19/01/2025 lúc 02:23 (GMT+7)
Breaking News

Khám phá Nhà máy lọc dầu Dung Quất - nơi bơm “máu” cho nền kinh tế

Một nhà máy nằm ở vùng đất xa xôi của miền trung, được xây dựng với nhiều kỷ lục, đang nắm giữ một vai trò tối quan trọng - cung cấp xăng dầu - được ví như “máu” của nền kinh tế đất nước.

Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh | BN

Công trình thế kỷ miền trung

Đứng ở trên ngọn đồi cao, mới thấy hết sự kỳ vĩ của nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD) nằm gần những dãy núi nhấp nhô, uốn lượn và biển xanh biếc như hòa vào màu trời trong cái nắng tháng 6, công trình này hiện lên sừng sững với những tầng cao bằng thép, các đường ống chạy ngang dọc, bồn chứa xăng, dầu thô màu trắng, ngoài bến cảng, tàu neo đậu…

NMLD Dung Quất được xây dựng với tổng mức đầu tư là hơn 3 tỷ USD (khoảng 40.000 tỷ đồng) với tên dự án là “Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất” của chủ đầu tư là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam.

Hợp đồng chính xây dựng NMLD Dung Quất đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký với Tổ hợp nhà thầu Technip gồm: Technip (Pháp), Technip (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha). Đây được coi là công trình thế kỷ, lớn nhất nước với khối lượng công việc khổng lồ.

Nhà máy chiếm diện tích khoảng 810 ha, trong đó 345 ha mặt đất và 471 ha mặt biển. Công suất tối đa của nhà máy là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm tương đương 148.000 thùng/ngày, dự kiến đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam.

Ngày 9/5/2008, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được thành lập để tiếp nhận, quản lý, vận hành NMLD Dung Quất. Việc xây dựng và vận hành thành công NMLD Dung Quất là cột mốc quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi hoàn thiện chuỗi giá trị từ khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển đến chế biến dầu khí.

“Hòn đá tảng” góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Sau khi trải qua chương trình ngắn huấn luyện về an toàn lao động, tôi được vào nhà máy lọc dầu để chứng kiến quy trình vận hành sản xuất của nhà máy này.

Phòng điều khiển trung tâm, được ví như bộ não của nhà máy, nơi rất nhiều cán bộ công nhân viên đang chăm chú theo dõi những màn hình máy tính, điều khiển, giám sát, ghi nhận, lưu trữ và hiển thị dữ liệu về quá trình vận hành. Trên màn hình máy tính là những biểu đồ, số liệu, những dòng chảy đang lưu thông như “máu” trong cơ thể. Chỉ cần một chi tiết trục trặc, “sức khỏe” nhà máy sẽ gặp vấn đề, thậm chí nguy hiểm, dẫn đến dòng xăng dầu cung cấp cho thị trường có thể bị gián đoạn.

Kỹ sư Nguyễn Văn Hường, trưởng ca trực của phòng điều khiển trung tâm, giới thiệu cho tôi về quá trình sản xuất từ dầu thô ở bến cảng vào nhà máy trải qua những công đoạn thế nào để biến thành xăng…

Đó là một quy trình hết sức phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, có những khâu cần sự tinh vi, nhạy cảm của người vận hành, mà chỉ cần sơ suất một khâu, “vênh” một vài điểm, có khi hỏng cả một mẻ xăng. Điều đáng nói, trước đây, quy trình này do chuyên gia nước ngoài vận hành, nhưng từ năm 2010 đến nay, tất cả đều do người Việt Nam làm chủ và đảm nhiệm.

Kỹ sư Hường cho biết trong quá trình vận hành, các cán bộ công nhân viên người Việt Nam đã nghiên cứu, đúc kết và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện của nhà máy. Đây là điều rất khó, thường phải do chuyên gia nước ngoài làm. Kỹ sư Hường nằm trong số 1.500 nhân sự được BSR đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, chuyên tâm, chuyên nghiệp và sáng tạo trong lao động.

Người Việt đã làm chủ công nghệ và quy trình sản xuất, đó cũng là một yếu tố để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia khi mà nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này luôn vận hành an toàn và hiện nay đang chạy vượt công suất thiết kế trên 112%.

NMLD Dung Quất được xây dựng với nhiệm vụ tối quan trọng. Đó là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và góp phần tự chủ nguồn cung xăng dầu cho đất nước.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đồng thời, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Trước đây, khi chưa có NMLD Dung Quất, thì sau khi khai thác được dầu thô, Việt Nam sẽ phải bán cho các nước có ngành lọc, hóa dầu phát triển và mua lại các sản phẩm xăng, dầu… đã được lọc từ họ. Việc này giống như việc “bán thô, mua tinh”, đồng nghĩa với việc bán rẻ, mua đắt. Điều này gây khó khăn trong việc dự trữ ngoại hối của đất nước và quan trọng hơn là không tự chủ được an ninh năng lượng quốc gia. Nếu một ngày đất nước có chiến tranh, địch họa hoặc biến động về địa chính trị; nguồn cung xăng, dầu từ bên ngoài bị gián đoạn thì sẽ mất an ninh năng lượng.

Đến nay, BSR đã đánh giá 89 loại dầu thô tiềm năng cho nhà máy và đã chế biến thử nghiệm thành công 32 loại dầu thô trong, ngoài nước thay thế một phần dầu thô Bạch Hổ đang giảm dần và cũng đánh giá được thêm 2 loại nguyên liệu trung gian mới (SR LSFO và VGO) để đưa vào chế biến. Tỷ lệ dầu thô nhập ngoại đưa vào chế biến hằng tháng tại Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện nay lên đến 40% tổng lượng dầu thô nguyên liệu vào phân xưởng CDU.

Ngoài các sản phẩm truyền thống như xăng RON A92/95, dầu Diesel, khí Propylene và hạt nhựa Polypropylene, khí hóa lỏng (LPG), dầu hỏa, nhiên liệu phản lực Jet A1 và dầu nhiên liệu (FO), BSR đã nghiên cứu sản xuất và xuất bán thành công 7 sản phẩm nhiên liệu mới gồm Marine FO, Treated LCO, xăng RFCC, MixC4; 3 sản phẩm cho quốc phòng (JetA-1K, ADO-L62, Xăng A80) và 7 sản phẩm hạt nhựa PP mới.

Còn nhớ thời điểm cuối năm 2022, thị trường dầu mỏ thế giới biến động vì cuộc xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung xăng dầu trong nước bị gián đoạn, nhiều cây xăng đóng cửa, lúc đó NMLD Dung Quất càng thể hiện rõ vai trò của mình.

Trên lý thuyết, Việt Nam tự chủ được khoảng 70% nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước từ NMLD Dung Quất và Nghi Sơn; phần còn lại phải nhập khẩu. Nhưng thực tế, có thời gian NMLD Nghi Sơn hoạt động dưới công suất thiết kế, thậm chí có thời điểm tạm dừng sản xuất. Nhưng NMLD Dung Quất luôn hoạt động ổn định ở mức vượt công suất thiết kế, góp phần bình ổn thị trường.

Từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành đến nay, BSR đã chế biến trên 100 triệu tấn dầu thô; sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 91 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước; tổng doanh thu đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước gần 224 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD) gấp 3 lần mức đầu tư. Trong 5 tháng đầu năm 2024, BSR đạt 2,2 triệu tấn; doanh thu khoảng 42.216 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước khoảng 4.502 tỷ đồng.

Hoàng hôn đã buông xuống nhưng những cán bộ, công nhân viên ở Phòng điều khiển Trung tâm vẫn không rời mắt khỏi màn hình máy tính, tất cả nhà máy hoạt động không ngừng nghỉ, 24/7 quanh năm, suốt tháng trừ khi bảo dưỡng định kỳ. Bởi vì chỉ cần NMLD Dung Quất “hắt hơi”, dòng năng lượng cả nước sẽ bị đình trệ và nền kinh tế sẽ “sổ mũi”.

Bảo Nguyên - Báo Nhân dân