VNHN – Tiên Yên là một huyện miền núi nằm trên trục giao thông huyết mạch Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, kết nối với các cửa khẩu biên giới, đồng thời là cửa ngõ biển của khu vực biên giới phía Bắc. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng, du khách khi đến nơi đây sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp giản dị, hoang sơ của thị trấn nhỏ nằm nép mình bên ngã ba sông với những ngôi nhà 2 tầng cổ kính được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20.
Những điểm du lịch sinh thái, khám phá hấp dẫn
Điểm du lịch mũi Lòng Vàng, xã đảo Đồng Rui, có khung cảnh đẹp, hấp dẫn du khách ưa thích loại hình du lịch khám phá. Mũi Lòng Vàng có diện tích khoảng 20ha, hai bên đường ra Lòng Vàng là những cánh rừng ngập mặn xanh mướt, là nơi trú ngụ của nhiều loại chim, các loài nhuyễn thể. Lòng Vàng còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên với bãi cát vàng thoai thoải, nước biển xanh biếc. Không chỉ tắm biển, tại đây du khách còn có thể tham gia bắt ốc, đánh bắt hải sản với người dân bản địa.
Mũi Lòng Vàng – điểm du lịch đầy sức cuốn hút
Đồng Rui là xã đảo ven biển của huyện Tiên Yên, được thiên nhiên ưu đãi trên 2.800ha rừng ngập mặn, đa dạng về sinh học, là lá phổi xanh bảo vệ môi trường và là điều kiện để phát triển mạnh mô hình du lịch sinh thái
Thác Pạc Sủi (xã Yên Than) là một trong những điểm nhấn du lịch của Tiên Yên. Với 16 tầng thác, Pạc Sủi đem đến cho du khách cảm nhận tuyệt vời giữa núi rừng bạt ngàn. Mỗi tầng thác có vẻ đẹp khác nhau, từ tầng thác đầu tiên cách vài chục mét là đến tầng thứ hai... Cứ 2-3 tầng thác lại có một hồ nước nhỏ xanh trong, mát rượi, khiến du khách dù khó tính nhất cũng hài lòng về cảnh đẹp nơi đây. Nước đổ qua những tảng đá lớn xanh màu rêu, rồi chảy xuống ghềnh đá ngay phía dưới, tạo sức hút riêng cho thác Pạc Sủi.
Sững sờ với vẻ đẹp thác Pạc Sủi
Một điểm đến cũng rất thu hút khách du lịch là chợ Tiên Yên, có diện tích gần 10.000m2, với những nét rất riêng biệt. Tại đây, du khách có thể tìm thấy tất cả các sản vật đặc trưng của địa phương, như gà Tiên Yên, miến dong, khâu nhục, mật ong, kẹo lạc hồng... Du khách cũng có thể mua các loại hải sản tươi ngon; thưởng thức tại chỗ các món ăn hấp dẫn, như bánh rán, bánh cuốn, bánh đúc bánh gio, bánh cốc mò, bánh tài lồng ệp, bánh tày nhân lá hồng…của đồng bào Tày, Dao.
Không chỉ có loại hình du lịch tự nhiên, huyện Tiên Yên còn được biết đến là địa phương có các điểm đến tâm linh, lịch sử. Trong hành trình khám phá Tiên Yên, du khách có thể đến đền thờ Đức ông Hoàng Cần - Miếu Đại Vương; Đài tưởng niệm các liệt sĩ Cộng sản Khu di tích lịch sử Khe Tù. Theo sách Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh dư địa chí có ghi lại, Hoàng Cần là người địa phương, có công dẹp giặc giữ yên vùng đất biên cương của Tổ quốc. Ông được triều đình nhà Trần phong tặng chức Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế, triều đình nhà Nguyễn phong tặng chức Khâm Sai Thái Bảo Xuyên Quốc Công Tôn Thần và Bản cảnh thành hoàng. Nhân dân địa phương cũng kính trọng gọi ông là Đại Vương và lập đền thờ, còn gọi là miếu Đại Vương.
Đặc biệt, tuyến du lịch “Một ngày trải nghiệm với vùng đất Tiên Yên” bao gồm 4 điểm du lịch đã được công nhận, gồm: Thác Pạc Sủi (xã Yên Than); chợ Tiên Yên (thị trấn Tiên Yên), đền thờ Đức ông Hoàng Cần - Miếu Đại Vương (thị trấn Tiên Yên) và điểm du lịch Trung tâm Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc (xã Yên Than). Bên cạnh đó còn có các điểm phụ trợ: Rừng ngập mặn Đồng Rui; điểm dừng chân mua sắm các sản phẩm OCOP. Các điểm du lịch của huyện Tiên Yên cơ bản đều còn rất hoang sơ, tự nhiên, chưa có sự tác động của con người nên luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách.
Cơ sở hạ tầng đồng bộ, chú trọng phát triển du lịch xanh
Mặc dù tài nguyên du lịch của huyện Tiên Yên tương đối phong phú, đa dạng và vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ, điều mà du khách luôn mong muốn, tuy nhiên các tài nguyên này đa phần nhỏ, giá trị không cao, lại phân bố rải rác, không tập trung nên sẽ gây khó khăn trong quá trình khai thác. Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Tiên Yên đã nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh cũng như tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để du lịch phát triển mạnh hơn nữa thì Tiên Yên cần quyết tâm hơn, đầu tư mạnh hơn, đặc biệt là về nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất.
Những năm qua, huyện Tiên Yên lấy phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tạo sự đột phá về sự phát triển kinh tế của địa phương. Huyện xác định tiếp tục phát triển du lịch gắn với văn hóa để làm động lực xây dựng Tiên Yên trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc. Để đạt được mục tiêu đó, năm 2019, Tiên Yên đã dồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm từng bước đưa ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.
Nếu như trước kia để đi được đến thác Pạc Sủi nằm tại thôn Đồng Tâm, xã Yên Than, du khách phải đi bộ trên 2 giờ đồng hồ. Giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa khi thác đẹp nhất thì đường lầy lội dẫn đến việc dù điểm du lịch này có cảnh đẹp hấp dẫn nhưng vẫn không thu hút được du khách đến tham quan. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nếu du khách có dịp đến Pạc Sủi thì mọi thứ đã khác hoàn toàn. Đường bê tông được trải dài từ QL18 đi đến tận chân thác, ngoài ra du khách có thể đi bộ lên đỉnh thác bằng con đường được xây bậc thang rất thuận tiện.
Để phát triển du lịch có hiệu quả, huyện Tiên Yên đã xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái. Chính vì vậy trong quá trình quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch, huyện Tiên Yên luôn chú trọng đến việc bảo tồn sinh thái, giữ nguyên sự nguyên sơ của điểm du lịch.
Nếu như trước kia để đi được đến thác Pạc Sủi nằm tại thôn Đồng Tâm, xã Yên Than, du khách phải đi bộ trên 2 giờ đồng hồ. Giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa khi thác đẹp nhất thì đường lầy lội dẫn đến việc dù điểm du lịch này có cảnh đẹp hấp dẫn nhưng vẫn không thu hút được du khách đến tham quan. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nếu du khách có dịp đến Pạc Sủi thì mọi thứ đã khác hoàn toàn. Đường bê tông được trải dài từ QL18 đi đến tận chân thác, ngoài ra du khách có thể đi bộ lên đỉnh thác bằng con đường được xây bậc thang rất thuận tiện.
Không chỉ đầu tư xây dựng cho thác Pạc Sủi, các điểm du lịch như: Suối nước nóng (xã Đại Thành), vườn vải (xã Yên Than), Hòn Ngò (xã Đông Ngũ)... cũng đang được Tiên Yên xúc tiến công tác kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Kể từ khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công xây dựng, các điểm du lịch của huyện Tiên Yên đã được nhiều doanh nghiệp chú ý, tìm hiểu để đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Các hoạt động văn hóa, thể thao dần trở thành một sản phẩm du lịch của huyện Tiên Yên
Để phát triển du lịch có hiệu quả, huyện Tiên Yên đã xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái. Chính vì vậy trong quá trình quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch, huyện Tiên Yên luôn chú trọng đến việc bảo tồn sinh thái, giữ nguyên sự nguyên sơ của điểm du lịch.
Huyện cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn và nâng cao chất lượng hoạt động của các lễ hội truyền thống và việc hình thành chuỗi kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn với các địa phương lân cận để trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có, thu hút khách du lịch. Huyện đã triển khai xây dựng Làng văn hóa đặc trưng dân tộc Tày thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ; xây dựng dự án Làng văn hóa dân tộc Dao, Sán Chỉ; chợ phiên Hà Lâu...
Du lịch Tiên Yên đang có những bước đi vững chắc từ sự mạnh dạn trong việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất. Với những gì đã đạt được, trong thời gian tới Tiên Yên hứa hẹn sẽ là một trong những địa phương của tỉnh thu hút được đông đảo du khách. Đây cũng là một đòn bẩy quan trọng nhằm đưa địa phương trở thành một gạch nối quan trọng trong lộ trình phát triển du lịch của Quảng Ninh./.