18/01/2025 lúc 15:46 (GMT+7)
Breaking News

Khởi đầu một hành trình nhân ái

VNHN - “Tôi tin tưởng rằng, Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo sẽ không chỉ dừng lại một ngày mà đó là điểm khởi đầu cho một hành trình nhân ái được tổ chức thường xuyên với tình yêu thương noi gương Đức Phật - Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa được lan tỏa”.

VNHN - “Tôi tin tưởng rằng, Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo sẽ không chỉ dừng lại một ngày mà đó là điểm khởi đầu cho một hành trình nhân ái được tổ chức thường xuyên với tình yêu thương noi gương Đức Phật - Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa được lan tỏa”.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Ngày hội "Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo". Ảnh VGP/Lê Sơn

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ điều này khi tới dự và phát biểu tại Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo, tổ chức sáng 4/8 tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội).

Ngày hội do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 4/8.

Tham dự có các chư tôn đức lãnh đạo, giảng sư, gần 500 tăng ni sinh Học viện và đông đảo Phật tử nhất tâm hoan hỉ tham gia chương trình có ý nghĩa sâu sắc về Đạo pháp và nhân văn.

Phát biểu tại ngày hội, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là hoạt động thiết thực nhằm thể hiện tình cảm, hạnh từ bi của Chư tôn đức lãnh đạo, tăng, ni sinh và Phật tử qua việc tham gia hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo để chữa bệnh, cứu người tại Học viện Phật giáo Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của máu trong y khoa, sự cần thiết để sẵn sàng dữ trữ cho thảm họa, an ninh, quốc phòng và các hoạt động cứu chữa bệnh hằng ngày.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhắc tới thực tế một lượng người cần được cấp phép mô, tạng ngày càng gia tăng, trở thành nhu cầu thực tế hiện hữu. Hàng nghìn người đang mỏi mòn chờ ghép tạng nhưng rất ít người trong số họ có cơ may đó vì số người hiến rất khan hiếm.

"Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo" sẽ khởi đầu cho một hành trình nhân ái được tổ chức thường xuyên với tinh thần noi gương Đức Phật - Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa. Ảnh VGP/Lê Sơn

“Hiến mô, tạng là việc làm nhân đạo và khoa học đích thực. Cứu giúp người bằng cách đăng ký hiến mô, tạng là một việc làm đầy nhân văn”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh và cho biết, công tác vận động hiến mô tạng thời gian qua đã có bước tiến triển mạnh, năm 2014 mới vận động hơn 200 người đăng ký, đến hết năm 2018 đạt hơn 19 nghìn người.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo tiếp tục duy trì và nhân rộng hoạt động có ý nghĩa ở tất cả các cơ sở Phật giáo.

“Tôi tin tưởng rằng, Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo sẽ không chỉ dừng lại một ngày mà đó là điểm khởi đầu cho một hành trình nhân ái được tổ chức thường xuyên với tình yêu thương noi gương Đức Phật - Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, Phó Thủ tướng Thường bày tỏ.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, dù khoa học đã có những tiến bộ vĩ đại nhưng mỗi ngày chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh đau lòng, vì không đủ máu hay những bộ phận của cơ thể người để kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu để giành lại sự sống cho bệnh nhân hay nạn nhân.

Vì vậy, ngày hội "Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo” không chỉ dừng lại một ngày mà đó là điểm khởi đầu cho một tinh thần nhân ái sẽ được tổ chức hằng năm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục kêu gọi và lan tỏa tinh thần này tại các cơ sở Phật giáo trên cả nước./.