19/12/2024 lúc 21:11 (GMT+7)
Breaking News

Khoa học công nghệ dẫn đường cho phát triển bền vững đất nước

Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được coi là cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Trong chặng đường 40 năm (26/3/1983 – 26/3/2023) xây dựng và phát triển, bằng trí tuệ, niềm say mê… đội ngũ trí thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã đoàn kết, không ngừng nỗ lực, phát huy cao độ tinh thần lao động sáng tạo đưa các hoạt động, công trình nghiên cứu KH&CN góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Nhân dịp này, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có những chia sẻ với PV Tạp chí Truyền thống và Phát triển bức tranh tổng thể về những dấu ấn trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp.
PV: Thưa ông, chặng đường 40 năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã có những bước chuyển mình ra sao?
TSKH. Phan Xuân Dũng: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Đảng lãnh đạo. Được thành lập ngày 26 tháng 3 năm 1983, trong 40 năm qua, với 8 kỳ Đại hội, Liên hiệp Hội Việt Nam đã có những bước phát triển lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt vai trò, chức năng tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN người Việt Nam ở trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42 ngày 16/4/2010, Liên hiệp Hội Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Tính đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp được 156 hội thành viên gồm: 63 Liên hiệp hội địa phương và 93 Hội ngành toàn quốc. Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố tiếp tục được củng cố, kiện toàn; quy mô và cơ cấu tổ chức của các Hội ngành toàn quốc không ngừng được mở rộng (cùng với hội, tổng hội còn có các hiệp hội tham gia là hội thành viên). Hệ thống tổ chức KH&CN trực thuộc được Đoàn Chủ tịch thành lập cũng tăng lên mạnh mẽ tới gần 600 đơn vị. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam có 3 đơn vị trực thuộc là: Nhà xuất bản Tri thức; Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec; Báo Tri thức và Cuộc sống. Toàn hệ thống đã thu hút, tập hợp được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó, có 2,2 triệu trí thức.
Hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng, 53 đảng đoàn Liên hiệp hội địa phương đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, 1 Đảng đoàn Hội ngành toàn quốc (tăng 5 Đảng đoàn Liên hiệp hội địa phương so với năm 2015). Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam có 58 chi bộ trực thuộc với gần 800 đảng viên (tăng 6 chi bộ so với năm 2015); phần lớn các Liên hiệp hội địa phương đều có các tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy địa phương. Công đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam có 17 tổ chức công đoàn trực thuộc với trên 1.000 công đoàn viên. Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam trực thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan Trung ương có 11 chi đoàn trực thuộc.
Tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương mang tính hệ thống chính trị - xã hội 2 cấp và phần lớn các Liên hiệp hội địa phương đã sử dụng chung Điều lệ Liên hiệp Hội Việt Nam khi thực hiện Quyết định số 1795-QĐ/TTg ngày 21/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Mối quan hệ của các tổ chức trong hệ thống ngày càng được củng cố, đặc biệt mối quan hệ phối hợp và liên kết vùng giữa các Liên hiệp hội địa phương và giữa các hội thành viên ở Trung ương và địa phương ngày càng được tăng cường. Cán bộ cơ quan Liên hiêp Hội ở Trung ương và địa phương được củng cố theo hướng tinh gọn, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hoạt động hội từng bước được định hướng theo một chương trình thống nhất, có tính hệ thống. Nhiều hội thành viên đã thành lập một số loại hình tổ chức mới phù hợp để thực hiện công tác vận động, thu hút, động viên, khuyến khích trí thức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng và phát triển đất nước.
Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng chú trọng, tăng cường công tác củng cố tổ chức, quản lý báo chí, xuất bản nhằm chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, hội viên; phổ biến kiến thức KH&CN, giới thiệu các thành tựu hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đối với xã hội. Hiện nay, trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có 1 nhà xuất bản, 1 cơ quan báo là Báo Tri thức và Cuộc sống và 69 tạp chí trực thuộc các Hội ngành toàn quốc và các Viện nghiên cứu.
Nhìn chung, tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phát triển, mở rộng địa bàn, phạm vi, lĩnh vực hoạt động. Số hội thành viên, đơn vị KH&CN, tổ chức đảng đoàn, chi bộ, đảng viên tham gia Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng tăng lên. Điều đó khẳng định, Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội ngày càng có uy tín đối với trí thức KH&CN.
PV: Với vai trò, vị thế quan trọng như vậy, ông có thể đánh giá khái quát về những kết quả nổi bật, những thành tựu quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam đã đạt được trong chặng đường vừa qua?
TSKH. Phan Xuân Dũng: Trong suốt chặng đường đã qua, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các Nghị quyết của Liên hiệp Hội Việt Nam và đạt được những kết quả tích cực. Công tác tập hợp, đoàn kết trí thức được đổi mới, công tác chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ trí thức KH&CN được quan tâm hơn, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trong nước. Vị thế, vai trò chính trị - xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương được tiếp tục khẳng định; hệ thống 2 cấp của Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương ngày được củng cố và hoàn thiện; hầu hết các Liên hiệp hội địa phương sử dụng chung Điều lệ Liên hiệp Hội Việt Nam; việc thành lập đảng đoàn của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương được quy định cụ thể trong Quy định thi hành điều lệ Đảng.
Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đề cao công tác chính trị - tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng và trí thức; tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú trọng thực hành dân chủ, phát huy tinh thần yêu nước, tính sáng tạo và tính tích cực xã hội trong công tác tập hợp, đoàn kết trí thức thông qua các hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc, góp phần ổn định tình hình trí thức, giữ vững an ninh chính trị; chỉ đạo các hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam ở trung ương và địa phương có nhiều đổi mới; tập hợp thêm được nhiều hội thành viên và thành lập thêm được nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc; số lượng trí thức tham gia hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng đông đảo; triển khai được nhiều hoạt động tư vấn phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phổ biến kiến thức, bảo vệ môi trường (BVMT), phát triển cộng đồng, thúc đẩy các phong trào sáng tạo, tôn vinh trí thức, hợp tác quốc tế về KH&CN, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; uy tín và vị thế của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng được nâng cao trong hệ thống chính trị, trong xã hội và với các tổ chức quốc tế.
Tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương từng bước củng cố, phát triển; số hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc tăng lên đáng kể, thu hút được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó, có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức; 15% Liên hiệp hội tỉnh, thành phố có đại diện lãnh đạo chủ chốt tham gia Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Nội dung và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú; hoạt động tôn vinh trí KH&CN tiêu biểu được Liên hiệp Hội Việt Nam khởi xướng và lan tỏa tới nhiều hội thành viên; Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức được triển khai thường xuyên góp phần tạo môi trường mới để thu hút nhiều trí thức bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến quan trọng trong việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Công tác tập hợp, đoàn kết trí thức được đổi mới, công tác chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ trí thức KH&CN được quan tâm hơn, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trong nước. Vị thế, vai trò chính trị - xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương được tiếp tục khẳng định; hệ thống 2 cấp của Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương ngày được củng cố và hoàn thiện; việc thành lập đảng đoàn của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương được quy định cụ thể trong Quy định thi hành điều lệ Đảng.
Nhiều chương trình thỏa thuận hợp tác giữa Liên hiệp Hội Việt Nam với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, trường đại học, tập đoàn được ký kết, tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương, các hội ngành thành viên, các tổ chức KH&CN triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn theo các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, truyền thông và phổ biến kiến thức, thúc đẩy các phong trào sáng tạo kỹ thuật và hợp tác quốc tế, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có được những kết quả nêu trên là do sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, đồng thời có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp, hỗ trợ từ phía các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương.
PV: Cùng với những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được, đâu là những khó khăn mà Liên hiệp Hội Việt Nam đã và đang đối mặt, thưa ông?
TSKH. Phan Xuân Dũng: Trong giai đoạn vừa qua, Liên hiệp Hội Việt Nam có một số khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động như: Địa vị pháp lý của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương là tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ. Mặc dù, Liên hiệp Hội Việt Nam được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ khẳng định là tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa đầy đủ các chủ trương trên thành các cơ chế, chính sách đối với Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương như các tổ chức chính trị - xã hội khác còn chậm được ban hành; thiếu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ Trung ương về công tác tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, các hoạt động đối với Liên hiệp hội địa phương; công tác quản lý, hỗ trợ cơ quan báo chí, xuất bản và tổ chức KH&CN chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của các hội ngành thành viên và tổ chức trực thuộc còn khó khăn. Các hội ngành thành viên, các tổ chức KH&CN ngoài công lập ít có cơ hội tiếp cận với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước; nhiều kết quả hoạt động và thành tựu của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương, các hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc chưa được xã hội biết đến.
Một số nguyên nhân chính có thể kể đến như: Thiếu văn bản pháp lý của Nhà nước để Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm vụ; Một số văn bản của Nhà nước ban hành có nội dung chưa theo kịp với quan điểm chỉ đạo của Đảng về vị thế chính trị - xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương và địa phương trong hệ thống chính trị đặc biệt là với tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị đã ảnh hưởng đến việc duy trì và củng cố tổ chức bộ máy, hoạt động của liên hiệp hội; Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo kiến nghị của các liên hiệp hội địa phương về cơ chế thực hiện các hoạt động chuyên môn (tư vấn, phản biện; nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ; truyền thông và phổ biến kiến thức; gặp gỡ và tôn vinh trí thức,…), ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động và hiệu quả tập hợp, đoàn kết và vận động trí thức tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
PV: Ở mỗi giai đoạn phát triển của đất nước đều gắn với một mục tiêu cụ thể về KH&CN. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những kết quả nghiên cứu KH&CN của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian qua?
TSKH. Phan Xuân Dũng: Trong suốt chặng đường vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, điều tra cơ bản, BVMT và phát triển bền vững luôn được Liên hiệp Hội Việt Nam quan tâm, triển khai theo nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù, kinh phí ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện các dự án BVMT của Liên hiệp Hội Việt Nam không nhiều, nhưng đã huy động, tập hợp được lực lượng lớn các nhà khoa học từ các hội ngành thành viên, các Liên hiệp hội tỉnh/thành phố, tổ chức KH&CN trực thuộc tham gia nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, tập trung chủ yếu lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, chăn nuôi, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nông thôn.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, các Liên hiệp hội địa phương và hội ngành thành viên thực hiện trên 2.000 đề tài/dự án cấp cơ sở, trên 300 đề tài/dự án cấp bộ/tỉnh, hàng chục đề tài/dự án cấp Nhà nước. Các tổ chức KH&CN trực thuộc cũng tích cực tham gia thực hiện với hàng nghìn bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong, ngoài nước ở các lĩnh vực khác nhau, phổ biến nhất là lĩnh vực sinh học, nông nghiệp, số ít tổ chức khác có những công trình nghiên cứu sâu về các lĩnh vực đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học. Nhìn chung các tổ chức KH&CN hoạt động theo hướng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học hoặc nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực cần ít kinh phí và không đòi hỏi đầu tư về cơ sở vật chất nhiều như: khoa học xã hội, tâm lý-giáo dục, các vấn đề giới, trẻ em, xã hội, các chính sách cho quyền con người, hoặc các vấn đề bức thiết với người dân như lâm-nông nghiệp, giao đất-giao rừng. Chỉ có một số tổ chức KH&CN rất mạnh mới tham gia nghiên cứu về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, y-xã hội học…
Ngoài việc nghiên cứu thực hiện đề tài/dự án, các hội ngành thành viên và các tổ chức KH&CN trực thuộc triển khai tổ chức hàng trăm hội thảo, hội nghị khoa học ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, có những hội thảo, hội nghị khoa học hoặc các sự kiện lớn của các hội ngành toàn quốc được tổ chức định kỳ hàng năm ở cấp độ quốc gia, thu hút được hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự... Mặc dù, còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của các Liên hiệp hội địa phương, hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc đã có những tác động tích cực đến công tác tập hợp trí thức tham gia góp phần tích cực vào sự phát triển KH&CN của đất nước.
PV: Được biết, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm và đánh giá cao. Xin ông cho biết những dấu ấn nổi bật trong công tác này?
TSKH. Phan Xuân Dũng: Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam nhằm mục tiêu phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các dự án đầu tư quan trọng của đất nước.
Trong giai đoạn 2010 - nay, Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp được đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và đã thực hiện trên 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện, góp ý khách quan, thẳng thắn và kịp thời nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Các nhiệm vụ tập trung vào góp ý các dự thảo Báo cáo chính trị trình Đảng các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng; các dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN.
Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã tổ chức cho đông đảo các nhà khoa học đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước cũng như nhiều dự án đầu tư trọng điểm thuộc nhiều lĩnh vực: Báo cáo chính trị trình các Đại hội của Đảng; góp ý dự thảo Hiến pháp năm 2013; góp ý xây dựng sân bay Long Thành, Góp ý quy hoạch đường Sắt, đường bộ và đường hàng không, góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) ..; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, GD&ĐT, y tế, bảo vệ môi trường,…...
Nhiều Liên hiệp hội địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ,... đã tư vấn và phản biện cho nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của địa phương.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức, Liên hiệp Hội Việt Nam được giao là một đầu mối tiến hành, trong khoảng 5 năm đã chủ động và tích cực triển khai được 37 diễn đàn với nhiều chủ đề khác nhau, được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học quan tâm. Diễn đàn vừa là kênh thông tin, vừa là môi trường để trí thức có điều kiện phát huy trí tuệ, tâm huyết trong việc đóng góp vào các chủ trương, chính sách, chương trình dự án quan trọng của Đảng và Nhà nước. Thông qua diễn đàn, đội ngũ trí thức đã bày tỏ quan điểm, thái độ trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu, tư vấn cho các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý xã hội. Đó là những ý kiến khách quan, khoa học giúp cho Đảng và Nhà nước nghiên cứu, xem xét trước khi quyết định những vấn đề quan trọng về đường lối, chính sách và các dự án phát triển.
Thực hiện vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát và phản biện xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tham gia ký kết một số chương trình phối hợp giám sát do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì; cử đại diện tham gia các hoạt động theo chương trình phối hợp.. Nhiều hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia chủ trì hoặc là đơn vị nòng cốt trong các đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Có thể nói, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động này đã và đang trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
PV: Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hợp tác quốc tế hiện nay, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Đây cũng là nội dung được chú trọng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam đã có những hoạt động hợp tác quốc tế nào quan trọng nào để hiện thực hóa điều này, thưa ông?
TSKH. Phan Xuân Dũng: Trong giai đoạn 2010 - nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các ban, bộ, ngành, địa phương để tham gia giải quyết các vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Cụ thể Liên hiệp Hội Việt Nam đã tham gia ký kết với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức thành viên Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật KH&CN; Chương trình phối hợp Giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Liên hiệp Hội Việt Nam ký kết Chương trình hợp tác khung với Bộ KH&CN giai đoạn 2021-2030; ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác giai đoạn 2021-2026 với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường với Bộ Tài nguyên và Môi trường; ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển công nghiệp xây dựng giai đoạn 2020-2025 với Tập đoàn GFS.
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác, phối hợp hoạt động với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban các vấn đề xã hội, Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Trường Đại học Thăng Long. Một số Liên hiệp hội địa phương đã ký kết và triển khai chương trình hợp tác, phối hợp với các sở, ngành  địa phương (KH&CN, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn...) trên cơ sở chương trình phối hợp của Liên hiệp Hội ở Trung ương với các bộ, ngành liên quan.
Thông qua việc triển khai các chương trình phối hợp nêu trên đã góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN trong hệ thống Liên hiệp Hội khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, truyền thông và phổ biến kiến thức, xã hội hóa các hoạt động giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo.
Về hợp tác quốc tế, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục duy trì, kế thừa và phát triển các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế: Là thành viên của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN (AFEO), Hội đồng khoa học thế giới (ISC), Liên đoàn kỹ sư Châu Á-Thái Bình Dương (FEIAP); quan hệ  đối tác với nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cơ quan hợp tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và nhiều tổ chức KH&CN của các nước; triển khai nhiều hoạt động lớn, mang tầm quốc gia, có sự lan tỏa tới các tổ chức trong hệ thống; tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm kết nối trí thức khoa học người Việt Nam ở nước ngoài với các nhà khoa học trong nước, thông qua tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo và tiếp xúc với cộng đồng trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt năm 2020, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ trì đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN lần thứ 38 (CAFEO38) theo hình thức trực tuyến với đại biểu quốc tế và trực tiếp tại Hà Nội từ ngày 18-26/11/2020. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu quốc tế tham dự từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, và hơn 350 đại biểu tại Việt Nam, với chuỗi 25 hoạt động gồm 6 phiên họp toàn thể, 6 hội thảo khoa học và 13 cuộc họp nhóm kỹ thuật. Hội nghị đã ra Tuyên bố Hà Nội thể hiện cam kết và thống nhất của cộng đồng kỹ sư, kỹ thuật ASEAN trong xây dựng cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. CAFEO38 đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là hoạt động góp phần tích cực cho thành công năm chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, được bạn bè quốc tế và các hội thành viên đánh giá cao.
Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động huy động các tổ chức tham gia đóng góp cho tiến trình bảo vệ Báo cáo Kiểm điểm định kỳ về Nhân quyền của Việt Nam tại Liên hợp quốc (UPR chu kỳ III), báo cáo Phát triển bền vững; tích cực tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEAN, Á-Âu. Nhiều hội thành viên đã tham gia các cơ chế đa phương theo ngành, lĩnh vực, đăng cai tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế.
Nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc đã tiếp cận được nguồn viện trợ ODA có quy mô lớn; tham gia các mạng lưới, liên minh trong khu vực; huy động và triển khai trực tiếp gần 540 dự án với giá trị viện trợ lớn từ nguồn viện trợ nước ngoài. Trong đó, phần lớn các dự án tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế tổng hợp, giảm nghèo bền vững, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu trợ và phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đạt được
1. Trong quá trình hoạt động gần 40 năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã vinh dự được nhận những khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như sau:
- Huân chương Hồ Chí Minh theo Quyết định số 336/QĐ/CTN ngày 25/3/2008;
- Huân chương Độc lập hạng Nhất theo Quyết định số 07/KT/CT ngày 05/01/1999;
- Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
2. Liên hiệp Hội Việt Nam cũng nhận được rất nhiều khen thưởng của các cơ quan theo các nội dung công việc như:
- Bằng khen cho Đoàn TNCS HCM Liên hiệp Hội Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2013 theo Quyết định số 32/QĐ/ĐTNK ngày 09/01/2014 của Đoàn khối các cơ quan Trung ương.
- Bằng khen của Ban Đối ngoại Trung ương tặng cho Liên hiệp Hội Việt Nam trong 06 năm liên tiếp từ năm 2016-2021.
- Rất nhiều các cá nhân trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam được nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của các cơ quan như: Ban Đối ngoại Trung ương, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Xuân Hợp (thực hiện) - Tạp chí Truyền thống và Phát triển