11/01/2025 lúc 05:59 (GMT+7)
Breaking News

Khơi dòng sức mạnh trí thức trẻ trong chuyển đổi số

Với sự tham gia của 177 đại biểu chính thức và 70 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV-năm 2021 đã thể hiện rõ nét tinh thần sẵn sàng cống hiến sức trẻ, trí lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. 

Với sự tham gia của 177 đại biểu chính thức và 70 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV-năm 2021 đã thể hiện rõ nét tinh thần sẵn sàng cống hiến sức trẻ, trí lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. 

Tham gia Diễn đàn với “hành trang” là quyền tác giả, đồng tác giả của hơn 150 công trình khoa học trong, ngoài nước và đặc biệt là năm giống lúa cấp quốc gia, TS Chu Đức Hà (Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: Dịch bệnh đã lấy đi thế mạnh vốn có của Diễn đàn là sự kết nối mang tính tập trung.

Đại biểu Đinh Ngọc Thạnh - GS tập sự, khoa Công nghệ thông tin, ĐH Soongsil, Hà Quốc; Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019, tham dự Diễn đàn theo phương thức trực tuyến. Anh Thạnh trình bày báo cáo đề dẫn nội dung chủ đề ba tại Diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng

Trí thức trẻ hiến kế

Nhưng bù vào đó, Ban tổ chức đã sáng tạo, triển khai hàng trăm diễn đàn nhánh, hội thảo tiền Diễn đàn… giúp các đại biểu cùng “ngồi lại”, giải quyết những bài toán chung về công cuộc chuyển đổi số ở nước ta.

2_IMG_6512-1639395350401.jpg

Dù còn trẻ, nhưng TS Chu Đức Hà lại có bề dày thành tích trong nghiên cứu khoa học với hàng trăm công trình. 

TS Chu Đức Hà lần đầu góp mặt tại Diễn đàn với tham luận “Hỗ trợ số hóa nền nông nghiệp hướng đến nông nghiệp thông minh”, được nhiều ý kiến đánh giá cao. “Nếu kết hợp nông nghiệp với công nghệ, rất nhiều công đoạn có thể đẩy nhanh tiến độ, nâng cao năng suất một cách bất ngờ”, anh Hà chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

“Điển hình như việc đếm sâu bệnh hại trên cây trồng mà bà con nông dân thường phải làm thủ công. Chỉ cần sử dụng vài cảm biến công nghệ IoT (internet vạn vật) hay điện toán đám mây, việc này sẽ trở nên vô cùng nhanh chóng, ngoài ra còn có thể thu thập nhiều thông tin như loại sâu, thời gian xuất hiện, điều kiện môi trường… để đưa ra các dự báo, cảnh báo hữu ích cho nhà nông”, TS Chu Đức Hà giải thích.

Có cùng những nhận định về số hóa nông nghiệp, đại biểu Trần Tuyên, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaul Undong (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), gợi mở: Ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp cần thiết, cấp thiết để kích cầu, phát triển du lịch nông thôn, góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội và công cuộc chuyển đổi số. Theo đó, du lịch nông thôn ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhưng tốc độ phát triển chưa cao, độ “phủ sóng” thấp.

“Với các công nghệ thực tế ảo, dữ liệu lớn hay IoT, hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn sẽ phong phú hơn nhiều, nhất là trong truyền tải các giá trị nhân văn, trải nghiệm, cảm xúc… qua những câu chuyện chân thật, giàu bản sắc địa phương”, anh Trần Tuyên chia sẻ.

PGS, TS Đinh Ngọc Thạnh, Giáo sư tập sự Khoa Công nghệ thông tin (Trường đại học Soongsil, Hàn Quốc), nêu ý kiến: Các công nghệ chuyển đổi số có giá trị sử dụng ngày càng cao nhưng vòng đời lại ngày càng ngắn. Trong khi đó, quy trình rót vốn từ những quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện còn vướng mắc, phức tạp. Vì vậy, thời gian tới, việc thẩm định, bảo hộ các sáng chế trong lĩnh vực chuyển đổi số cần được rút gọn tối đa.

“Chính phủ cần đưa thêm những chính sách nhạy bén, thông thoáng hơn nhằm tạo đột phá trong các chương trình khung thử nghiệm sandbox đối với công nghệ blockchain, fintech, UAV, IoTs… Đồng thời, xây dựng chuẩn quốc gia thống nhất về chuyển đổi số, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu và triển khai theo một phương pháp, lộ trình, vừa dễ chệch hướng, vừa lãng phí. Như vậy, các startup mới có thêm cơ hội đi nhanh, “sống sót” thay vì chờ đợi rồi “chết yểu”, PGS, TS Định Ngọc Thạnh nói.

Chiều sâu chuyên môn, độ mở lớn

Trong số các tham luận, khuyến nghị, dự án tham gia thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đối số quốc gia tại Diễn đàn, còn rất nhiều ý kiến mang tính thời sự, phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội nước ta hiện nay.

Tiêu biểu, có thể kể đến các tham luận: “Từng bước hướng đến áp dụng liệu pháp y học chính xác cá thể hóa trong điều trị bệnh nhân ung thư máu nói riêng và các bệnh ung thư khác nói chung tại Việt Nam” của TS Lê Bắc Việt (Trường đại học Temple, Hoa Kỳ); “Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp bán lẻ ở Việt Nam” của TS Trần Xuân Quỳnh (Trường đại học Côte d’Azur, Pháp)…

3_IMG_7952-1639395350823.JPG

 TS Chử Đức Hoàng (Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ) Trưởng nhóm chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo” của Diễn đàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, TS Chử Đức Hoàng (Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ), Trưởng nhóm chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo” của Diễn đàn, đánh giá: các ý kiến của đại biểu thật sự phong phú, mang tính thực tiễn cao và “ăn khớp” với những chính sách, điều kiện sẵn có ở Việt Nam.

Trải đều trên nhiều lĩnh vực như: Quang học, vật lý, công nghệ gien, xử lý chủng virus, nông nghiệp công nghệ cao… những đề xuất của các đại biểu đều ngắn gọn, xúc tích, gắn chặt với hai hướng đi chủ đạo là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ hiện đại trong chuyển đổi số.

Cũng theo TS Chử Đức Hoàng, công tác lựa chọn đại biểu năm nay được triển khai kỹ lưỡng, tỉ mỉ hơn so nhiều kỳ Diễn đàn anh từng tham gia. Sau mỗi phiên tham luận, các trưởng nhóm sẽ tổng hợp, “nâng cấp” các ý kiến đại biểu thành những đề tài phổ quát hơn. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã tăng số lượng hoạt động bên lề, tạo độ mở để đại biểu kết nối vượt mọi khoảng cách địa lý.

4_IMG_7965-1639395350135.JPG

Thạc sĩ Kim Ngọc Thanh Nga (Trung Tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trưởng Nhóm chủ đề “Ứng dụng và chuyển giao” của Diễn đàn. 

Thạc sĩ Kim Ngọc Thanh Nga (Trung Tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trưởng Nhóm chủ đề “Ứng dụng và chuyển giao” của Diễn đàn, khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở lớn, phát triển nhanh trên thế giới với nhiều hiệp định thương mại tự do. Công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân cũng như các cơ quan quản lý.

“Các đại biểu đã đề xuất những hướng đi cụ thể như công cụ số hỗ trợ tiếp cận giáo dục, y tế toàn dân, công nghệ số trong dịch vụ công, quản lý tiết kiệm, phát triển năng lượng tái tạo… gắn với kỳ vọng vào vận hội lớn của nước nhà, nhất là khi Việt Nam đang có tới 30 nghìn doanh nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông cùng 40 nghìn sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này. Quan trọng hơn cả, đường lối phát triển công nghệ đã được Đảng, Nhà nước ta định hướng với tầm nhìn dài hạn dựa trên cả hai yếu tố nhanh và bền vững”, chị Kim Ngọc Thanh Nga cho biết.

Chuyển đổi số và chuyển đổi tư duy

Trong công cuộc chuyển đổi số, quãng đường từ ý tưởng đến sản phẩm cũng phải rút gọn và bảo đảm nhanh chóng, thông thoáng. Vì vậy, phương pháp tư duy, vận hành truyền thống cũng cần được thay đổi phù hợp dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo.

Những ý kiến từ Diễn đàn Trí thức trẻ toàn cầu lần thứ IV đã cho thấy sự cần thiết về đẩy mạnh cải cách thể chế, khung pháp lý để công nghệ số được ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống; xem xét cơ chế thử nghiệm công nghệ mới (sandbox); triển khai các chương trình, hoạt động bài bản, thống nhất nhằm nâng cao nhận thức toàn dân về chuyển đổi số, công dân số.

Cùng với đó là việc dần cho phép huy động, sử dụng đa dạng vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo; nghiên cứu điều chỉnh những yêu cầu, quy định về sở hữu trí tuệ và an ninh thông tin phù hợp với các mô hình kinh doanh, dữ liệu mới khi thúc đẩy chuyển đổi số.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần đặt ra lộ trình, kế hoạch cụ thể cho công tác tổ chức, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông; tìm kiếm một biểu mẫu chung về hỗ trợ, quản lý và khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn có thông qua các chương trình, hoạt động thu hút trí thức trẻ về Việt Nam lao động, nghiên cứu, thể hiện tài năng.

PGS, TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Tổng Thư ký Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, cho hay: Diễn đàn đã đề ra Chương trình hành động năm 2022 gồm năm nội dung chính, gồm: Củng cố, phát triển Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu theo hướng liên vùng, liên ngành; nâng cao năng lực phát triển các dự án khoa học công nghệ theo hướng tập trung vào năng lực quản lý và lãnh đạo; gắn kết trí thức trẻ với cơ sở nghiên cứu, đào tạo; mở rộng kết nối với các đối tác; đẩy mạnh công tác chuyển giao tri thức.