24/11/2024 lúc 01:55 (GMT+7)
Breaking News

Không có mạng xã hội riêng, thông tin về Việt Nam sẽ bị lưu trữ ở nước ngoài

VNHN - Sáng 15-8, trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về việc xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đó là điều cần thiết để phân tán các thông tin về người Việt đang được lưu trữ bởi các mạng xã hội nước ngoài, không để “não” của người Việt Nam ở nước ngoài.

VNHN - Sáng 15-8, trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về việc xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đó là điều cần thiết để phân tán các thông tin về người Việt đang được lưu trữ bởi các mạng xã hội nước ngoài, không để “não” của người Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 15-8.

Mở đầu phiên chất vấn tại phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu một số vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội thời gian gần đây như lợi dụng môi trường mạng để chống phá Nhà nước, chế độ; kêu gọi, kích động người dân biểu tình, bạo loạn; phát tán thông tin sai sự thật, vu khống, bịa đặt; đánh bạc, lừa đảo... Nhấn mạnh xu hướng ngày càng gia tăng của thực trạng này, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trình bày các giải pháp đột pháp nhằm quản lý, xử lý những diễn biến phức tạp của mạng xã hội; tiến trình xây dựng mạng xã hội chất lượng nhằm thay thế các trang mạng xã hội nước ngoài ở Việt Nam hiện nay; biện pháp chấm dứt hoàn toàn tình trạng "sim rác".

Về quản lý thông tin trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua Bộ TT và TT đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm: Giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, bây giờ chúng ta nhìn thấy và có tác động điều chỉnh, các tin tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%.

Câu chuyện nan giải thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là đấu tranh với các trang mạng nước ngoài, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp. Thời gian qua, Bộ TT và TT đã rất tích cực đấu tranh với các trang mạng nước ngoài. Cụ thể, với Facebook trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền là 70 - 80%. Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây 60%, bây giờ là 80 - 85%. Apple thì trước không thực hiện, bây giờ gần như thực hiện 75% các yêu cầu…

Về vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam, Bộ trưởng lý giải, nếu như Việt Nam không có mạng của chính mình thì tất cả những gì chúng ta đọc, mua, bán thì đều lưu trữ ở nước ngoài. “Nói vui là não người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ trưởng so sánh.

“Do đó, chúng ta đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước, để mạng xã hội trong nước có lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài, để “não” người Việt Nam phân tán đều, không có bất kỳ nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu thuê bao, trong một năm tăng trưởng khoảng 30%. Các mạng xã hội cộng lại là khoảng 90 triệu. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay của mạng xã hội nước ta, Bộ trưởng kỳ vọng, “trong khoảng năm 2020 - 2021 chúng ta sẽ đạt tỷ lệ 50 - 50”.

Liên quan đến “sim rác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là câu chuyện lớn, xảy ra nhiều năm, và trong những năm qua, chúng ta đã cắt bỏ sim không đủ thông tin, nhưng giờ vẫn còn lượng sim lớn đang nằm trên các kênh bán lẻ.

Từ nay đến tháng 9, các cơ quan truyền thông sẽ tập trung giải quyết chuyện sim rác bằng cách các nhà mạng mua lại. Giải pháp mới cho chuyện sim rác là giao trách nhiệm trực tiếp đến tổng giám đốc công ty viễn thông. Nếu như còn tồn tại sim rác trên các nhà mạng, nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới, như dịch vụ mobile money.