VNHN - Tỷ lệ nghèo đa chiều (theo chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam) giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016, như vậy khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo. Song khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững số 1 (SDG1).
Đây là một trong những nội dung chính của Báo cáo đầu tiên phân tích sâu về nghèo đa chiều ở Việt Nam: "Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người", do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam công bố sáng 19/12, tại Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo
Báo cáo khẳng định những tiến bộ ấn tượng của Việt Nam trong việc thực hiện SDG1-tỷ lệ nghèo cùng cực giảm mạnh từ 49,2% năm 1992 xuống còn 2% năm 2016.
Trong số 17 SDGs mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030, SDG1 về giảm nghèo có khả năng đạt được cao nhất. Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc về chỉ số SDG năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017.
Nhận thức được vai trò của các yếu tố khác ngoài thu nhập đối với chất lượng cuộc sống của người dân, năm 2015 Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều. Đây là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ đo lường nghèo thu nhập sang đo lường đa chiều.
Điều này đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc áp dụng cách tiếp cận nghèo đa chiều trong quá trình thực hiện SDG1.
Bà Caitlin Wiesen, quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Trong phát biểu khai mạc, bà Caitlin Wiesen, quyền đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam ca ngợi tiến bộ Việt Nam đạt được trong giảm nghèo là "thành công ở tầm thế giới".
Theo bà, Việt Nam đạt được thành công được công nhận rộng rãi trên toàn cầu này nhờ tăng trưởng bao trùm, giúp tạo việc làm cho người dân; tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản và các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống.
Mặc dù vậy, nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Khoảng cách nghèo đói tính theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục và tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu 2012-2016.
Báo cáo cũng cho thấy các hộ nghèo đa chiều có người khuyết tật được tiếp cận ít hơn với cơ hội giáo dục và việc làm so với mức trung bình của cả nước.
Bà Wiesen nêu một số khuyến nghị để có thể giảm bớt khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc. Ngoài việc mở rộng dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát, năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số cần được tăng cường, cùng với tiếp cận tài chính, ươm mầm khởi nghiệp và thị trường./.