm là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020 - 2021), được bầu vào một số cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc, như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO); thể hiện vai trò chủ động, tích cực trong việc cùng các nước ASEAN duy trì đoàn kết, nâng cao tính tự cường, giải quyết các vấn đề phức tạp mới đặt ra, xây dựng tầm nhìn mới, phát triển quan hệ với các đối tác, nâng cao vai trò của Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA); phát huy vai trò của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cơ chế hợp tác Mê Công.

Sự phát triển tích cực trong quan hệ song phương, đa phương đã tạo điều kiện thuận lợi triển khai công tác ngoại giao kinh tế nhằm tham mưu chính sách, xây dựng mới các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương hoặc đa phương, tranh thủ huy động các nguồn lực quốc tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tranh thủ sự hỗ trợ quan trọng của cộng đồng quốc tế về tri thức, kinh nghiệm, thuốc men, trang thiết bị y tế trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, đồng thời có những đóng góp với các nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại được triển khai tích cực, hiệu quả, cùng với những nỗ lực định hướng kịp thời, có chất lượng về thông tin, đấu tranh với những thông tin sai trái và đổi mới phương thức thông tin trong hoạt động đối ngoại.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tế triển khai công tác đối ngoại cũng cho thấy một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục, như cần bảo đảm tốt hơn sự kịp thời, khả năng phát hiện, đánh giá xu thế, diễn biến mới và kiến nghị, đề xuất trong công tác nghiên cứu, tham mưu; tranh thủ tốt hơn các quan hệ đối ngoại song phương và đa phương; đổi mới phương thức quan hệ đảng, đối ngoại nhân dân; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Liên quan vấn đề này, phát biểu tại phiên toàn thể Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra một số điểm còn hạn chế của ngoại giao kinh tế, như công tác thu thập tình hình có nơi còn chưa kịp thời, phản ứng chính sách còn bị động; thực hiện ngoại giao kinh tế vẫn chưa thành hệ thống, còn manh mún, chia cắt, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

Một số vấn đề đặt ra trong công tác đối ngoại của Việt Nam

Trong quá trình thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, đã bộc lộ một số hạn chế cần nghiên cứu, khắc phục sau đây:

Một là, trong quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, Việt Nam chưa xây dựng được quan hệ lợi ích đan xen, tùy thuộc lẫn nhau với các nước.

Hai là, có một số chủ trương, cơ chế, chính sách chậm được đổi mới so với yêu cầu mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc thực hiện các cam kết của các tổ chức kinh tế quốc tế.

Ba là, chưa hình thành được một kế hoạch tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế và một lộ trình hợp lý cho việc thực hiện các cam kết.

Bốn là, doanh nghiệp Việt Nam hầu hết quy mô nhỏ, yếu về quản lý và công nghệ; trang thiết bị lạc hậu; kết cấu hạ tầng và các ngành dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất - kinh doanh kém phát triển và có chi phí cao hơn các nước khác trong khu vực.

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; khắc phục những hạn chế, bất cập đã chỉ ra sau 10 năm thực hiện Chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, ngày 15/6/2023 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 57-KL/TW “về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”, nêu rõ quan điểm, mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó nhấn mạnh 04 điểm mới, bao gồm: Quan điểm chỉ đạo; Mục tiêu; Phương châm của công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn tới: “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”; Nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

Vậy để khắc phục những bất cập nêu trên trong công tác đối ngoại, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và Nhà nước quản lý thống nhất công tác đối ngoại; phối hợp chặt chẽ giữa 3 trụ cột gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Hai là, đề ra các phương hướng, biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đưa quan hệ với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng thực sự đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.

Ba là, xác định và đề ra biện pháp đóng góp tích cực hơn thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, để hội nhập quốc tế thật sự tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường tiềm lực, sức mạnh tổng thể của quốc gia, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để đổi mới toàn diện đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Bốn là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ quốc phòng - an ninh - đối ngoại trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa./.

Ths Phạm Văn Vân

...