16/01/2025 lúc 02:46 (GMT+7)
Breaking News

Khám phá “kho báu” Mỹ thuật Việt Nam giữa lòng Hà Nội

Tọa lạc ở vị trí “vàng” trên đường Nguyễn Thái Học, đối diện với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một tòa nhà có kiến trúc Pháp nằm ẩn sau màu xanh tươi mát của những tán cây. Không nhiều người để ý rằng, tòa nhà có phần khiêm tốn đó chính là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi được mệnh danh là “kho báu” đối với những người yêu nghệ thuật. Nơi đây lưu giữ và trưng bày hàng ngàn “viên ngọc” vô giá của nền Mỹ thuật Việt Nam từ thời sơ sử tới ngày nay.

Tọa lạc ở vị trí “vàng” trên đường Nguyễn Thái Học, đối diện với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một tòa nhà có kiến trúc Pháp nằm ẩn sau màu xanh tươi mát của những tán cây. Không nhiều người để ý rằng, tòa nhà có phần khiêm tốn đó chính là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi được mệnh danh là “kho báu” đối với những người yêu nghệ thuật. Nơi đây lưu giữ và trưng bày hàng ngàn “viên ngọc” vô giá của nền Mỹ thuật Việt Nam từ thời sơ sử tới ngày nay.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhìn từ bên ngoài

Căn nhà số 66 Nguyễn Thái Học – tòa nhà hiện tại của bảo tàng  được xây vào những năm 30 của thế kỉ XX, với mục đích sử dụng ban đầu là để cho con gái của các viên chức Pháp ở trọ trong thời gian học ở Hà Nội. Sau rất nhiều thay đổi của lịch sử, đến năm 1962, Nhà nước giao cho Bộ Văn hóa cải tạo căn nhà này thành bảo tàng trưng bày các tác phẩm Mỹ thuật của Việt Nam. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan vào năm 1966. 

Từ đó, Bảo tàng đóng vai trò kết nối thế hệ hiện tại với những giá trị thẩm mỹ và các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam trong quá khứ. Đánh giá về vai trò của Bảo tàng, TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng đã chia sẻ: “Sau gần 55 năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chứng minh được dòng chảy nghệ thuật hiện hữu trong lịch sử hình thành và phát triển của nền mỹ thuật Việt.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2018 (nh: chinhphu.vn)

Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu trữ và trưng bày tổng cộng 20.000 “viên ngọc quý” - 20.000 tác phẩm mỹ thuật phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Du khách đến tham quan Bảo tàng ở số 66 Nguyễn Thái Học sẽ được chiêm ngưỡng tổng cộng 2.000 tác phẩm tiêu biểu nhất, được sắp xếp theo thứ tự các thời kỳ lịch sử ở các phòng trưng bày riêng biệt.

Từ thượng cổ đến trung đại

Không gian trưng bày chính của bảo tàng sẽ đưa khách tham quan vào một chuyến “du hành thời gian” thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Thông qua việc trưng bày những công cụ sản xuất, vũ khí, dụng cụ sinh hoạt, đồ trang sức thô sơ làm bằng đá hoặc kim loại, phòng mở đầu của tầng 1 đưa tới những hình dung khá rõ nét về đời sống vật chất cũng như tinh thần phong phú của dân tộc Việt Nam trong khoảng 6000 năm thời tiền sử, sơ sử. 

Khi mở cánh cửa bước sang phòng trưng bày tiếp theo, du khách sẽ được đắm mình trong không khí trầm mặc, cổ kính của những bức tượng, những bức phù điêu trên chất liệu gỗ, đá, đất nung - những đặc trưng tiêu biểu của nền Mỹ thuật Việt Nam trong các thế kỉ trung đại. Sẽ không phải quá lời nếu nói rằng giai đoạn từ thế kỉ VIII - IX ở Chămpa và thế kỉ XI đến XVIII từ thời Lý đến Hậu Lê là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, bởi trong giai đoạn này xuất hiện những công trình có quy mô lớn cũng như những pho tượng có đường nét tinh tế, chuẩn mực, xứng đáng được xếp vào hàng Quốc bảo. 

Các tác phẩm điêu khắc cổ Việt Nam được trưng bày tại tầng 1 của Bảo tàng

Tiêu biểu có pho tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đã đạt tới đỉnh cao của điêu khắc chân dung: gương mặt rạng rỡ, phúc hậu, y phục ba lớp sang trọng mà mềm mại. Tác phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia” năm 2013.

Du khách chiêm ngưỡng pho tượng “Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc” (nh: toquoc.vn)

Mỹ thuật Việt Nam từ thế kỉ XX đến nay

Khép lại cánh cửa căn phòng trưng bày cuối cùng của tầng 1 cũng là khép lại những giá trị mỹ thuật đậm đà bản sắc dân tộc của 10 thế kỷ trung đại. Những bậc thang gỗ cổ kính đưa du khách tới một không gian hoàn toàn khác. Nếu như thế kỉ XI đến XVIII là giai đoạn rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc dân gian, thì từ đầu thế kỉ XX trở đi, mỹ thuật hiện đại có tính bác học, hàn lâm, trong đó có hội họa được ghi dấu ấn đậm nét.

Sự ra đời của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã góp công lớn trong việc hình thành giai đoạn đầu tiên của Mỹ thuật cận đại: từ 1925 - 1945. Các sáng tác trong giai đoạn này đều mang trong mình sự dung hòa ngoạn mục giữa thẩm mỹ truyền thống và phương Tây. Ấn tượng nhất trong gian phòng trưng bày này có thể kể đến bức bình phong của Nguyễn Gia Trí - một mặt tái hiện lại khung cảnh một vườn hoa rực rỡ, làm nền cho chân dung những người phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau; mặt còn lại phác họa phong cảnh vườn cây với những dọc mùng, khóm chuối, bụi tre. 

Mặt “Thiếu nữ trong vườn” của bức “Bình phong” – Họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Có kích thước khiêm tốn hơn, nhưng bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ Nguyễn Văn Cẩn cũng gây ấn tượng mạnh với chân dung em bé gái có vẻ đẹp trong sáng, đôi mắt long lanh nhìn trực diện và đôi môi chúm chím.

Bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ Nguyễn Văn Cẩn – “báu vật” của nền mỹ thuật Việt Nam

Cánh cửa căn phòng tiếp theo dẫn du khách đến với giai đoạn “9 năm làm một Điện Biên” đầy gian lao của dân tộc. Trong giai đoạn này, các họa sĩ đã từ bỏ phong cách lãng mạn để đến gần hơn với nhân dân, khắc họa chân thực cuộc chiến tranh vệ quốc gian lao và cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Những đặc điểm tiêu biểu của các tác phẩm nghệ thuật kháng chiến đều được hội tụ trong tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng với đường nét khỏe khoắn, nhanh, mạnh.

Đại diện tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam thời kì kháng chiến chống pháp – bức “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (họa sĩ Nguyễn Sáng)

Các phòng còn lại ở tầng 2 và tầng 3 của bảo tàng được dành để trưng bày tác phẩm từ năm 1954 tới nay, được chia ra thành các bộ sưu tập dựa theo chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa, điêu khắc. Mỗi bộ sưu tập đều mang một vẻ đẹp riêng, đóng góp vào tổng hòa phong phú của mỹ thuật Việt Nam hiện đại: BST tranh lụa mang đậm nét “duyên thầm” của truyền thống Á Đông, BST tranh sơn dầu với ngôn ngữ biểu hiện tượng trưng, màu sắc tươi sáng,...

Những giá trị mỹ thuật truyền thống
Đi hết dãy nhà chính, khách tham quan cũng đừng vội kết thúc hành trình khám phá Bảo tàng. Vẫn còn những “kho báu mỹ thuật dân gian” chờ được khám phá ở dãy nhà bên cạnh. Sưu tập chuyên đề mỹ thuật dân gian của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tái hiện lại đời sống tinh thần phong phú của tầng lớp bình dân tại Việt Nam xưa thông qua tranh dân gian (nổi bật nhất là tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống) và tượng dân gian (làm bằng đất nung, chạm gỗ, kim loại…). Đây là sản phẩm của trí tuệ tập thể qua nhiều thế hệ, ẩn chứa những nội dung giáo dục nhân cách và phản ánh cuộc sống đời thường.

Tranh “Hội Tây” được trưng bày tại sưu tập chuyên đề mỹ thuật dân gian của Bảo tàng

Không gian trưng bày mỹ thuật ứng dụng truyền thống, đúng như tên gọi, lưu giữ những sản phẩm sáng tạo của các nghệ nhân để làm ra y phục, các vật dụng sinh hoạt, phục vụ tôn giáo,... có tính thẩm mĩ cao. 

Ngoài ra, những người yêu thích nghệ thuật gốm sứ truyền thống của phương Đông chắc chắn không thể bỏ qua bộ sưu tập gốm từ thế kỉ XI đến thế kỉ XX ở dưới tầng hầm. Các tác phẩm gốm sứ được trưng bày tại đây phong phú cả về chất liệu, về cách trang trí, về niên đại và về tính ứng dụng. 

Triển lãm gốm “Thời gian cùng Lợi Châu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (nh: vivuhanoi.vn)

Kết thúc chuyến hành trình khám phá bảo tàng, mỗi du khách sẽ có cho mình một cảm xúc riêng, một bài học riêng, nhưng có lẽ điểm chung mà nhiều người sẽ cảm nhận được chính là sự bình yên của tâm hồn khi chìm đắm trong thế giới của nghệ thuật, của cội nguồn dân tộc; và rằng, có những “kho báu” dù đôi khi bị lãng quên nhưng chưa bao giờ là cũ kĩ, hết thời. Để rồi, sau khi về lại với cuộc sống bận rộn và xô bồ thường ngày, chúng ta vẫn biết mình còn một nơi “nương náu” cho tâm hồn mỗi khi mỏi mệt - đó là nơi hội tụ của nghệ thuật chân chính.

Thanh Ngân