23/01/2025 lúc 12:17 (GMT+7)
Breaking News

Khi đạo đức không còn, trách nhiệm thuộc về ai?

VNHN - Trong ba ngày qua, cộng đồng mạng xã hội dậy lên cơn sóng giận dữ về câu chuyện một bé gái 3 tuổi ở Hà Nội đã chết với dấu hiệu bị bạo hành từ người mẹ đẻ và ông bố dượng. Lực lượng chức năng đã lập tức vào cuộc, khoanh vùng đối tượng và bắt giữ những nghi can thủ ác.

VNHN - Trong ba ngày qua, cộng đồng mạng xã hội dậy lên cơn sóng giận dữ về câu chuyện một bé gái 3 tuổi ở Hà Nội đã chết với dấu hiệu bị bạo hành từ người mẹ đẻ và ông bố dượng. Lực lượng chức năng đã lập tức vào cuộc, khoanh vùng đối tượng và bắt giữ những nghi can thủ ác.

Liệu chúng ta có thật sự quan tâm đến những đứa trẻ của chúng ta? (Hình minh họa).

Dư luận bùng lên một trường phẫn nộ và những yêu cầu xét xử nghiêm minh, thẳng tay với những kẻ tàn độc đã nhẫn tâm hại chết một đứa trẻ. Nỗi đau thật không thể tả được khi bất kỳ ai, là cha mẹ, nghĩ đến cảnh một cô bé vô tội bị hành hạ đến chết.

Dĩ nhiên bất kỳ ai đối diện câu chuyện này, đều sẽ chỉ có một cách hành xử như thế, kịch liệt lên án những kẻ gây án và khẳng định đó là hành vi của loài quỷ dữ, hành động bất nhân còn hơn cả thú dữ. Hổ mẹ không ăn thịt hổ con, đó là điều mà ai cũng đồng ý!

Tuy nhiên, có một vấn đề còn nghiêm trọng hơn nữa, đáng phải đặt ra, là liệu trong xã hội hôm nay, có rất hiếm những trường hợp con người mất đi nhân tính như vậy? Và cảnh những đứa trẻ bất hạnh bị ngược đãi, bị bạo hành, bởi những kẻ xa lạ hay chính người thân của mình, là hiếm hoi?

Sự thật, dù chưa có một kiểm chứng, điều tra khách quan nào đưa ra, là rất nhiều trẻ em trong xã hội hôm nay, đang bị đối xử hành hạ, bị ngược đãi, bị bạo hành và hơn thế nữa.

Bởi sao lại nói vậy?

Đã có ai từng ngồi lại và nhìn một đứa trẻ tự kỷ trong góc nhà của mình? Đã có ai từng thử đặt câu hỏi, vì sao xã hội hôm nay, càng là ở nơi đô hội, nơi văn minh trực tuyến và công nghệ giao tiếp được đề cao, ai cũng tự cho mình là người tri thức, tài giỏi, thì lại càng có nhiều trẻ em tự kỷ?

Đã có ai từng ngồi lại và thử quan sát xem đứa con gái nhỏ của mình, đang loay hoay xếp đặt món đồ chơi lắp ghép trong tay. Đã có ai nhớ rằng, tuổi ấu thơ của mình thiếu thốn hơn, và mình đã có những trò chơi thảy banh, quấn len, gấp giấy. Liệu mình có thể ngồi xuống bên con gái để cùng ôn lại trò chơi thơ ấu của mình, không coi đó là trò chơi của thời xa vắng đói nghèo mà chính là một ngữ cảnh khác làm con gái mình hạnh phúc hơn? Hay chúng ta sẽ tặc lưỡi bước qua vì còn vội chạy đi dự cuộc họp nào đó, và đứa con gái yêu thương của chúng ta sẽ chỉ có những trò chơi đơn lẻ một mình thôi?

Bọn trẻ liệu có được lựa chọn niềm yêu thích của chúng?

Xã hội hiện đại hôm nay, khiến chúng ta mong con cái cập nhật những cái văn minh hơn, hiện đại hơn, và chúng phải thông minh, giỏi giang, độc đáo? Con cái chúng ta phải đi học nhiều hơn, vùi đầu vào những kiến thức trên lớp chưa đủ, còn phải đua theo những năng khiếu do chúng ta áp đặt vào chúng để không thua bạn kém bè? Chúng không còn được làm điều chúng thích mà phải đạt được những vị thứ, xếp hạng, giấy khen làm vui lòng cha mẹ, thỏa mãn sự hiếu thắng của cha mẹ. Con cái chúng ta sẽ ăn những món ăn nhanh, những thứ đồ hộp đóng gói sẵn, chứ không còn cơ hội để tận hưởng một ly chè sen được chưng nấu hàng giờ bởi bàn tay mẹ, và cũng chẳng có dịp ngồi bên cạnh ba để coi cách gói lạt một cái bánh chưng?

Hạnh phúc sẽ nhiều hơn, hay bất hạnh sẽ nhiều hơn, khi một đứa trẻ ở thôn quê vào giờ này, chạy nhảy quanh sân với một con chó, còn những đứa trẻ khác, ở đô thị, trong những căn hộ cao tầng hay biệt thự nguy nga, dán mắt vào điện thoại và loanh quanh với những thứ đồ chơi đắt tiền, nhưng cách ly khỏi cuộc sống và không được tiếp xúc thêm với ai khác?

Hơn thế nữa, chúng ta nhìn thấy những con người trẻ tuổi hôm nay, sống bồng bột với cảm tính trực quan và cái tôi ích kỷ, tự xưng mình hết mình cho tình yêu, dâng hiến, cho đi, rồi sinh con đẻ cái trong một bối cảnh chưa hề được chuẩn bị tri thức làm mẹ làm cha, chưa hề biết trách nhiệm của cá nhân mình là gì trong xã hội. Những mối tình nhanh nở chóng tàn đó, đã tạo ra rất nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, với những câu chuyện đẫm đầy nước mắt và đau thương. Để rồi qua mỗi chặng đường, những con người đã làm mẹ làm cha nhưng chưa vượt qua được tâm lý của một đứa trẻ con khờ khạo, lại tiếp tục yêu đương, quan hệ, dan díu, rồi lại vỡ tan. Rồi áp lực cuộc sống đặt lên vai những đứa trẻ đóng vai cha mẹ ấy, gây ra thêm nhiều cuồng loạn trong lòng, dẫn đến những bi kịch nghịch cảnh tiếp theo. Những cha mẹ trẻ tuổi ấy, từng bước từng bước đi vào cực đoan, hoặc tự mình biến thành nạn nhân tình yêu, oán hờn cuộc sống, theo đuổi những mô hình lệch lạc là mẹ đơn thân, là cha bất đắc chí… Không những tự hành hạ mình, những trái tim cuồng nộ ấy đã đẩy cục oán hờn qua những đứa con, và thế là những trò bạo hành vô tâm xuất hiện.

Phải chăng, đó là nguyên nhân của những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, vứt bỏ trong thùng rác hay quăng trước cổng chùa? Phải chăng, đó là nguyên nhân của những đứa trẻ bất hạnh bị biến thành công cụ diễn trò xin ăn, bị chăn dắt trên các vỉa hè góc phố? Phải chăng, đó là nguyên nhân của những đứa trẻ bị ngược đãi, bị bạo hành, và sẽ bị giết chết bởi chính bàn tay tàn độc của cha mẹ chúng, mà bản thân những người cha người mẹ đó, chỉ nghĩ là thoát được một cục nợ đời đã lỡ sinh nó ra?

Một bậc chân giả đã từng nói, xã hội càng văn minh, đô thị càng rộng lớn, thì tình thương con người càng trống vắng, số phận con người càng ghẻ lạnh và mỗi người sẽ tự giết chết tâm hồn mình trong xó xỉnh nào đó bê tha.

Ai chấp nhận sự thật đó, liệu có nghĩ rằng, trong hành xử của chúng ta hôm nay, hiện tại, lúc này, đang chính là những kẻ độc ác, những tên đao phủ lạnh lùng giết chết chính tâm hồn mình, giết chết chính những đứa con yêu quý của mình mà không hề biết, mà thật sự là vô cảm quay lưng.

Nhiều người nói rằng, xã hội đang băng hoại, vật chất lên ngôi, lòng tham chiếm hữu mọi cái, thì đạo đức không còn. Nhưng khi đạo đức không còn, thì trách nhiệm thuộc về ai?

Và để kết thúc câu chuyện này, xin nhắc lại một mẩu chuyện do một bà mẹ trẻ chia sẻ. Rằng do lệnh cấm mới về dịch bệnh, cô sẽ làm việc ở nhà. Đây là lần đầu tiên cô ở nhà làm việc trực tuyến, vì 2 tháng qua, dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp, cô với vị trí một nhà quản lý, vẫn đi làm đều đặn. Cô bé con gái cô, nghỉ học ở trường, và ở nhà với bà giúp việc. Cô chỉ về nhà vào buổi tối. Nên khi thấy mẹ đang ngồi bên bàn làm việc lúc 9 giờ sáng, cô bé đã ngạc nhiên hỏi, sao mẹ chưa đi làm? Cô bế con và nựng nó: Mẹ sẽ ở bên con vì "dịch Cô Vy" không cho mẹ đi làm. Rất bất ngờ, cô bé reo lên và vỗ tay mừng rỡ:

- Cô Vy giỏi quá, mẹ ở nhà rồi.

Nước mắt bất giác trào ra, bà mẹ trẻ ôm xiết lấy con gái và nhận ra, cô đã đánh mất đi bao nhiêu thời gian hạnh phúc của con gái mình. Cô giật mình hối hận và tự hỏi, sự thật mình có phải là đang bạo hành con gái không?

Chúng ta, trong cuộc sống này, đua chen và giành giật, có phải vẫn đang bạo hành những đứa trẻ, những thiên thần nhỏ của chúng ta hay không?