23/01/2025 lúc 03:02 (GMT+7)
Breaking News

Không để lỡ nhịp tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Thị trường quý IV/2021 mang đến nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản, nhất là vào thời điểm Noel ở các quốc gia phương Tây và Tết cổ truyền Trung Quốc. Hơn nữa, tại các nước châu Âu hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp chọn nhập khẩu nông sản Việt Nam thay vì chỉ nhập khẩu của Thái Lan, Nam Mỹ hay châu Phi như trước đó.

Mới đây, trong cuộc hội thảo trực tuyến "Bức tranh kinh tế Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý IV/2021 và triển vọng năm 2022", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Thị trường quý IV/2021 mang đến nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản, nhất là vào thời điểm Noel ở các quốc gia phương Tây và Tết cổ truyền Trung Quốc. Hơn nữa, tại các nước châu Âu hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp chọn nhập khẩu nông sản Việt Nam thay vì chỉ nhập khẩu của Thái Lan, Nam Mỹ hay châu Phi như trước đó.

Theo Tổng cục Thống kê, tính riêng quý III/2021, trong khi GDP cả nước ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020 và sụt giảm ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, thì khu vực nông, lâm, thủy sản vẫn đạt mức tăng 1,04%. Với kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm 2021, góp phần quan trọng giữ vững tăng trưởng toàn ngành.

Ảnh minh họa

Vượt khó trong đại dịch

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ, chín tháng đầu năm 2021, cả nước có 90,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong quý III/2021, có tới 90% số doanh nghiệp đăng ký phải tạm ngừng hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp. Các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất thông qua thực hiện "ba tại chỗ" cũng chỉ hoạt động được từ 5 - 10% công suất với chi phí rất cao.

Trong bối cảnh đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chín tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, là nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành, với vai trò quan trọng của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho biết: Thời gian qua, DOVECO cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, nhất là trong khâu thu mua và vận chuyển nguyên liệu trong nước do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đồng thời, chi phí xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu liên tiếp lập đỉnh mới với mức tăng phi mã so với trước dịch Covid-19 đã gia tăng áp lực tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, đến thời điểm này, việc chế biến, xuất khẩu trái cây của DOVECO vẫn được duy trì khá ổn định. Các sản phẩm của DOVECO được xuất khẩu đi 55 quốc gia, tập trung chủ yếu vào các thị trường như: Mỹ, Hà Lan, Israel, Đức và Nhật Bản.

Chính vì thế, ngay cả trong điều kiện dịch Covid-19, nhiều sản phẩm của Công ty vẫn xuất khẩu đều đặn. Thậm chí, có những sản phẩm còn thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ xuất khẩu, như sản phẩm từ chanh leo của Việt Nam, hiện chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu của thế giới. Ngoài ra, công ty còn cần một lượng lớn các loại hoa quả như xoài Đài Loan, xoài keo, bơ… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Điều đó cho thấy chúng ta còn nhiều dư địa khai thác ở thị trường xuất khẩu.

Là một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với dự báo về khả năng phục hồi khá chậm, ngành thủy sản đang đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ. Trước những thách thức đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vừa tìm kiếm vừa chuyển hướng thị trường để bắt kịp nhu cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ: "Đối với ngành hàng tôm, hiện việc xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu gặp vô vàn khó khăn về vấn đề logistics dẫn đến rất ít khả năng tiếp cận kịp cơ hội tiêu dùng dịp Giáng sinh, nên chúng tôi quyết định chuyển trọng tâm sang các thị trường châu Á với thời gian vận chuyển ngắn, linh hoạt hơn. Đồng thời đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu cho bà con để giúp phục hồi sớm chuỗi cung ứng, hy vọng sớm nhất là đầu năm 2022 khôi phục lại được việc cung cấp đơn hàng cho các thị trường lớn như Mỹ, EU".

Tận dụng thời cơ tăng tốc

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), dự báo ngay trong năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi nhanh chóng.

Đây chính là cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của các ngành kinh tế Việt Nam, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh. Dự kiến, cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt 44 tỷ USD, đồng nghĩa với việc quý IV/2021, con số kim ngạch phải đạt là khoảng 8,5 tỷ USD. Muốn vậy, doanh nghiệp phải thực sự tận dụng được thời cơ tăng tốc trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thời điểm mở cửa lại cũng là thời điểm doanh nghiệp phải "chiến đấu" với muôn vàn khó khăn sau một thời gian dài "ngủ đông", như: thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi... Chính vì vậy, cũng như nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng kinh tế khác, ngay lúc này, doanh nghiệp nông nghiệp cần nhận được sự trợ lực từ Chính phủ về các chính sách hỗ trợ như: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động... Để từ đó, tiếp sức cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản đang gặp khó khăn, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sức bật của các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.

Về lâu dài, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Dù chín tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng 2,74%, nhưng những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vừa qua đòi hỏi phải tập trung cao độ triển khai những giải pháp cấp bách nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng toàn ngành năm 2021 là 2,5 đến 2,8%; trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Theo đó, trong lĩnh vực này sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế như tổ chức các hội thảo, diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường; hỗ trợ thông tin về các hiệp định thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; Hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn sang các thị trường EU, Anh, Nhật Bản... Riêng đối với thị trường truyền thống Trung Quốc, sẽ tập trung hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thực hiện việc đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 về lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022; hướng dẫn đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc theo quy định mới về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản. Về phía địa phương, đây cũng là thời điểm rất cần vai trò của các tỉnh, thành phố trong tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ và có chất lượng nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ xuất khẩu.