Điều này góp phần xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Nhiều năm qua, các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn Hà Nội ngày càng bám sát vào thực tiễn và nhu cầu của các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các nhiệm vụ có tính cấp thiết, ứng dụng cao phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội cũng được xác định và lựa chọn. Theo đó, các sở, ngành, quận, huyện của thành phố đã quan tâm chỉ đạo công tác ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong các lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực, công tác tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân đã được quan tâm, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả tốt.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Năm 2023, hoạt động của Sở đã có nhiều khởi sắc, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động với nhiều kết quả, sản phẩm có tính mới hoặc đi vào chiều sâu, như: Đề án “Xây dựng mạng lưới sáng kiến Hà Nội” kết nối chính quyền-các nhà khoa học để phát huy chất xám; Hà Nội đã phát triển được 154 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đứng đầu cả nước; trên 90% số đề tài và 100% số dự án sản xuất thử nghiệm được ứng dụng vào thực tiễn...
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá, hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có vai trò quan trọng của hoạt động khoa học, công nghệ địa phương mà Hà Nội là một điểm sáng với vai trò là Thủ đô và đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế.
Thời gian tới, Hà Nội cần bám sát chương trình hành động, phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, Nghị quyết Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch ngành khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025, triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể mang màu sắc Thủ đô; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình phối hợp giữa Bộ và thành phố...
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học, công nghệ; đưa các đề tài, công trình nghiên cứu ứng dụng vào thực tế; hoàn thành, đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội; đề xuất phương án đưa Dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đi vào hoạt động...
Bên cạnh đó, việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội vẫn còn những khó khăn, rào cản chưa được tháo gỡ, như: Vấn đề xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; chính sách về đổi mới sáng tạo; việc khai thác tiềm năng, nguồn lực chất xám của đội ngũ trí thức trên địa bàn Thủ đô...
Các cơ chế, chính sách cho hoạt động khoa học và công nghệ của Hà Nội tuy đã được cải thiện nhưng ở một số lĩnh vực vẫn bộc lộ hạn chế, dẫn đến chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của Thủ đô
Một số chuyên gia đánh giá, để đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia và khu vực cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, đột phá; huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Theo đó, thành phố Hà Nội đã xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 với những nội dung về vị trí, vai trò; tổ chức chính quyền; tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư; xây dựng, quản lý, bảo vệ Thủ đô và liên kết vùng Thủ đô.
Trong đó có những nội dung quan trọng về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển khu công nghệ cao... Hình thành mô hình thử nghiệm có kiểm soát nhằm tạo đột phá về cơ chế để Hà Nội có thể tổ chức thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Cơ chế thử nghiệm có những giới hạn nhất định về thời gian, không gian, phạm vi hoạt động, việc giám sát thực hiện; quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thúc đẩy, ươm tạo doanh nghiệp trong một số lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Hà Nội... Từ đó, sẽ khai thông các điểm nghẽn, góp phần phát triển toàn diện khoa học và công nghệ, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự trở thành đột phá, động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.