Đoàn đại biểu chính thức tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng.
Trong thời gian tại Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4; làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone; ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Các nhà Lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thể hiện sự quan tâm cao nhất của Việt Nam
Tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những thông điệp rất quan trọng, sâu sắc và toàn diện.
Bày tỏ lo ngại trước những thách thức chưa từng có đối với Lưu vực Mekong, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá, và với tinh thần đó đưa ra những đề xuất về định hướng hợp tác của Uỷ hội trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, đồng thời tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Uỷ hội.
Thứ hai, mọi chính sách và hành động cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân sinh sống trong lưu vực, nhất là cư dân sinh sống trên và dọc sông, đối với các tình huống bất trắc xảy ra như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ…; tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay; đồng thời tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong.
Thứ ba, tăng cường sự phối kết hợp giữa Ủy hội và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, trong đó phát huy vai trò là một trung tâm tri thức, cung cấp thông tin, dữ liệu, tư vấn cho các cơ chế hợp tác.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối và nâng cấp mạng lưới điện của vùng, qua đó góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác giao thông thủy để tăng cường kết nối các nền kinh tế, thúc đẩy giao thương, đồng thời bảo đảm vận tải an toàn và có hiệu quả, không gây hại đến nguồn nước và môi trường sinh thái.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các đối tác để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại, gắn kết hoạt động của Uỷ hội với nỗ lực thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và các chương trình nghị sự quốc tế lớn khác.
Thủ tướng đã đề xuất các hoạt động hợp tác cụ thể, kêu gọi các nước đối tác, các đối tác đối thoại, các nước ở khu vực thượng nguồn và các đối tác là các nước phát triển trong việc hợp tác, chia sẻ dữ liệu thông tin, tăng cường hỗ trợ về tri thức, kinh nghiệm, tài chính, nguồn lực để Uỷ hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tốt nhất sự phát triển bền vững của dòng sông và lưu vực sông Mekong.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò không thể thiếu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đề cao những thành tựu quan trọng đã đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Mekong, đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng nhằm góp phần thực hiện đầy đủ Hiệp định Mekong năm 1995, phát huy "tinh thần hợp tác Mekong", bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước, lợi ích các quốc gia trong Lưu vực, giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, và hiện thực hóa mục tiêu chung là phát triển bền vững Lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trong phát biểu của Lãnh đạo cấp cao các nước, nhiều ý kiến chia sẻ với những thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, trong đó các nước đều khẳng định cam kết mạnh mẽ của mình với việc thực hiện Hiệp định sông Mekong 1995 và coi trọng vai trò của Uỷ hội sông Mekong quốc tế; cho thấy điểm đồng rất lớn của các nước thành viên Uỷ hội chính là nhu cầu tăng cường hợp tác, xây dựng các kế hoạch, dự án phát triển chung để bảo đảm sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.
Kết thúc Hội nghị, Trưởng đoàn các nước đã thông qua Tuyên bố chung-Tuyên bố Vientiane nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của bốn quốc gia thành viên, các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong cũng như xác định các trọng tâm hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.