25/11/2024 lúc 18:40 (GMT+7)
Breaking News

Khởi động “Lễ hội mùa thu của huyện Bát Xát năm 2022”

Từ ngày 1/7, “Lễ hội mùa thu của huyện Bát Xát năm 2022” chính thức khởi động với hàng loạt sự kiện nổi bật.
Khai mạc “Lễ hội Khu Già Già” tại trung tâm chợ Y Tý. Ảnh: Quang Phấn.

Sau hơn 2 năm “ngủ đông” vì đại dịch COVID-19, thực hiện Đề án số 05/ĐA-HU ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 – 2025”, huyện Bát Xát (Lào Cai) tổ chức chuỗi các hoạt động “Lễ hội mùa thu của huyện Bát Xát năm 2022”.

Theo đó, từ ngày 1 đến 3/7, UBND huyện Bát Xát phối hợp với Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lào Cai tổ chức gặp mặt các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ của Trung Ương, tỉnh; đồng thời đi thực tế các di tích, danh lam thắng cảnh của huyện như: Quang Kim, Trịnh Tường, A Mú Sung, Y Tý, Dền Sáng, Mường Hum, Nậm Pung, Sàng Ma Sáo và Trung Lèng Hồ.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt các nhạc sĩ tham gia Trại sáng tác ca khúc về Bát Xát. Ảnh: Quang Phấn.

Từ ngày 2 đến 4/7, “Lễ hội Khu Già Già” diễn ra tại các thôn bản người Hà Nhì. “Lễ hội Khu Già Già” hay còn gọi là lễ hội cầu mùa, thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ Thần Nông, Thần Rừng, Thần Nước và Thần Đất của người Hà Nhì. Tất cả các nghi lễ đều có mối quan hệ tối cao là “tôn thờ thần tự nhiên”, mong nhận được sự che chở để cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Lễ hội được tổ chức vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 âm lịch. Vào thời điểm này, cây lúa, ngô và một số cây hoa màu đang bước vào thời kỳ sinh trưởng nên thời tiết là yếu tố quyết định sự bội thu.

Trò chơi đẩy gậy diễn ra sau lễ khai mạc “Lễ hội Khu Già Già”. Ảnh: Quang Phấn.

“Lễ hội Khu Già Già” là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Hà Nhì, đây là một nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào dân tộc vùng núi cao gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014.

Người Hà Nhì mổ trâu để làm lễ cầu mùa. Ảnh: Chu Che Xá.

Bên cạnh đó, ngày 3/7, “Lễ hội trải nghiệm thu hoạch Lê Tai nung” diễn ra tại xã Nậm Pung. Ngoài cuộc thi thu hoạch và thưởng thức lê ngay tại vườn dành cho du khách, lễ hội còn có nhiều hoạt động khác như giao lưu văn nghệ giữa các xã: Mường Hum, Trung Lèng Hồ, Sàng Ma Sáo, Dền Thàng, Nậm Pung; trò chơi dân gian (kéo co, đi cà kheo, đẩy gậy, nhảy que của dân tộc Hà Nhì).

 “Lễ hội trải nghiệm thu hoạch Lê Tai nung” góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa và tiêu thụ sản nông sản cho người dân, đồng thời quảng bá giới thiệu sản phẩm Lê VH6 đạt chuẩn OCOP tới đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện.

Cuộc thi thu hoạch và thưởng thức Lê Tai nung tại thôn Kin Chu Pìn 2. Ảnh: Quang Phấn.

Dự kiến, từ ngày 13 đến 14/7, tại xã Bản Vược, Dền Thàng, Mường Hum và Sàng Ma Sáo diễn ra hoạt động “Trình diễn kỹ năng lái xe Bán tải địa hình, Dù lượn, SUP, Camping”. Tiếp đó, ngày 27/7, lễ khai mạc “Lễ hội mùa Thu – Sức hút Đại ngàn” được tổ chức tại xã Y Tý. Ngay sau lễ khai mạc, ngày 28/7, tại thôn Phìn Hồ (Y Tý) “Giải leo núi chinh phục Lảo Thẩn lần thứ V, năm 2022” được tổ chức. Du khách sẽ có cơ hội “vượt lên chính mình” để chinh phục nóc nhà Y Tý ở độ cao 2.860m. Cuối cùng, Giải chạy Marathon Trịnh Tường – Lũng Pô với chủ đề “Về Thượng nguồn Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” sẽ diễn ra vào 10/9 tại xã A Mú Sung.

Ngoài kế thừa thành quả qua các kỳ lễ hội, “Lễ hội mùa thu của huyện Bát Xát năm 2022” còn có những điểm mới góp phần làm phong phú thêm các hoạt động nhằm tôn vinh quảng bá cảnh sắc thiên nhiên, nét văn hóa đặc thù; tăng sức hút của điểm đến, góp phần phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế xã hội của địa phương./.

An Nhiên