19/01/2025 lúc 14:28 (GMT+7)
Breaking News

Khoa học xã hội Việt Nam với sự phát triển đất nước

VNHN - Ở nước ta, nền khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XX trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam mà tổ chức tiền thân là “Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học” trong thành phần của “Ủy ban Khoa học Nhà nước” được thành lập ngày 2 tháng 12 năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc. 

VNHN - Ở nước ta, nền khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XX trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam mà tổ chức tiền thân là “Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học” trong thành phần của “Ủy ban Khoa học Nhà nước” được thành lập ngày 2 tháng 12 năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc. 

Tuy nhiên, nền KHXH Việt Nam lúc đó đã trực tiếp được thừa hưởng trình độ rất cao của KHXH và nhân văn của một số Trung tâm khoa học châu Âu  và quan trọng hơn, được kế tục trí tuệ uyên bác, thâm thúy và tài hoa của cha ông qua lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Với các chức năng cơ bản là nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tư vấn - phản biện chính sách, trải qua gần 70 năm, nền Khoa học xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ở giai đoạn nào, KHXH cũng đều có những đóp góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. 


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội dự, chủ trì và lắng nghe ý kiến góp ý về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 - Ảnh: nguồn: chinhphu.vn

Về nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, KHXH Việt Nam đã nghiên cứu và công bố các công trình rất công phu và có giá trị về Lịch sử dân tộc và sự hình thành nhà nước tập quyền Việt Nam; về nền văn minh sông Hồng và thời đại vua Hùng; về văn hóa Chămpa, văn hóa Phù Nam và Ốc eo; về làng xã Việt và cộng đồng các dân tộc Việt; về Folklore và bản sắc văn hóa Việt Nam; về tôn giáo, chữ Quốc ngữ và giao lưu văn hóa; về các cuộc cải cách và cách mạng trong lịch sử dân tộc; về chế độ chính trị và sự phế hưng của của các triều đại Phong kiến Việt Nam; về chế độ thực dân Pháp và Mỹ; về ý thức cộng đồng và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; về kinh tế Mỹ và cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam; về đường mòn Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mỹ; về chiến tranh du kích, chiến tranh hiện đại và nghệ thuật kết thúc chiến tranh; về các cuộc chiến tranh vùng biên giới Tây nam và phía Bắc; về con người, văn hóa và đất nước học của các quốc gia; về tăng trưởng, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội; về dân chủ và phát triển; về tình trạng đói nghèo, an sinh xã hội và công bằng xã hội; về lạm phát, khủng hoảng và sự nghiệp đổi mới; về “Khoán 10”, nông nghiệp và công nghiệp hóa; về kinh tế thị trường và sự phân bổ các nguồn lực; về sự thành công và thất bại của các quốc gia; về kinh nghiệm “hóa rồng” ở Đông Á và Đông Nam Á; về bạn, thù và hội nhập, mở cửa; về địa chính trị biên giới và biển đảo; về luật pháp quốc tế, các định chế quốc tế và quyền con người; về chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ; về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh…

Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bằng những nguồn tư liệu lịch sử - văn hóa quý giá cùng với những thông tin quốc tế tin cậy, KHXH đã cung cấp cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước những căn cứ khoa học về tình huống đất nước và bối cảnh quốc tế - khu vực… để xác định chiến lược tiến hành chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước. Một số nhà KHXH (công khai và ẩn danh) còn trực tiếp tham gia hoạch định chiến lược, tham mưu các quyết định, đàm phán quốc tế, soạn thảo các văn bản quan trọng và có mặt tại các thời điểm then chốt của các cuộc kháng chiến. Tất cả các sự kiện lớn của đất nước gần một thế kỷ qua đều có sự tham gia trực tiếp của nhiều nhà khoa học cùng với những tư tưởng, quan điểm sáng suốt về KHXH.

Về chủ quyền lãnh thổ và biển đảo quốc gia, từ rất sớm, KHXH đã chú trọng lưu giữ và bảo vệ những tư liệu Hán Nôm của các triều đại phong kiến Việt Nam, những dữ liệu kinh tế - chính trị - xã hội của các chính quyền Pháp thuộc… từ đó cung cấp các căn cứ khoa học quý giá xác định chủ quyền đất nước. KHXH có đầy đủ căn cứ khoa học lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền và cương vực đất nước trong suốt chiều dài lịch sử.

Giai đoạn khủng hoảng kinh tế xã hội những năm 80 (thế kỷ XX) và những năm Đổi mới sau đó, KHXH Việt Nam đã kiên trì khẳng định những kết luận quan trọng về văn hóa, con người và tiến bộ xã hội, tạo nền tảng đổi mới tư duy và cơ sở lý luận đột phá trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bắt đầu từ KHXH, những lý luận mới và hợp lý về kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản xuất hiện. Kinh tế thị trường với các đòn bẩy kinh tế hiện đại dần được coi là nhân tố nội tại để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quan niệm về bóc lột, về kinh tế tư nhân, về kinh tế nhà nước, về sở hữu khác trước căn bản. Các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội được xác định lại. Thời kỳ quá độ được quan niệm hoàn toàn mới. Đổi mới chính trị trong quan hệ với đổi mới kinh tế được nhận thức sâu sắc hơn. Vai trò của văn hóa, của nhân tố con người và các nguồn lực khác được cập nhật với quan niệm tiến bộ nhất. Quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa được mang những nội dung mới. Về kinh tế tri thức, về sức mạnh mềm và về vai trò của khoa học, giáo dục trong sự phát triển kinh tế xã hội... được tiếp thu, điều chỉnh rất kịp thời.

Thực chất là KHXH đã làm thay đổi phương thức phát triển đất nước - từ chỗ cứng nhắc, sách vở, chủ quan, giáo điều… sang phương thức mới, mềm dẻo hơn, thực tế hơn, năng động hơn - giải phóng được các nguồn lực nội sinh, sử dụng được ngoại lực, tiếp thu được sức mạnh và tinh hoa văn hóa, văn minh bên ngoài, gần gũi hơn với xu hướng và chuẩn mực của cộng đồng thế giới. Ngày nay nhìn lại, đó thực sự là những chuyển biến có ý nghĩa cách mạng đối với sự phát triển. Tất cả những chuyển biến đó đều bắt đầu không thể từ đâu khác ngoài những “cú hích” từ phía KHXH.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tham gia và là thành viên tích cực của hơn 70 định chế quốc tế; có quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước; được hơn 70 nước công nhận là Việt Nam có nền kinh tế thị trường; tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục khoảng 5-7%/năm… 

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia nghèo đói, chậm phát triển đã trở thành một nước có GDP trung bình, với quy mô nền kinh tế năm 2018 là 244,489 tỷ USD đứng thứ 40 trên thế giới và dự trữ ngoại hối năm 2019 đạt 68 tỷ USD . Kinh tế hiện tăng trưởng khá nhanh và vẫn có dấu hiệu “hóa hổ”. 

Việt Nam là một trong số ít nước có tiến bộ rõ rệt và liên tục về chỉ số phát triển con người kể từ khi UNDP công bố chỉ số HDI năm 1990 đến nay. Xu hướng chỉ số phát triển con người cao hơn chỉ số kinh tế vẫn được giữ vững suốt 20 năm qua và vẫn đang tiếp tục, mặc dù chỉ số kinh tế vẫn được cải thiện. Tuổi thọ bình quân khá cao không thua kém các nước có chỉ số HDI cao và vẫn tiếp tục tăng. Chỉ số giáo dục khá cao vẫn được giữ vững và vẫn có tiến bộ, mặc dù nền giáo dục có không ít hạn chế. An sinh xã hội có nhiều điểm tốt và đang có xu hướng tích cực.

Điều Việt Nam gây ấn tượng với cộng đồng thế giới là thành tích về xóa đói giảm nghèo. Vào năm 1993, Việt Nam có hơn một nửa dân số đói nghèo - 58,1%. Đến nay (số liệu 2018) người nghèo đã giảm xuống đến mức chỉ còn 5,35%, tức là trong ba thập kỷ qua, khoảng hơn 40 triệu người đã được xóa đói giảm nghèo. Việt Nam về đích sớm hơn cam kết với Liên Hợp Quốc về thực hiện mục tiêu Thiên Niên Kỷ (MDG) 10 năm, được cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh .

Theo WB, 70% dân số Việt Nam hiện được phân loại là an toàn về kinh tế, bao gồm 13% hiện đã có trình độ kinh tế thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu. Kể từ năm 2014, trung bình mỗi năm 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Xu hướng thịnh vượng ngày càng tăng ở Việt Nam, đối với thế giới là đặc biệt rõ .

Hơn thế nữa, Việt Nam hiện có hơn 60% người sử dụng Internet với 60 triệu người dùng Facebook, 45 triệu người dùng Youtube, 40 triệu sử dụng Zalo; Google chiếm tới 95,27% thị phần tìm kiếm. Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về cộng đồng mạng - một số liệu được coi là “kỳ vọng và đáng ghen tỵ” của rất nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả một số nước giàu có và phát triển . 

Hiện thời, đời sống chính trị - xã hội Việt Nam ổn định và có nhiều mặt tiến bộ khó phủ nhận. Đời sống văn hóa trên thực tế đã khác xa so với trước kia và có không ít điểm sáng, được thế giới ca ngợi. Đời sống cá nhân của đại bộ phận cư dân cũng cải thiện tương đối nhanh. Cuộc chiến chống tham nhũng và làm sạch xã hội ba năm gần đây có kết quả rất ấn tượng, lấy lại được niềm tin của dân. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một quan trọng hơn.

Việt Nam chắc chắn không thể có được bước phát triển và diện mạo như ngày nay, nếu xã hội vẫn giữ những quan niệm cũ gắn liền với thái độ cũ về kinh tế tư bản tư nhân, về đặc trưng của CNXH, về sự bóc lột và lao động làm thuê, về văn hóa và truyền thống, về tôn giáo và tâm linh, về con người và giải phóng các nguồn lực…, tức là về KHXH.

Trong thực tế, từ ngày đầu đổi mới, bằng cách đi đặc thù của mình, KHXH Việt Nam đã tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, mở đường cho một phương thức phát triển mới xuất hiện và định hình - từ một phương thức phát triển chủ quan, giáo điều và kém hiệu quả, đất nước đã chuyển sang một phương thức phát triển mới năng động, tích cực và hiệu quả... Thay đổi phương thức phát triển là sự thay đổi có tính chất cách mạng, trên thực tế đã làm chuyển cả một xã hội sang một bước ngoặt phát triển có tính lịch sử. Điều này không nằm trong ý muốn chủ quan của nhiều người. KHXH Việt Nam đã đi con đường đặc thù của mình để thâm nhập vào đời sống, con đường không bằng phẳng, không giản đơn, không dễ nhận biết hiệu quả theo lối trực tiếp và tức thì. 

Những kết quả này, đã tác động mạnh và làm thay đổi con người và xã hội Việt Nam hiện đại. Đó cũng chính là tác động lớn nhất mà gần 70 năm qua, KHXH đã tạo nền tảng tinh thần để đẩy lùi khủng hoảng, làm cho đất nước tăng trưởng nhanh trong nhiều năm liền, đạt tới mức thu nhập trung bình và đạt được nhiều thành tựu đáng kể khác, tạo nên “Điều kỳ diệu lớn” (The Great Miracles ) cho đất nước.

Đánh giá về KHXH nước nhà, Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Trong những năm qua, KHXH và nhân văn đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam” . Đây là đánh giá khẳng định vai trò to lớn và quan trọng của KHXH đối với đất nước và đối với sự phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử đó, nhiều vấn đề về xã hội và con người, về văn hóa và đạo đức, về kinh tế và chính trị, về pháp luật và kỷ cương… đã xuất hiện thâm chí ở mức nghiêm trọng, ít nhiều làm thui chột tiềm năng, gây cản trở đối với sự phát triển đất nước. 

Như văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ, đạo đức, lối sống xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều vùng còn nghèo nàn, đơn điệu. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền và giữa các tầng lớp cư dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn nhiều biểu hiện thiếu lành mạnh. Tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm vẫn gia tăng. Tệ tham nhũng lãng phí vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá ở nhiều nơi vẫn thiếu khoa học và kém hiệu quả. Biểu hiện thương mại hóa xuất hiện trong hầu hết các phương tiện truyền thông. Việc định hướng dư luận để xây dựng con người không được chú ý đúng mức. Tình trạng dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ. Quản lý phát triển xã hội, nhất là ở phạm vi liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực… chưa tốt, kém đồng bộ. Đói nghèo cục bộ, tái nghèo và phân hóa giàu nghèo vẫn còn. Quản lý phát triển xã hội bền vững kém hiệu quả và chưa có sự thống nhất ở cấp vĩ mô về quản lý phát triển bền vững. Luật pháp yếu, chưa đồng bộ và thực thi chưa nghiêm. Hệ thống văn bản pháp lý về phát triển nói chung và phát triển vùng, ngành, địa phương… thiếu, yếu và chồng chéo. 

Quản lý phát triển nói chung vẫn đang ở mức chưa đáp ứng được nhu cầu, làm lãng phí tiềm năng, gây thêm những vấn đề xã hội không đáng có. 

Với KHXH, đây là những vấn đề thuộc về thể chế, cơ chế và trình độ quản lý - nhân tố quan trọng bậc nhất quyết định sự phát triển. Do vậy, dù khung lý thuyết để giải quyết vấn đề đã được kiểm chứng, dù kinh nghiệm, mô hình thực tế đã đủ phong phú, và dù người đứng đầu có tâm huyết và quyết tâm rất cao…, thì cơ chế vẫn có thể làm sai lệch, thậm chí làm hỏng những ý đồ tốt đẹp. 

Tại Đại hội XII của Đảng, từ khía cạnh KHXH, Đảng ta đã chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm sâu sắc được tổng kết khi đất nước đạt được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” sau 30 năm Đổi mới. Đó bài học về “sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; bài học về việc không được phép lãng quên quan điểm “dân là gốc”; bài học về thái độ “tôn trọng quy luật khách quan”, về “quan điểm thực tiễn”; bài học về “lợi ích dân tộc - quốc gia”, và bài học về “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược” . Văn kiện đại hội XII nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” .

Đây là nhiệm vụ nặng nề thuộc sứ mệnh quang vinh của nền KHXH và nhân văn Việt Nam. Cũng là nhiệm vụ mà giới KHXH qua đó thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Làm thế nào để trong mọi tình huống, KHXH đều là chỗ dựa tinh thần tin cậy, trang bị sức mạnh tư tưởng và văn hóa, cung cấp luận cứ khoa học sắc bén để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời lại không thua kém trình độ hiện đại của các nước ASEAN và có một số ngành đạt đến trình độ cao hơn. 

Với Việt Nam, từ hơn hai ngàn năm nay, nhu cầu tồn tại và phát triển đất nước lúc nào cũng đòi hỏi phải được dựng xây, đấu tranh và phát triển bằng hành trang đầu tiên là trí tuệ Việt Nam, văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam. Không hề ngẫu nhiên, sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, trong số các dân tộc Bách Việt, lý do để Việt Nam không bị đồng hóa trước hết là thuộc về văn hóa và con người. Trong tất cả các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Việt Nam luôn chiến thắng dù kẻ thù lúc nào cũng mạnh hơn gấp nhiều lần. Đó là sức mạnh to lớn và thiêng liêng của dân tộc mà KHXH có sứ mệnh giải mã, kế thừa và phát huy.

Trong lịch sử các vương triều Phong kiến, ở thời nào Việt Nam cũng có những đại diện tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam, có thể sánh ngang với các học giả phương Bắc và lân bang.

Thời Pháp thuộc, KHXH Việt Nam đã kịp hình thành đội ngũ các chí sỹ, các trí thức Tây học, mà người Nhật đầu thế kỷ XX không tiếc lời khen ngợi.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều trí thức Việt Nam từ phương Tây và từ đô thành đã lên chiến khu, đi theo cách mạng, dùng KHXH làm vũ khí để giành độc lập dân tộc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, KHXH đã động viên được toàn dân chiến đấu hy sinh để thống nhất đất nước, cảm hóa được cộng đồng quốc tế bằng lẽ phải và lương tri Việt Nam.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tỏ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc cuối những năm 1970, KHXH và bản thân một số nhà KHXH đã trực tiếp tham gia vào các diễn biến của lịch sử. 

Từ khi công cuộc Đổi mới được thực hiện đến nay, với tâm huyết vì dân vì nước cháy bỏng của mình, các nhà KHXH Việt Nam bằng nhiều phương thức chính danh và không chính danh, đã góp ý, tư vấn, kiến nghị, phản biện và không ít trường hợp đã trực tiếp tham gia hoạch định chính sách. Nhiều nhà hoạt động chính trị - xã hội có trách nhiệm cao của đất nước, trên thực tế cũng chính là những nhà KHXH có uy tín.

Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, bên cạnh những thuận lợi lớn và những cơ hội mới đang mở ra cho Việt Nam nhiều khả năng bứt phá để tiến nhanh và bền vững đến thịnh vượng và phát triển, thì những tình huống không kém phần cam go đối với sự phát triển đất nước và và đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc lại xuất hiện. Và một lần nữa, trách nhiệm của KHXH đối với đất nước lại được đánh thức và được thể hiện.

Trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, KHXH đã lưu giữ, bảo vệ và luận chứng được những căn cứ lịch sử và pháp lý tin cậy chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa - Biển Đông, khơi dậy và phát huy tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, thu hút được sự đồng tình của dư luận quốc tế bảo vệ luật pháp, tôn trọng lẽ phải, sự công bằng và chính nghĩa của Việt Nam.

So với trước đây, nền KHXH Việt Nam hiện đã đi được những bước rất dài trong việc làm rõ lịch sử dân tộc, khẳng định độc lập và chủ quyền quốc gia, xác định các giá trị và bản sắc văn hóa, luận giải các thành tựu văn minh và trí tuệ người Việt… 

Bằng sự vững vàng trong nghiên cứu cơ bản, sắc bén trong nghiên cứu triển khai và chuyên nghiệp trong nghiên cứu định lượng, nền KHXH Việt Nam, dù còn nhiều hạn chế, nhưng đã đủ trình độ để gánh vác trọng trách lớn lao là cung cấp luận cứ tin cậy cho việc hoạch định chủ trương, đường lối xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong đợi./.

GS,TS. Nguyễn Quang Thuấn

 Nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.