13/01/2025 lúc 14:52 (GMT+7)
Breaking News

Khám phá vẻ đẹp thung lũng xứ Mường - Vân Sơn

Là một xã thuộc huyện vùng cao Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình. Xa xưa, Vân Sơn có tên là Mường Chậm, hay còn được người dân gọi nôm na là Thung Mây, Lũng Mây. Nơi đây nức tiếng gần xa với tên gọi “chốn tiên cảnh vùng cao” hay “thung lũng trường thọ”. 

Là một xã thuộc huyện vùng cao Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình. Xa xưa, Vân Sơn có tên là Mường Chậm, hay còn được người dân gọi nôm na là Thung Mây, Lũng Mây. Nơi đây nức tiếng gần xa với tên gọi “chốn tiên cảnh vùng cao” hay “thung lũng trường thọ”. 

Thiên nhiên tươi đẹp tại xứ Mường Vân Sơn - Nguồn sưu tầm

Xã Vân Sơn là xã nghèo nhất của huyện Tân Lạc (Hoà Bình). Nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao sừng sững, Vân Sơn có vị trí địa lý với phía Đông giáp xã Ngổ Luông, phía Tây giáp huyện Mai Châu, phía Nam tỉnh Thanh Hoá và phía Bắc giáp với xã Quyết Chiến. 

Mảnh đất Vân Sơn là nơi định cư lâu đời của cộng đồng người Mường, đồng thời là một trong những cái nôi văn hóa cổ và lớn nhất của dân tộc Mường ở Hòa Bình. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, được trải nghiệm cuộc sống bình yên và khám phá nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người dân bản địa. Vân Sơn mang trong mình nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch; do đó, cuối năm 2018, xóm Chiến (Vân Sơn) đã được Quỹ Australia vì Nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AOP) hỗ trợ kinh phí triển khai dự án "Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển Du lịch cộng đồng”. 

Điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến cách trung tâm xã Vân Sơn 4km, có diện tích 487 ha, gồm 74 hộ với 347 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Triển khai thực hiện phát triển xóm Chiến thành điểm du lịch cộng đồng, địa phương đã lựa chọn 03 hộ có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú. Cùng với nguồn lực cho vay của dự án, các hộ đã đầu tư sửa sang lại nhà cửa đảm bảo mang tính truyền thống và tiện nghi. 

Điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến - Nguồn sưu tầm

Người dân xóm Chiến bảo tồn được nguyên vẹn những nếp nhà sàn truyền thống của người Mường, khôi phục và thường xuyên mặc trang phục truyền thống. Ðàn ông mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái; quần ống rộng, thêm khăn thắt ngang bụng, còn gọi là khăn quần; trên đầu quấn khăn trắng. Dịp lễ, Tết được thay bằng lễ phục với áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn mầu tím than, bên ngoài khoác đôi áo chùng đen dài tới gối, cài cúc bên nách và sườn phải. Phụ nữ ngày thường mặc áo pắn (áo ngắn), loại áo cánh ngắn mầu trắng hoặc nâu, ống tay dài, bên trong mặc áo yếm, đầu thường đội khăn trắng, xanh; váy dài mầu đen. Nét đặc sắc trên trang phục của phụ nữ Mường chính là phần hoa văn được thêu, dệt tinh tế nổi lên giữa trang phục và cạp váy, thắt lưng. 

Ðồng bào Mường ở xóm Chiến nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung sở hữu kho tàng văn hóa dân gian phong phú với nhiều thể loại như: Mo Mường, chiêng Mường, hát Thường đang, Bọ mẹng, hát ví, thơ dài,, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ, hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi. Cùng các loại nhạc cụ như cồng, nhị, sáo trống, khèn lù… gắn liền với những làn điệu dân ca từ cổ xưa truyền lại. Ngoài ra còn có nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc như: Dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần; và những lễ hội đặc sắc.

Vân Sơn được mệnh danh là “thung lũng trường thọ” bởi nơi đây là nơi sinh sống của nhiều cụ già trên dưới 100 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, khoẻ mạnh. Bí quyết trường thọ của các cụ chính là nhờ không khí trong lành, sự hài hòa và cân bằng giữa con người với thiên nhiên; các bài thuốc quý giúp con người chống chọi với sự đổi thay, khắc nghiệt được truyền tụng lại từ đời này qua đời khác.

Thực hiện theo Nghị quyết số 03-NQ/HU của huyện Tân Lạc, Hòa Bình về “Phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường; và hưởng ứng theo phong trào “du lịch xanh - du lịch an toàn”. Các cấp chính quyền huyện Tân Lạc đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện kích cầu du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19; góp phần tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhân dân./.